Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Đoàn lân sư rồng Trung Anh Đường: Thành công không tự nhiên đến - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 03/02/2023 12:26
BTN - Giành giải nhất toàn đoàn tại Liên hoan “Lân chào xuân” tỉnh Tây Ninh lần thứ XX vừa qua, đoàn lân sư rồng Trung Anh Đường một lần nữa khẳng định vị thế, sức mạnh vượt trội.

Đoàn lân Trung Anh Đường làm lễ khai quang điểm nhãn hằng năm tại chùa Gò Kén.

Trung Anh Đường là một trong những đoàn lân sư rồng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Không chỉ nổi lên như một hiện tượng, cái tên Trung Anh Đường đã gặt hái nhiều thành tích tại các hội thi trong và ngoài tỉnh. Giành giải nhất toàn đoàn tại Liên hoan “Lân chào xuân” tỉnh Tây Ninh lần thứ XX vừa qua (với tư cách là đại diện của Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh thành phố Tây Ninh), đoàn lân sư rồng Trung Anh Đường một lần nữa khẳng định vị thế, sức mạnh vượt trội.

MÚA LÂN LÀ ĐAM MÊ

Sau 13 năm thành lập và phát triển, Trung Anh Đường hiện có hơn 40 thành viên, và không ai xem nghề múa lân là để làm giàu, tất cả chỉ vì đam mê cháy bỏng. Đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy (19 giờ 30 đến 21 giờ 30 phút), anh em trong đoàn đến tập luyện tại khoảng sân trước UBND phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành. Tất nhiên, không ai phải trả học phí, chỉ có đàn anh truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em.

Thông thường, một buổi biểu diễn lân có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, với thời gian từ 10 phút đến hơn một giờ đồng hồ. Tuy vậy, nhiều lúc họ múa không công để phục vụ bà con, cộng đồng tôn giáo. Ví dụ, các chương trình thiện nguyện ở địa phương, các lễ hội của Toà thánh Cao Đài... ai nấy đều hào hứng và tập hợp đông đủ. Chỉ cần nghe thấy những tiếng reo hò, vỗ tay của người xem là đủ để họ quên tấm lưng áo đang ướt đẫm mồ hôi.

Trưởng đoàn Trung Anh Đường hiện nay là anh Lý Thành Trung, 29 tuổi. Ngày thường, anh Trung kiếm sống bằng nghề tài xế. Tết đến, anh dành hết sự ưu tiên cho đam mê. Anh chia sẻ: “Tôi đã đi múa lân từ năm 11 tuổi. Sau này, tôi học thêm những kỹ thuật, bài vở từ một sư phụ người Trung Quốc. 20 năm nay, chưa có năm nào tôi ở nhà ăn tết. Chúng tôi đi biểu diễn từ trước tết đến hết tháng Giêng.

Nhiều anh em đi làm ăn xa cũng tranh thủ thời gian về quê tham gia cùng đoàn. Tết là phải đi múa lân mới vui, còn giúp mình tránh được những tệ nạn như cờ bạc nữa. Con gái tôi mới 2 tuổi nhưng cũng mê lân lắm. Ở nhà, tôi làm cho bé một cái trống và cái đầu lân nho nhỏ”.

Đồng hành với đam mê của ông xã, chị Phụng (vợ anh Trung) tối nào cũng dẫn con ra xem đội lân của chồng mình tập luyện. Chị tâm sự: “Những ngày tết, chồng tôi đi suốt, đến chiều tối mới về tới nhà, nhưng tôi hiểu và thông cảm nên không có gì buồn. Anh không cho tôi đi theo đoàn vì sợ nắng nôi, cực khổ”.

Những vận động viên của Trung Anh Đường đa số có tuổi đời còn rất trẻ, bởi bộ môn này không những đòi hỏi kỹ năng mà phải có nền tảng thể lực rất dồi dào. Bên cạnh những gương mặt trẻ, vẫn có người dù đã lớn tuổi nhưng chưa có ý định giải nghệ.

Anh Nguyễn Thành Phát, gần 40 tuổi vẫn tràn đầy nhuyệt huyết: “Tôi không nhớ mình đã đi múa lân bao nhiêu năm, chỉ biết là từ hồi nhỏ đến giờ. Suốt từng ấy năm theo nghề, vui nhiều hơn buồn.

Giờ già rồi, không múa nổi nữa nhưng vẫn đi theo đoàn để hướng dẫn, truyền lửa cho thế hệ trẻ. Ngày nào tôi cũng ra chỗ tập, phụ được gì thì phụ, bận quá mới nghỉ, tới khi nào không còn sức nữa thôi, chứ không có lân là thấy thiếu thiếu”.

Tiết mục Lân địa bửu của đoàn Trung Anh Đường gây ấn tượng mạnh.

CHẤN THƯƠNG NHƯ CƠM BỮA

Đến xem buổi tập của đoàn, người viết chứng kiến cảnh các vận động viên trượt chân khi nhảy trên mai hoa thung. May mắn xung quanh có lót sẵn nệm nên cú ngã không đến nỗi quá nghiêm trọng. Nửa tiếng sau, họ lại đứng dậy tập tiếp.

