Văn nghệ sĩ Hội VH-NT Gò Dầu chụp ảnh lưu niệm cùng nhà thơ Phan Hoàng tại buổi sinh hoạt chuyên đề.
Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy vào ngày chủ nhật cuối tháng 3 năm 1992. Anh Nhân đến nhà tôi, trên tay cầm một vài quyển tạp chí. Qua vài câu xã giao, anh đi thẳng vào vấn đề là muốn thành lập CLB sáng tác thơ văn và đã được sự đồng tình của ông Bùi Mười Lăm- Giám đốc Trung tâm Văn hoá, thuộc Nhà Văn hoá huyện Gò Dầu.
Hiểu được sự yêu thích và nhiệt tình của anh, tôi đồng ý tham gia. Kể từ đó, tôi và anh vận động thêm để có đủ thành viên thành lập CLB. Cả nhóm ban đầu chỉ có 7 người và ông Bùi Mười Lăm tạm thời chủ trì các cuộc họp đầu tiên ngày 11.10.1992. Bảy anh chị em có mặt trong phiên họp lúc đó là: Mộng Trung Nhân, Nguyên Hạ, Trần Hoàng Vy, Thanh Vân, Tịnh Thuỷ, Duy Linh, Trần Long.
Vậy là CLB sáng tác thơ văn huyện Gò Dầu được thành lập. Để sớm đi vào hoạt động, được sự góp ý của Giám đốc Trung tâm Văn hoá, CLB thống nhất việc phân công phân nhiệm như sau: Chủ nhiệm: Mộng Trung Nhân, Phó Chủ nhiệm: Trần Hoàng Vy, Uỷ viên phụ trách văn xuôi: Nguyên Hạ, Uỷ viên phụ trách thơ: Tịnh Thuỷ và 3 uỷ viên khác.
Sau đó, mỗi thành viên tự liên hệ và tìm thêm hội viên mới như: Phùng Thị Tuyết Anh (Bạch Vân Anh), Đào Phạm Thuỳ Trang (Sao Đơn Phương), Vương Văn Nam (Hàn Vi)... Ngày 22.12.1992, CLB chính thức ra mắt. Năm 1993, các thành viên CLB được kết nạp vào Hội VH-NT tỉnh Tây Ninh.
Lúc này, Hội VH-NT tỉnh đề nghị nâng cấp CLB thành Chi hội VH-NT huyện Gò Dầu. Ngày Đại hội Chi hội VH-NT huyện Gò Dầu lần I cũng là sinh nhật 1 năm của CLB sáng tác thơ văn Gò Dầu.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hoá, Phòng Văn hoá huyện và sự giúp đỡ về chuyên môn của Hội VH-NT tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ Gò Dầu phát triển về số lượng lẫn chất lượng.
Trung tâm Văn hoá hỗ trợ xăng, xe cho các văn nghệ sĩ đi giao lưu với các CLB bạn như: CLB thơ văn Nhà Văn hoá Lao động, Nhà Văn hoá Thanh Niên, Nhà Văn hoá quận 8, Nhà Văn hoá Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh, CLB thơ huyện Chợ Lách Bến Tre...
Khi CLB trở thành Chi hội VH-NT, các anh chị em ở các mảng hoạt động khác như: sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc cũng tích cực tham gia. Nhất là mảng sân khấu. Chi hội hoạt động thường xuyên, mỗi tháng họp 1 lần vào ngày chủ nhật cuối tháng.
Nói thì nghe suôn sẻ thế, thật ra để có chỗ họp đàng hoàng, cả nhóm phải thay đổi địa điểm sinh hoạt từ nhà hội viên, nhà mạnh thường quân, phòng của bãi hát Gò Dầu. Dù vậy, anh chị em văn nghệ sĩ vẫn nhiệt tình đến dự không bỏ buổi nào.
Vào khoảng cuối năm 2000, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều anh chị em không có điều kiện hội họp thường xuyên nhưng sáng tác của họ vẫn có mặt trên các trang báo của tỉnh nhà, tỉnh bạn.
Nhằm tập hợp đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật đang ở rải rác các huyện phía Nam của tỉnh, Hội VH-NT Tây Ninh quyết định thành lập CLB VH-NT khu vực phía Nam, chính thức ra mắt và đi vào hoạt động ngày 18.2.2006.
Tiếng lành đồn xa, nhiều anh chị em yêu thích văn chương tìm về góp phần làm cho CLB ngày càng lớn mạnh. Có lúc thành viên lên đến gần 50 người. Có những thành viên cao tuổi (ngoài 80) như bác Mạnh Khải ở thị xã Trảng Bàng vẫn có mặt thường xuyên trong các buổi họp hằng tháng.
Để nâng tầm hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tế, Hội VH-NT tỉnh ban hành Quyết định 070/QĐ-TL ngày 24.11.2007 đổi tên CLB VH-NT khu vực phía Nam thành Chi hội VH-NT Vàm Cỏ Đông. Lúc này, nhà thơ Minh Phương làm chi hội trưởng; nhà văn - nhà thơ Nguyên Hạ, Trần Hoàng Vy làm chi hội phó.
Nguyên tiêu 2018.
Sau này, Hội VH-NT tỉnh Tây Ninh có chủ trương tách Chi hội Vàm Cỏ Đông ra làm hai chi hội: Chi hội VH-NT Gò Dầu (gồm các văn nghệ sĩ ở Gò Dầu và Trảng Bàng) và Chi hội VH-NT Bến Cầu. Sau một thời gian tách - nhập, năm 2009, Chi hội trở lại tên gọi Chi hội VH-NT huyện Gò Dầu.
Từ năm 2009 đến 2013, Chi hội VH-NT Gò Dầu được UBND huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động mỗi năm hơn 20 triệu đồng. Ngoài việc đưa hội viên đi sáng tác, chi Hội VH-NT Gò Dầu còn tổ chức cho hội viên giao lưu với các Hội VH-NT An Giang, Đồng Tháp… Tập thể Chi hội, nhiều hội viên được Hội VH-NT tỉnh, UBND tỉnh, UBND huyện Gò Dầu khen thưởng nhiều lần.
Với những thành tích đạt được trong những năm qua, Chi hội VH-NT Gò Dầu được nâng cấp thành Hội VH-NT huyện Gò Dầu theo Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 16.8.2013 của UBND tỉnh Tây Ninh.
Ngày 22.10.2013, Đại hội Hội VH-NT huyện Gò Dầu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2013-2018 được tiến hành với số đại biểu chính thức là 42 (gồm 12 hội viên ở Trảng Bàng cùng 30 hội viên thuộc huyện Gò Dầu). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành có 5 vị, trong đó, 1 Phó Chủ tịch Hội là Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện.
Năm 2014, Hội được UBND huyện cấp kinh phí mua sắm máy vi tính, tủ đựng hồ sơ, bàn ghế… nên điều kiện làm việc được cải thiện. Số hội viên của Hội VH-NT huyện Gò Dầu hiện có 50 người.
Với lực lượng hội viên như trên, Hội VH-NT Gò Dầu từng bước gặt hái được nhiều thành quả, đánh dấu bước tiến vượt bậc thể hiện qua các giải thưởng, đầu sách được xuất bản.
Trong đó mảng văn học có các tác giả đạt khá nhiều giải thưởng qua các cuộc thi như: Trần Hoàng Vy, Nguyên Hạ, Nguyệt Quế, Trần Nhã My, Xuân Khanh, Quang Thảo, Kim Liên…; mảng sân khấu có các tác giả đạt giải thưởng: Hoàng Sến, Minh Thành, Lê Văn Thật, Thanh Nhàn, Lê Mai, Võ Văn Trưởng… Các tác giả được hỗ trợ in ấn tác phẩm như: Trần Nhã My, Nguyên Hạ, Nguyệt Quế, Lê Văn Thật, Kim Liên, Minh Thành, Lê Nguyên.
Nguyên tiêu Quý Mão- 2023 với chủ đề “Gò Dầu chung nhịp điệu mới” phát huy giá trị và thành quả thơ ca của 30 năm trước. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 của Gò Dầu nhằm tôn vinh các nhà thơ và các tác phẩm thơ ca; là cầu nối tâm hồn để các văn nghệ sĩ, các nhà thơ, các bạn yêu thơ gần gũi nhau hơn; khích lệ, động viên các nhà thơ chuyên và không chuyên tích cực sáng tác, cống hiến cho đời, cho công cuộc đổi mới và dựng xây quê hương, đất nước, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng đổi mới hơn, tươi đẹp hơn.
Nguyên Hạ - Trần Nhã My