Nữ kế toán Nguyễn Thị Hồng Diệu trong chuyến công tác đi thăm, chúc tết quân dân trên quần đảo Trường Sa cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Trong chuyến đi thăm, chúc tết quân dân quần đảo Trường Sa vừa qua, tôi khá ấn tượng khi gặp gỡ một nhân viên kế toán là tác giả của 2 tập thơ với gần 140 bài viết về biển đảo quê hương. Trong đó có hơn 50 bài thơ đã được phổ nhạc, biểu diễn đoạt giải cao trong các đợt phát động sáng tác về biển đảo và nhiều bài thơ được đọc trong chương trình Tâm tình biên giới - hải đảo, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chị tên Nguyễn Thị Hồng Diệu, sinh năm 1984, quê ở Nghệ An, tốt nghiệp Trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An, chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp, hiện công tác tại Công ty cổ phần tập đoàn Khách sạn A25 và là thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Bố của Diệu là giáo viên dạy chính trị ở Học viện Phòng không - Không quân (Sơn Tây, Hà Nội).
Ngày còn bé, Diệu đã nhiều lần theo bố lên học viện nên hình ảnh người lính trở nên gần gũi, thân thương. Lớn lên, Diệu tham gia Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Cô gái xứ Nghệ đã 2 lần đến quần đảo Trường Sa. Công việc kế toán bận rộn với những con số, nhưng Diệu vẫn tranh thủ thời gian sáng tác.
Trong tập thơ đầu tay “Những dặm sóng yêu thương”, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản năm 2015, có 96 bài thơ được viết theo thể thơ tự do với nhiều đề tài khác nhau. Những câu từ mộc mạc, dễ đọc, dễ hiểu và giàu tính nhịp điệu, sự quan sát tinh tế, lối viết nhẹ nhàng, hầu hết các bài thơ của Diệu đều để lại những hình ảnh đẹp của người lính và biển đảo quê hương.
Hoá thân thành người lính lần đầu đặt chân lên đảo Trường Sa, tác giả viết rất chân thật, rất đời thường, người lính bỡ ngỡ giữa bao la biển cả, chưa vơi được nỗi nhớ nhà, nhớ người thân; chân bước rụt rè giữa đoàn người chào đón và có những cái nắm tay của đồng đội để lòng anh lính trẻ ấm nồng trở lại sau quãng đường xa. Và người lính ấy nhanh chóng yêu mến mảnh đất Trường Sa:
“Ôi! Trường Sa.
Có tiếng rì rào của lá Phong Ba
Khe khẽ hát khúc tình ca biển cả
Như nhắn nhủ một điều thân thương quá
Ra đây rồi
Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
(Trích “Trường Sa đón anh”)
Có lúc tác giả hoá thân vào người vợ viết vội lá thư gửi chồng, kể những chuyện thường ngày ở làng quê, chuyện gia đình và những nỗi nhớ âm thầm như nơi quê mình bắt đầu mùa giá lạnh, các con mình hay ngủ nướng, nhác chơi v.v…
Người vợ cũng có đôi lần khóc khi con hỏi “bố về chưa” và những mong ước rất kín đáo: “Nằm ôm con mà lòng thì thầm ước/ Có anh về để che liếp song thưa”. Rồi người vợ gửi cho chồng chiếc áo len để tránh gió mùa kèm theo lời dặn dễ thương: “Lúc sáng sớm hay về khuya anh gác/ Nhớ quàng khăn vào để đỡ lạnh nghe chưa”.
Thật bất ngờ khi tác giả kết bài thơ bằng những câu từ mạnh mẽ. Một người vợ nhỏ bé bỗng chốc trở thành hậu phương vững chắc để người chồng yên tâm lo chuyện non sông:
“Anh cùng bao đồng chí hãy kiên cường
Vì phía sau các anh là hậu phương vững chắc
Hãy yên tâm và hoàn thành xuất sắc
Nhiệm vụ vinh quang bảo vệ nước non nhà”.
