Cặp đôi hôn nhau bên một ao nước bên trong hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Nhật Tường
Tháng tư, tháng năm, nắng Tây Ninh hầm hập táp vào mặt. Nhưng, ở hồ Dầu khá mát mẻ. “Nàng thơ” hồ Dầu Tiếng đẹp nhất là vào lúc bình minh và hoàng hôn, sắc trời và nước hoà quyện vào nhau, tạo nên gam màu ấn tượng.
Những chiếc lưới cá được tung lên bắt gọn ông mặt trời vào lưới; ngư dân gỡ lưới cá dưới ánh chiều tà giữa lúc chim bay về tổ, hay cặp đôi sắp cưới hôn nhau giữa đất trời, mặt nước bao la rộng lớn…
Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với diện tích mặt hồ lên đến 27.000km trải dài trên địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Chạy xe dọc trên bờ hồ Dầu Tiếng buổi sáng hoặc chiều có thể dễ dàng bắt gặp những bến cá của người dân địa phương.
Mùa mưa, bến cá dời vào sát bờ hồ; mùa nước cạn, nơi mua bán này lùi xa khỏi bờ hàng chục mét. Cá về, người lớn tấp nập mua bán, trẻ con thì hào hứng chơi đùa mang đến không khí tươi vui, náo nhiệt.
Trải nghiệm dù lượn thể thao trên hồ Dầu Tiếng.
Đi sâu trong lòng hồ Dầu Tiếng mùa khô, bạn sẽ bất ngờ với trảng cỏ xanh như thảo nguyên trải rộng dọc đường đi. Cắm trại qua đêm, đốt lửa, sinh hoạt nhóm bên trong lòng hồ càng khiến bạn có cảm giác như ở biển.
Tại đây, bạn có thể xem người dân đi đánh bắt cá, trải nghiệm cảm giác mò bắt chem chép… Chem chép ở hồ Dầu Tiếng mùa khô nhiều vô kể, chỉ cần đứng ở sát mép nước, mò mẫm dưới chân là đã có được mớ chem chép ăn đã đời.
Mới đây, lần đầu tiên tỉnh Tây Ninh thử nghiệm đưa dù lượn thể thao bay trên lòng hồ Dầu Tiếng tạo nên tín hiệu khả quan về một bộ môn thể thao trải nghiệm hoàn toàn mới ở nơi đây. Nếu kết hợp tất cả vào nhau, hồ Dầu Tiếng càng trở nên quyến rũ, hấp dẫn có một không hai ở Tây Ninh.
Câu cá vừa là thú vui, vừa là nghề mưu sinh của ngư dân lòng hồ. Hồ Dầu Tiếng có hơn 50 loài cá, trong đó có các loại có giá trị kinh tế như: cá thác lác, cá lăng, cá lóc, cá cơm…
Trải nghiệm bắt chem chép dưới hồ.
Giữa trưa ngày đầu tháng 5.2022, chúng tôi tìm đến hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu. Nở nụ cười tươi khi câu được con cá rô phi, anh Nguyễn Mạnh Hà (ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) nói: “Câu cá vừa là thú vui vừa là nghề mưu sinh của vợ chồng tôi từ lâu rồi.
Cái nghiệp đi câu nó cũng ăn sâu vào máu nên khó bỏ nghề này lắm”. Anh Hà kể, hằng ngày anh cùng đứa con trai đi câu cá (chủ yếu là cá rô phi) về bán, kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng. “Đi câu thì mình không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên trong hồ. Nhiều lúc thấy người ta kích điện mà nóng hết cả ruột”- anh Hà cười xởi lởi nói thêm.
Trâu gặm cỏ trong hồ Dầu Tiếng mùa khô.
Ghe di chuyển trên mặt hồ.
Thuyền về trên hồ Dầu Tiếng.
Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh thả bổ sung khoảng 1 triệu con cá các loại (trắm cỏ, chép, lăng nha, cá tra, sặc rằn…) nhằm tái tạo nguồn thuỷ sản, bảo vệ môi trường nước trong hồ. Những trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt thuỷ sản tận diệt như lợp xếp (18 cửa ngục), dớn, ghe nhủi, giã cào… đều bị cơ quan chức năng xử phạt nặng.
Ngồi trên mép lòng hồ buông cần, anh Thái Thanh Nhàn (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) khoe: “Ở lòng hồ này, cứ lấy sức mình ra là ai cũng sống được”. Anh Nhàn giải thích: “Câu cá thì năng suất không thể sánh được bằng lưới hay các phương pháp khác nhưng bảo vệ được môi trường nước, để cá trong hồ còn sinh sôi, phát triển”.
Giang Phương