(Ảnh minh hoạ)
1. Nhà hướng mặt ra sông. Nơi có bến nước bình thường như bao bến nước hình thành trên những đoạn sông khác. Chuyện lở bồi của bến sông thuận theo sự oằn mình, trăn trở của dòng nước mùa lũ. Bên này lở, ắt bên kia sẽ bồi. Cứ thế theo thời gian hình dạng của bến đổi thay.
Ấy vậy mà, cái bến sông ở làng này lại không nằm trong quy luật đấy, mà cứ xanh trong in sắc mây trời và bóng lá, cứ phập phù trong nỗi sợ của mọi người bởi bao huyền tích về một lời thề. Cái miếu thờ rêu phong cũ nát nép mình vào gốc đa, rất linh thiêng, khiến ai ngang qua cũng cúi đầu. Khói nhang đỏ rực mỗi ngày rằm.
Thuỳ đã ngồi hàng giờ trên bến vắng. Cây đa cũ bật gốc trôi về biển trong trận lũ năm nào. Quán nước liêu xiêu, trống trải tứ bề của bà lão móm cũng không còn từ lâu. Nơi dốc bến người ta đã trồng một cây bàng, trổ đầy nhánh, lá xanh mơn mởn. Vạt cải ven bờ, ngồng hoa lắt lay theo gió, ong bướm rập rờn. Thuỳ cảm giác tâm hồn mình đang thổn thức vì màu hoa ấy, mỏng manh, nhẹ nhàng mà cứ lẹm cắt trong từng suy nghĩ. Đối với hai người đàn bà khốn khổ là mẹ và dì, và cả Thuỳ nữa, màu hoa ấy luôn đồng hành trong từng mảng ký ức, cứ dội ngược vào tim mỗi lần bắt gặp, cứ rưng rức nỗi lòng khi phải chia xa.
2. Thuỳ không biết cha mình là ai. Cả mẹ và dì đều giấu cô điều đấy. Có hỏi họ cũng tìm cách lảng tránh rồi viện đủ lý do như cha đi làm xa, nay mai sẽ về. Thuỳ đã từng tin là vậy, để rồi mong tới tết cha về mang nhiều đồ chơi và quần áo đẹp. Nhưng rồi cha mãi biệt tăm. Lớn hơn chút nữa, khi đã hiểu chuyện, Thuỳ bắt đầu im lặng và tự tìm lời đáp cho cuộc đời mình. Thuỳ từng lén mẹ và dì, lội sông qua chợ, vòng lên thị trấn tìm cha. Dù biết rằng vô ích nhưng cô vẫn đi. Hễ gặp người đàn ông nào giống như trong tưởng tượng của mình là Thuỳ lân la làm quen. Những câu hỏi, giờ nghĩ lại, vẫn thấy mình ngớ ngẩn. Ông có phải là cha con không? Bị hỏi bất ngờ, người thì trố mắt nhìn, người thì ngạc nhiên rồi quay bước. Có lần Thuỳ mừng suýt khóc khi gặp người đàn ông đúng như trong giấc mơ. Nghe đứa con gái đáng thương ngờ nghệch hỏi, ông nhẹ nhàng kéo tay cô ngồi xuống bậc thềm hỏi han đủ chuyện. Thuỳ thành thật kể lại mọi điều. Ông lặng im nghe. Thuỳ hồi hộp, nghĩ đây đúng là người cha mà mình tìm kiếm. Ông vuốt tóc cô, cảm giác hạnh phúc lan truyền khắp người khiến cô cố dụi đầu vào ngực ông mà khóc. Một lát, không nghe ông nói thêm gì nữa, Thuỳ ngẩng lên nhìn thì thấy đôi mắt ông ầng ậc nước. Thuỳ bối rối, buông lỏng người ra, ngạc nhiên. Ông nhẹ nhàng:
- Bác cũng có một đứa con gái như con nhưng đã chết cách nay tròn năm vì suy thận.
Thuỳ vừa thương cảm vừa hụt hẫng, khóc oà rồi bỏ chạy. Và kể từ đấy, cô an phận trong ngôi nhà chỉ có mẹ và dì. Ngôi nhà nhỏ cạnh bến sông, quẩn quanh hai người phụ nữ lặng thầm như chiếc bóng và một đứa con gái còm nhom, da đen khét nắng vì phải lùa bầy vịt từ đồng này sang trũng khác.