(Trích “Thư em viết vội”)
Chỉ tính riêng trong tập thơ “Những dặm sóng yêu thương” đã có hơn 50 bài thơ được nhiều nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc, như nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc bài “Thư con”, được biểu diễn trong chương trình tuyên dương thanh niên tiêu biểu năm 2014; nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ các bài “Bình yên ngày mới”, “Biển Hoàng Sa”, được đưa vào album Sôi lên hào khí Việt Nam và “Áo cha”, “Câu hỏi của bé”, “Quà của ba”, “Bức tranh của con”, trong album Ba em là bộ đội Hải quân; nhạc sĩ Hồ Hoàng phổ các bài “Võ Nguyên Giáp trên ngọn sóng Biển Đông”, “Vị tướng của lòng dân” trong ấn phẩm Võ Nguyên Giáp - Trang sử cuộc đời và các bài “Giữa Trường Sa anh hát”, “Đi ta đi”, “Mưa Trường Sa”, “Cờ Tổ quốc trên biển Hoàng Sa”, “Trường Sa ngày em đến”, “DK mùa giông bão”...; nhạc sĩ Thanh Hải phổ các bài “Thương về nơi đầu sóng”, “Nỗi nhớ Hoàng Sa”; nhạc sĩ Minh Châu phổ nhạc bài “Tình gió”, “Bố yêu con”- tác phẩm đoạt giải Nhất trong Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi quận Tân Bình- TP. Hồ Chí Minh năm 2014; nhạc sĩ Thanh Dũng phổ nhạc các bài “Lính nhà giàn”, “Dưới bóng cờ sao bay”.
2 tập thơ của Nguyễn Thị Hồng Diệu.
Sau thành công của tập “Những dặm sóng yêu thương”, năm 2020, Nguyễn Thị Hồng Diệu tiếp tục cho ra đời tập thơ thứ 2: “Thư con gái Trường Sa”. Tập thơ này có 33 bài thơ viết về biển đảo.
Hầu hết những bài trong tập thơ này khai thác sâu về tình cảm gia đình, niềm tự hào của con khi có bố là lính Trường Sa, như “Con và Trường Sa của mẹ”, “Bố em là lính tàu ngầm”, “Bố ở đảo xa, con ở nhà”. Bên cạnh đó, có một số bài thơ viết về trẻ em trên đảo như “Em bé Trường Sa”, “Trường tiểu học trên đảo của em” v.v…
“Nhành san hô đỏ thắm giọt máu đào
Mằn mặn đắng mồ hôi hoà sóng trắng
Ngày qua ngày tiếng bước chân thầm lặng
Cháy nắng thao trường ướt đẫm sương đêm”.
(Trích “Con và Trường Sa của mẹ”)
Trên đảo Sinh Tồn (thuộc quần đảo Trường Sa) vừa xây xong một ngôi trường tiểu học để phục vụ công tác dạy văn hoá cho con em cư dân trên đảo. Nhân dịp này, tác giả viết:
“Đảo em vừa xây xong trường tiểu học
Từ những ân tình nơi đất mẹ gửi ra
Mái ngói đỏ tươi sàn lát gạch hoa
Bàn ghế gỗ thơm hương nồng sơn mới
Cờ Tổ quốc trên cao bay phấp phới
Thêm rộn ràng tiếng trống giữa biển khơi
Trong lớp học, giữa sân chơi
Là ríu rít báo tiếng cười bạn nhỏ”.
(Trích “Trường tiểu học trên đảo của em”)
Trong chuyến công tác thăm, chúc tết quân dân trên quần đảo Trường Sa vừa qua, Hồng Diệu được tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo gói bánh chưng đón tết. Với Diệu, những chiếc bánh chưng gói giữa Trường Sa không chỉ là nếp gói trong lá dong xanh mà được gói bằng tình yêu, tình quân dân trên biển đảo.
“Anh gói bằng tình yêu của biển,
Bánh chẳng xanh như bờ xa quê hương thương mến,
Nhưng đậm nghĩa tình người chiến sĩ hải quân.
Bánh tượng trưng cho tình thắm quân dân,
Nhân bánh là anh, nếp thơm là em đó,
Lá dong xanh như vòng tay đất nước mình ôm trọn bao trái tim thắm dòng máu đỏ,
Đoàn kết một lòng gìn giữ nước non.
Bánh còn mang bao hẹn ước sắt son,
Anh với em sẽ như đất trời hoà hợp,
Khi biển quê hương không còn bóng quân cướp nước,
Anh sẽ về duyên thắm cùng em”.
(Trích “Bánh chưng của đảo”)
Nguyễn Thị Hồng Diệu tâm sự: “Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Việt Nam. Với người lính nói chung em đã có tình yêu đặc biệt, vì từ thời còn bé em thường theo bố tới trường sĩ quan, được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt và những hy sinh của người lính nên em hiểu và thương người lính nhiều hơn.
Sau này có dịp ra thăm Trường Sa, em mong muốn chia sẻ cùng các em nhỏ có bố là bộ đội Hải quân. Trong chuyến công tác đi thăm, chúc tết quân dân trên quần đảo Trường Sa cuối năm 2022 đầu năm 2023, em có thêm nguồn cảm hứng để sáng tác, nhưng chưa có dự định ra thêm tập thơ mới”.
Đại Dương