Bán và mua hàng từ chợ.
Đời sống ngày một phát triển, mọi sinh hoạt có nhiều thay đổi theo hướng thuận tiện hơn, trong đó có chợ. Những ngôi chợ truyền thống ở quê ngày càng được xây dựng khang trang, mặt hàng phong phú hơn. Dù hiện tại phải cạnh tranh nhiều với những loại hình kinh doanh mới như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhưng với nhiều người, chợ vẫn là ưu tiên. Đến chợ, không chỉ là mua sắm vật dụng, thực phẩm mà nó còn là thói quen, là niềm vui và còn chứa đựng nhiều những ký ức một thời.
Chị Phạm Thị Phương Uyên, ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, với chị, những ký ức về chợ quê xưa đến giờ vẫn chưa nhạt nhoà. Chị Uyên chia sẻ: “Ngày đó, mỗi sáng đều trông mẹ đi chợ về vì hay có những món quà bánh như bánh cam hay xôi. Với những đứa trẻ quê chỉ bấy nhiêu cũng đủ vui rồi”. Theo trí nhớ chị Uyên, cái chợ không xa nhà chị lắm, chợ nhỏ những món đồ cũng không phong phú như bây giờ nhưng mỗi lần đến chợ đều rất háo hức.
Hay chị Đặng Kim Loan, ngụ ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu bồi hồi chia sẻ: “Những hình ảnh chợ quê cách đây khoảng 30 năm với tôi cũng chưa gọi là xa lắm. Chợ khi đó cũng nhỏ thôi, không nhiều đồ và tươm tất như bây giờ đâu”. Chị Loan vẫn nhớ, ngày đó mình cũng tập tành kinh doanh bánh kẹo, chỉ là một ít quà bánh bán cho trẻ con trong xóm. Mỗi buổi ra chợ lấy hàng là như bị choáng ngợp với nào bánh, nào kẹo. Theo chị Loan, lúc ấy trẻ ở quê làm gì được thấy những món quà bánh nhiều như bây giờ, nên những sạp hàng bán sỉ ngoài chợ như là “thiên đường”.
Chẳng những vậy, chợ quê còn là kỷ niệm về những ngày tết. Những đứa trẻ quê như chị Loan hay các em mình thường xúng xính quần áo mới ra chợ vui chơi. Những ngày đó chợ vắng hoe nhưng cũng rộn ràng hơn nhờ lũ trẻ trong các xóm. Chị Loan nói: “Bởi những ngày tết, trẻ con có tiền lì xì thì mới có dịp ra chợ ăn uống thoả thích”.
Củ mì, món quà quê từ đồng ruộng đầy hấp dẫn
Là người từ Thanh Hoá vào Tây Ninh đã hơn hai mươi năm, ký ức tuổi thơ của chị Trịnh Thị Thoa (ấp Thành Trung, xã Thành Long, huyện Châu Thành) cũng có nhiều kỷ niệm với hình ảnh chợ quê. Chợ xưa ở quê chị chỉ họp buổi sáng, là một điểm tập trung của dân cư vài xã. Chị nhớ, tại đó bán những bó rau, trái cây vườn nhà, con gà tự nuôi... hàng được đặt trên những quang gánh, thúng con không nhiều và phong phú như bây giờ. Chị Thoa nhớ lại: “Những ngày đó, mỗi khi bán được món gì đó tại vườn nhà thì mẹ tôi sẽ lại mua cho các con, cháu vài cái bánh lá, bánh cuốn... Chỉ như vậy nhưng đó là cả một bầu trời tuổi thơ. Mỗi khi được đến chợ với những đứa trẻ như tôi được mở mang thêm tầm mắt”. Khi vào Nam sinh sống, chị Thoa cũng thấy được những cảnh quen thuộc, chị nghĩ có lẽ chợ quê thì ở đâu cũng gần như nhau.
Chợ quê, mỗi buổi sáng đều ồn ào náo nhiệt, tập trung người đến mà khó có khu vực nào ở vùng nông thôn có được. Ở đó, ngoài việc buôn bán còn là dịp gặp gỡ bạn bè để tranh thủ chuyện trò của các bà, các chị. Đến tận bây giờ, nếp này vẫn như còn giữ được. Dẫu chợ có ngày một khang trang, những người bán nề nếp hơn, những món hàng phong phú hơn nhưng khi đến chợ vẫn là cái không khí hồ hởi vui tươi của nhiều người. Đó là tiếng rôm rả chào hàng, trả giá hay hình ảnh những người bạn bè tranh thủ buổi chợ sáng để gặp nhau trò chuyện về sức khoẻ, gia đình.
Những món bánh quê vẫn chưa lỗi thời
Bà Nguyễn Ngọc Yến, ngụ ấp Tân Đông, là tiểu thương tại chợ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Tại ngôi chợ này, bà Yến bán qua nhiều loại như bánh, trái cây, bây giờ là trứng gia cầm. Gần như cả khoảng thời tuổi trẻ của bà gắn với chợ. Cuộc sống ở chợ như ngấm vào máu bà, mỗi ngày không ra chợ với bà còn là nỗi nhớ nên rất hiếm khi nghỉ bán. Ra chợ, bà Yến gặp rất nhiều người để trò chuyện vui tươi thoải mái. Theo bà Yến, chợ bây giờ cũng có nhiều thay đổi nhưng không khí vẫn là như vậy, vẫn rất vui và rộn ràng. Mỗi ngày, thỉnh thoảng nơi bà bán trứng cũng có thêm ít rau càng cua hay dền cơm của cháu gái bà hái trong buổi đi làm sớm. Bà Yến cười hề hà: “Vậy chứ cũng bán hết, thêm chút tiền chợ”.
Chợ quê hiện nay dẫu có nhiều thay đổi nhưng vẫn chứa trong mình những nét mộc mạc, chân phương của những vùng quê từng nghèo khó. Nét mộc mạc đến từ những con người chân quê, hay đến từ những mâm rau, quả tươi xanh hái ở vườn nhà, những món bánh làm quà quê quen thuộc mà qua hàng chục năm trời vẫn không chút lỗi thời.
Có nhiều người mỗi ngày đều đến chợ như một thói quen. Lại có người vì quá bận rộn ít có thời gian nhưng những dịp đặc biệt cũng tranh thủ đến chợ. Chị Uyên, nhiều năm vì bận bịu công việc, việc chợ búa có mẹ chị phụ trách. Nhưng mỗi cuối tuần chị lại xách xe ra chợ, cùng mua những nguyên liệu tươi xanh để nấu những bữa ăn ngon cho chồng và các con cái.
Những món ăn tại chợ
Còn với chị Thoa, mỗi ngày đều tranh thủ đến chợ đi một vòng như là thói quen kể cả ngày mưa hay nắng. Chị chia sẻ: “Chợ bây giờ cũng không còn giống như trước đây, đầy đủ và khang trang hơn, ra chợ có nhiều món rất tiện dụng, được làm sẵn. Nhưng với tôi vẫn là thích và nhớ cảm giác những ngày xưa, được ngóng mẹ về với những món quà bánh từ chợ”.
Chị Kim Loan giờ cũng là một người nội trợ, chuyện chợ búa với chị là nhiệm vụ mỗi ngày. Chị nói: “Ra chợ tôi thích mua những món rau quả vườn nhà của những người quen. Những món này vừa rẻ lại an toàn cho bữa ăn”.
Chợ truyền thống tại các vùng quê, hàng đời gắn bó cùng nhiều thế hệ, ở đó góp phần lưu giữ những nét văn hoá làng quê mộc mạc trong ký ức khó thể phai nhoà.
Vi Xuân