3. Nhà ít đất vườn, bãi bồi vỡ chỉ mảnh nhỏ trồng hoa màu nên mẹ thường đi làm thuê. Ngày sông cạn, mẹ cắp giỏ đi bắt ốc, mò cua. Cứ dọc bờ mà lội. Thỉnh thoảng, mẹ qua chợ mua mấy đồng dầu, chai nước mắm, tiện ghé mua cho con gái kẹp tóc hay chiếc nơ cài. Thuỳ thường ngày trông coi bầy vịt ngoài đồng hay ra vườn nhổ cỏ dại, ra sông vớt bèo. Dì thì chèo đò qua lại bến sông. Khách là dân trong làng đi chợ hay qua thị trấn. Khi vắng khách, dì ngồi ngắm dòng sông trôi mải miết dưới bóng chiều lặng lẽ. Người làng bảo dì đẹp nhưng lại hẩm duyên nên chưa ai ngó ngàng. Thuỳ cũng nghĩ vậy, nhất là khi nghe tiếng thở dài của dì, thấy vồng ngực căng tràn của dì nhấp nhô, trăn trở trong những đêm khó ngủ thì lòng cô dậy niềm chua xót.
Người đàn ông thương hồ, bữa nọ tạt vô bến, ghé quán bà cụ móm mua thuốc hút, gặp dì, theo dì về nhà. Dì tiếp ở chõng tre trước thềm. Người đàn ông hết ngẩn ngơ, lại lúng túng, ngập ngừng rồi im bặt, đăm đắm nhìn dì, trong khi dì phải luôn tay châm thêm nước sôi vào ấm chè mới hãm. Mẹ đi gặt về, quần vo bắp chân, nón lá lệch quai, đứng ngoài ngõ nói vọng vào:
-Dì có khách à, chắc chưa cơm nước gì đúng không?
Nói câu mà không nghĩ mình thiếu ý tứ, mẹ ngạc nhiên trước người đàn ông lạ, điệu bộ e dè nhưng vẫn toát lên sự đĩnh đạc, từng trải. Người đàn ông gật đầu chào mẹ, mẹ đáp lễ bằng cái cúi đầu thật thấp rồi phân bua:
-Hai người cứ chuyện trò, tôi ra bến có chút việc.
Mẹ quay lưng, lòng khấp khởi, nghĩ mông lung, rằng người đàn ông ấy ở đâu, có gia đình chưa, không biết ý dì như thế nào, chứ nhìn qua thấy người ta cũng không đến nỗi nào.
Dưới bến, con thuyền lạ neo bằng sợi dây chão cột vào rễ đa. Trên khoang chất đầy hàng hoá, vài chiếc áo vứt bừa bãi, ở mũi thuyền nhốt một con gà trống gáy. Mẹ chăm chắm nhìn vào đấy như muốn khám phá thêm điều gì. Chiếc thuyền vẫn im lìm, bồng bềnh theo từng nhịp sóng nhấp nhô. Bà cụ móm cũng chuẩn bị đóng cửa về ăn trưa, ngạc nhiên:
-Cô Tầm đợi ai hả? Thuyền ai neo bến thế cô?
-Dạ, không rõ nữa bà ơi! Tự nhiên mẹ nói dối, mặt bừng đỏ, xấu hổ. Cũng không hiểu sao mẹ lại như thế. Rõ là thuyền của người đàn ông đang ở trong nhà mình, nói chuyện với dì, người ấy lần đầu tiên mẹ thấy xuất hiện, không biết hai người biết nhau lâu chưa, dì coi vậy mà kín tiếng… Hôm ấy, Thuỳ theo vịt vào tuốt đồng trong, chiều tối về, dì cho Thuỳ cái nơ kẹp tóc, mẹ nói cho cô biết.
Rồi người đàn ông có đến nhà mấy lần nữa. Dì ra bến đợi mỗi buổi chiều muộn, có khi lên thuyền tâm sự đến khuya, cũng mấy bận dì ngược dòng cùng ông ta nhưng rồi một thời gian không thấy người đàn ông có cái nốt ruồi bên đuôi mắt trở lại nữa. Ai hỏi, dì đáp tỉnh queo:
-Đi rồi!