Anh Trung cho biết: “Chuyện này xảy ra hoài nên nhiều em cũng rất sợ. Có người phải bỏ nghề vì chấn thương nặng. Còn đối với những chấn thương nhẹ, nghỉ ngơi chút rồi về bó thuốc gia truyền của chúng tôi là 1-2 bữa sau có thể tập lại. Vì chỉ cần ngưng tập chừng 2-3 ngày thôi sẽ bị mất cảm giác trên mai hoa thung liền”.

Người vừa bị té là Võ Nhật Hoài Phong, năm nay 20 tuổi, nhưng đã múa lân được 7 năm. Phong nói: “Năm nay đã là năm thứ 4 em múa trên mai hoa thung rồi. Xác định theo tập bộ môn này thì chắc chắn không tránh khỏi chấn thương.

Trưởng đoàn hay bảo bọn em phải rèn thêm sự gan dạ, quyết đoán và tinh thần tập trung cao độ. Lúc đầu gia đình cấm tham gia nhưng em vẫn lén đi tập. Sau này thấy em mê quá, rồi được đi thi đấu ở nhiều nơi, gia đình cũng ủng hộ và tự hào về em. Những lúc nghỉ tập do dịch bệnh, em hay rủ bạn diễn ra nhảy trên mai hoa thung. Có khi, chỉ một mình em cũng cột đai ra tập”.

“Một lần, trong lúc kiểm lục, ngay trước ngày thi đấu, em bị lật cổ chân, sưng rất to, tới nỗi không mang giày được, nhưng vẫn cố gắng nén đau để hoàn thành bài thi. Em chưa bao giờ có suy nghĩ từ bỏ cả. Nếu bỏ cuộc, em sẽ buồn và tiếc cho bao công sức mấy năm trời của mình và mọi người.

Rất vui là hôm thi đấu mọi chuyện đều diễn ra như ý và đoàn em giành giải nhì”- Phong kể về kỷ niệm khó quên tại Giải lân sư rồng tỉnh Tây Ninh mở rộng, tranh cúp Vincom Plaza lần I, năm 2022.

Các chú lân chuẩn bị làm lễ khai quang điểm nhãn ở chùa Gò Kén.

MẠNH DẠN ĐẦU TƯ

Theo dõi những màn biểu diễn của đội lân Trung Anh Đường, nhiều khán giả phải công nhận các tiết mục của họ đều có sự đầu tư công phu, đậm chất nghệ thuật. Kịch bản ấn tượng, kỹ thuật rõ nét, âm thanh và động tác kết hợp nhịp nhàng, dàn nhạc cụ, trang phục hoành tráng… tạo sự thích thú, mới lạ cho người xem.

Ít ai biết rằng, để có được những màn trình diễn sôi động, cuốn hút, không bị nhàm chán, trưởng đoàn lân Trung Anh Đường không tiếc tiền bạc cũng như công sức bỏ ra cho đội ngũ của mình. Với họ, trang bị đầy đủ đồ nghề thì biểu diễn mới sung và sướng. Theo ước tính của anh Trung, chi phí phải chi hằng năm không hề nhỏ, hơn trăm triệu đồng.

Đầu tiên là lân và trang phục của vận động viên mỗi năm đều thay đổi (giá của một chiếc đầu lân tầm 5-7 triệu đồng, tuỳ theo chất liệu, hình thức trang trí). Thường thì mỗi đoàn lân sẽ có khoảng chục chú lân để phục vụ cho các nhu cầu khác nhau (lân để tập, lân đi diễn, lân đi thi).

Tiếp theo là trống, dùi, chập chả, phèng la… (hơn mười cái trống, mỗi cái khoảng 4-5 triệu đồng). Ngoài ra còn có rồng, cờ, trang phục ông Địa và hàng chục món linh tinh khác nữa. Chưa hết, thỉnh thoảng phải thay mới những đồ vật đã cũ, hư hỏng hoặc sơn phết, trang trí lại. Chưa kể vốn ban đầu, điển hình như giàn mai hoa thung gần 100 triệu đồng.

Đoàn lân Trung Anh Đường giành giải Nhất toàn đoàn tại liên hoan “Lân chào xuân” lần thứ XX vừa qua.

Có lẽ, như bao nhiêu đoàn khác, họ chỉ mong ước có thật nhiều hợp đồng để trang trải cả năm, cho nhịp trống mãi rộn rã. Nhiều người trong nghề thừa nhận rằng, múa lân có sức lôi cuốn ghê gớm lắm, đã vướng vào rồi khó mà dứt bỏ.

Thậm chí, có trường hợp từng tán gia bại sản vì không giải quyết được bài toán kinh tế. Thế nhưng, với những gì mà Trung Anh Đường đã và đang cố gắng thể hiện, gây dựng nên tên tuổi, uy tín trên mảnh đất Tây Ninh.

Vì thế, họ thu hút nhiều nhà tài trợ, góp phần củng cố nguồn lực, ổn định tài chính. “Lâu lâu chúng tôi còn gặp những chủ xe tốt bụng muốn “hưởng ké” lộc của lân nên hỗ trợ xe di chuyển miễn phí nữa”- anh Trung tiết lộ.

ANH THƯ

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp