Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Bầu trời của con - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 27/05/2022 23:39
BTN - Rồi cũng đến lúc ba mẹ dắt nhau ra toà. Chia tay. Chị Hai khóc, nhưng tôi, lạ kỳ thay, không rỏ một giọt nước mắt, còn thấy nhẹ người mới lạ.

(ảnh minh hoạ)

Xưa ba mẹ hạnh phúc thế nào tôi chỉ biết lơ mơ (nghe chị Hai kể); còn nay, chuyện ba mẹ cơm không lành canh không ngon tôi biết rõ, rất rõ. Bắt đầu có ý thức, tôi đã phải làm chứng nhân bất đắc dĩ cho cảnh lục đục nhiều hơn cơm bữa của ba mẹ. Ba đi làm cả ngày, chiều còn ghé nhậu (hay đi đâu chẳng rõ), chín mười giờ đêm say khướt mới về. Mẹ thì sáng tranh thủ nấu nồi cơm, kho xoong thịt vứt đấy cho chị em tôi xong cũng lên đường “chạy sô”. Việc trường sở, việc làm ăn và những việc gì gì nữa linh tinh chỉ mình mẹ biết.

Chủ nhật, ngày lễ: người này (miễn cưỡng) ở nhà thì người kia kiếm cớ bỏ đi. Nói gọn: ba mẹ hệt mặt trời/mặt trăng, người này mọc người kia lặn và ngược lại! Vậy còn đỡ, bởi hễ đụng mặt nhau, vài ba câu đến câu thứ tư thế nào cũng choảng!

“Tên bay đạn lạc” chị em tôi tha hồ lãnh đủ. Vậy nên thấy ba mẹ cùng ở nhà là sợ, trông cho một người đi. Đi hết càng hay… - tôi bức xúc lầm bầm. Chị Hai trừng mắt, quát: hỗn! Hỗn gì. Nói thật, tôi không mong thì ba mẹ cũng đi. Khi gia đình không còn là niềm vui đâu ai muốn ở nhà? Người lớn sướng thật. Chỉ con cái là thua, không biết chỗ nào đi, không biết lấy gì để đi. Nếu mà đi được, chưa biết chừng tôi đây cũng đi… Và tôi đã nghĩ, thế gian này, tôi đúng là một trong những đứa con tội ngiệp. Bi quan hơn, tôi quyết, mai mốt không lấy vợ sinh con gì hết, thế chẳng khổ ai.

Cũng may, tôi còn có chị. Chị Hai trở thành hạnh phúc đời tôi. Không đi được thì ở nhà với chị. Hai chị em hủ hỉ ăn cơm cùng thịt kho mẹ nấu, chia nhau những niềm vui be bé và những nỗi buồn to đùng khi thấy cảnh nhà hàng xóm mẹ cha con cái sum vầy quấn quýt nhau.

Nhưng rồi chị đi học xa, ở luôn trong phố. Tôi cô đơn trong chính ngôi nhà có ba và mẹ…

 2.

Tôi chọn sống cùng mẹ không phải vì thương mẹ hơn ba. Đơn giản là vì sống với mẹ tôi thấy “an toàn” hơn, chính xác là “khoẻ” hơn. Tôi, thằng con trai mới lớn nhác học ham chơi không thích thú gì chuyện có một người cha nghiêm khắc, lúc nào cũng chỉ lo dòm ngó, xét nét bài vở con cái cùng bài tụng ca học, học và học nghe mãi đến mòn tai. Ba: công nhân thời vụ, lương ba cọc ba đồng, công việc lẫn thu nhập đều nay có mai không. Mẹ: nhà giáo thâm niên, lương bổng hậu, biết nấu ăn ngon. Quan trọng hơn: cưng chiều con trai hết cỡ! Vậy nhưng, không phải không khó khăn khi đó lại là cái chọn lựa giữa mẹ và ba. Không phải lỗi nơi tôi. Tôi đã từng gào: “con muốn sống với cả mẹ lẫn ba”; nhưng đâu ai chịu nghe tôi. Chọn sống cùng mẹ, tôi thấy nỗi buồn và sự lo lắng hiện lên trong ánh mắt của ba. Con trai lớn rất cần cha; nhất là khi bước vào đời, lập nghiệp, lập thân… ba từng nói vậy. Ai biết đâu, chừng nào tới đó hẵng hay, tôi chưa lớn mà. Có điều, thật lòng, lúc cùng mẹ rời khỏi ngôi nhà vẫn còn cất nhiều món đồ chơi ba làm cho, tôi thấy tội nghiệp ba; nhưng hết cách. Giấc mơ về một cuộc hàn gắn để cùng có mẹ có cha đã đổ vỡ đến triệt để. Tôi chọn mẹ, như buộc phải chọn.