Mẹ cũng không hỏi han nhiều, chỉ vuốt tóc dì khi dì tựa lưng vào vai mẹ, khóc nấc. Tình mới chớm sao mà sâu nặng quá. Nụ cười toả nắng dần tắt hẳn trên môi dì. Dì lặng lẽ, thu mình lại, tránh mọi ánh nhìn của mọi người. Nỗi buồn cứ dâng đầy trong mắt. Rồi đôi mắt thẳm sâu, mênh mang buồn ấy, một ngày kia bỗng nhiên dại đi, lơ đãng, vô hồn. Mỗi chiều muộn, dì tha thẩn ngoài bến sông, đi dọc bờ, tay cầm nhánh cây vặt ở bên đường múa may. Người làng bảo dì bị thất tình, điên loạn. Dì cười hềnh hệch, cất lên mấy câu hát buồn thảm. Đi chán, dì dò dẫm xuống sông, vùng vẫy, khóc cười. Mẹ chỉ biết đứng trên bờ nhìn theo và khóc. Thuỳ nép sau lưng mẹ cặp mắt đỏ hoe.
Đêm, dì thường không ngủ. Ngồi dậy nhìn qua ô cửa hẹp, hướng mặt ra bến sông. Trời đầy trăng. Ánh trăng khuya rời rợi xiên vào nhà, phả lên gương mặt gầy xanh có mấy sợi tóc bay loà xoà, trông ma mị. Có đêm, dì lén dậy, đi ra sau chái bếp, trút bỏ áo quần, múc từng gáo nước, xối lên đầu, rất nhẹ nhàng, ánh mắt đầy thoả thích. Thuỳ lặng lẽ nhìn dì qua liếp cửa. Dưới vùng sáng nhập nhoạng của ánh trăng cuối tháng, thân hình dì hiện lên gợi cảm, đầy đam mê. Dì ngẩng mặt như thể hứng từng giọt ánh trăng hiếm hoi rọi xuống tóc, xuống cổ, xuống bầu ngực căng tràn đang nhưng nhức nỗi khát khao... Rồi dì khóc. Nước mắt cứ thế tuôn rơi, nghẹn ngào, tức tưởi. Thuỳ rất sợ dì khóc, bởi lúc ấy dì như biến thành người khác, rất xa lạ, cứ oặt người đi, sức lực như thể bị ai hút mất hết. Thường khóc chán dì lại đi ra vườn đi loanh quanh hoặc nằm xuống giường, gối đầm đìa, cái thân hình mỏng manh nay càng gầy yếu hơn.
4. Mẹ và dì suýt soát tuổi nhau, ai mới nhìn không biết ai là chị ai là em. Mà ngày còn nhỏ Thuỳ cũng không phân biệt được, cứ gọi là dì. Hôm trời mưa, ngồi ở bậc thềm, mẹ nhổ tóc sâu cho dì, Thuỳ xán lại gần thủ thỉ đủ thứ chuyện. Mùi hương nhu, bồ kết thoang thoảng từ mái tóc của dì được mẹ gội sáng nay làm cô ngây ngất. Nhìn ánh mắt đong đầy cảm xúc của dì lúc ấy, Thuỳ thấy dì đẹp rạng rỡ. Thuỳ lùa tay vào tóc dì nâng niu, dì cứ để yên rồi bất chợt quay lại hỏi. Rất tỉnh táo, dì hỏi. Con thấy dì đẹp không nào? Thuỳ chưa kịp trả lời vì quá bất ngờ thì mẹ đã đe:
-Con nít con nôi biết gì, dì cứ hỏi xàm!
Dì dỗi, xô mẹ ra. Thuỳ thì lè lưỡi, rụt cổ lại, nhìn mẹ phụng phịu. So với mẹ, dì đẹp hơn hẳn. Mẹ không có cái sang trọng trong dáng dấp như dì, người mẹ tròn lẳn, gương mặt phúc hậu. Trong khi đấy, mặt dì trái xoan, sống mũi cao, cặp chân mày thanh tú. Mẹ lại không có mái tóc dày và đen mượt như dì. Tuy nhiên, ở mẹ toát lên sự dịu dàng vốn dĩ của một phụ nữ nông thôn chân chất, mộc mạc.
5. Mẹ từ bến về lúc trưa tròn bóng. Cái nắng xứ nóng bỏng rát thịt da. Mẹ chỉ đội cái nón trắng, khoác ngoài chiếc áo mỏng tang, ngả màu nâu đất. Nhìn đôi gò má mẹ đỏ hây, Thuỳ tấm tắc:
-Hồi trẻ khối anh chết mê mệt mẹ nhỉ?
-Con ranh, cơm nước để mẹ còn qua thị trấn phụ việc chưa mà ngồi nói bậy. Mẹ dứ dứ nắm tay trước mặt Thuỳ. Thuỳ lật đật chạy vào bếp bưng nồi cơm ra đặt lên chõng tre. Lúc mẹ lúi húi rửa chân tay thì cô đã bày biện xong bát đũa.
-Vẫn chưa thấy dì về mẹ nhỉ?
Thuỳ hỏi, giọng đầy lo lắng. Mẹ không nói gì, cứ cúi mặt xới lấy xới để nồi cơm. Mẹ tránh ánh mắt của Thuỳ và đang cố giấu cô rằng dì sẽ không về nữa. Dì đã quy y cửa Phật tại một ngôi chùa trên đỉnh núi xa. Thuỳ biết chuyện khi vô tình thấy mẹ ngồi khóc sau chái bếp, trên tay là tờ giấy nhàu nhĩ mà có người dúi vào tay mẹ. Mẹ hoảng hốt vò nát tờ giấy khi thấy đứa con gái mười lăm tuổi ngạc nhiên nhìn mình. Một phản xạ nhanh như chớp, Thuỳ giật phắt tờ giấy mà người mẹ khốn khổ chưa kịp ném đi. Những con chữ xiêu vẹo, nét rõ nét mờ hiện ra nhưng vẫn giúp đứa con gái thiệt thòi hiểu ra mọi chuyện. Thuỳ oà khóc, khóc thật to, nước mắt dồn ứ bao ngày cứ thế tuôn ra đầm đìa. Mẹ ôm Thuỳ vào lòng dỗ dành, nước mắt của mẹ hoà cùng nước mắt cô, tức tưởi, nghẹn ngào, đớn đau. Nỗi đau quặn thắt, ngỡ rằng không thể nguôi ngoai mà những năm sau đó nghĩ về Thuỳ đều thổn thức.
6. Mẹ và dì không phải là chị em ruột. Họ chỉ là hai thân phận lạc loài đau khổ gặp nhau, nương tựa với nhau. Dì là người miệt dưới, nhà nghèo, cha mẹ mất trong trận lũ lịch sử. Dì vô Nam kiếm sống bị lừa tiền, ép tiếp khách. Dì trốn về, phụ quán cơm bên thị trấn. Tuổi mười tám xinh đẹp, thân hình đầy đặn, mắt môi ưa nhìn khiến bao chàng trai theo đuổi, chọc ghẹo. Và ông chủ quán cũng không ngoại lệ, đêm khuya mò vào phòng dì, dì hốt hoảng bỏ chạy. Ông ta hô hoán rằng dì trộm của, người ta đuổi theo đánh dì thập tử nhất sinh. Mẹ thấy dì nằm thoi thóp bên hông chợ. Mẹ dìu dì dậy cho ăn và đưa về nhà tá túc….
7. Mẹ bỗng mắc một căn bệnh mà ngày nay gọi là hoang tưởng. Mẹ đã thấy người xưa tìm về, gọi mẹ ngoài bến sông. Mẹ hay lang thang khắp nơi. Ra bờ sông, ngắt từng ôm hoa cải rồi mẹ nói chuyện một mình. Có khi mẹ ngồi ngoài bến sông lúc chạng vạng gọi với qua bên kia bờ. Tiếng gọi của mẹ trầm đục, nửa nghẹn ứ cổ họng nửa quằn quại cố thoát ra ngoài thành thử cứ lửng lơ, đau đớn. Thuỳ đưa mẹ lên chùa, nơi dì sớm tối kinh kệ cùng sư bà. Gặp nhau hai chị em ôm nhau khóc. Sư bà cảm cảnh, tụng một hồi kinh siêu độ, những mong mẹ hồi tâm nhưng không cứu vãn được. Mấy tháng sau mẹ mất. Trước khi nhắm mắt, mẹ dặn Thuỳ phải yêu thương dì nhiều. Đời dì nhiều nước mắt, cứ ngỡ sẽ được bình yên, hạnh phúc khi gặp người ta, nào ngờ niềm mong ước có được đứa con để thành đàn bà cũng không được. Người đàn ông dì gặp, chẳng yêu thương dì đâu. Ông ta muốn chiếm lấy phần xác của dì, giày vò dì cho thoả cơn thú tính. Để rồi sau những lần truy hoan đầy cục súc và bạo liệt ấy, ông ta chán chê, hờ hững còn dì thì cố níu để có được điều mình mong muốn. Đớn đau, ê chề mà vẫn níu kéo đấy là bi kịch… Mẹ nói trong hơi thở yếu dần. Dì đứng bên giường, lầm rầm khấn nguyện. Thuỳ thấy dì đẹp như một bức tượng được tạo hoá chạm khắc rất công phu, hoàn hảo.
Sơn Trần