Ở với mẹ, cơm ngon canh ngọt, mẹ chiều con trai nên tôi luôn có cảm giác mình là một “cậu ấm”, sống rất thoải mái và được yêu thương. Có lúc tôi nghĩ, ba mẹ ly hôn, ban đầu nghe kinh khủng nhưng giờ xem ra cũng như chuyện “tái ông thất mã”. Tôi nói vậy không có nghĩa tôi ghét ba mình. Tôi vẫn nhớ, mình còn một người cha. Nhà ba nhà mẹ không quá cách xa nhưng tôi cũng ít về. Những khi hoạ hoằn tạt về thăm, thấy ba thui thủi một mình bên mâm cơm chỉ độc món canh hay xào lặp lại lặp đi; thấy ba ho khù khụ trong cơn bệnh cúm mùa vẫn phải gắng gượng ra vườn hái lá xông, nấu nước chế mì tôm ăn trừ bữa…

Được sống theo ý mình, tôi giao du, đàn đúm với bạn bè hư, tập tành uống rượu, hút thuốc, thức trắng đêm lướt web, chơi game. Tới trường gây gổ cùng thầy cô, đi học bữa đực bữa cái. Thực ra tôi chẳng còn thiết tha chuyện học, có điều ở nhà cũng chán; với lại thừa biết: bỏ học luôn thì mẹ chẳng để yên. Còn tới trường thì còn có quyền nhũng nhiễu, đòi đáp ứng thứ nọ thứ kia; nhưng mẹ không dễ dàng đến mức thôi học chơi nhông vẫn đòi cung phụng! Lười nhác, hư hỏng, học hành bết bát. Mẹ mắng, mẹ khóc: không xuể. Với tôi, những trò ấy nhàm, nước đổ đầu vịt, chẳng ăn thua. Mẹ doạ: tao không nuôi nữa, trả mày về với ba, tôi lồng lên: mẹ không nuôi thì con… bỏ học, theo bạn vô Sài Gòn làm thuê. Hơi hoảng. Mẹ vốn biết tôi là đứa cá tính, ngỗ ngược đến bất chấp (không ít lần tôi bị chửi: giống cái nòi cha mày…). Hoảng thì đấu dịu, xuống thang. Mẹ không biết rằng lỡ nói xong tôi cũng hoảng, cũng lật đật xuống thang. “Hù” mẹ thôi chớ đi đâu; ở nhà quen ăn chơi không động tới cái móng tay, giờ đi làm thuê, vạ vật ăn bụi ngủ bờ sao chịu thấu? Biết khôn thì nên dừng đúng lúc, không mẹ nổi khùng cho… đi thật thì nguy. Ấy mới nói riêng chuyện bỏ học đi làm; chứ cái phương án “về sống với ba” thì, xin lỗi nhé, KHÔNG-BAO-GIỜ!

…Từ lúc biết điểm trung bình cả năm môn Toán lớp 10 của tôi chỉ đạt cái mốc 3,7, ba thất vọng đến mức không buồn hỏi han gì đến tôi. Mặc cảm khiến tôi cũng không về cùng ba. Dây liên hệ cha - con chỉ còn là những đồng tiền cấp dưỡng ba gửi cho tôi hằng tháng.

3.

Học làng nhàng, được chăng hay chớ nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn bò tới lớp 12. Tôi biết, chuyện học hành bê bết của mình là nỗi buồn to lớn của ba. Ba luôn ấp ủ giấc mơ các con tiến thân bằng con đường chữ nghĩa mà. Biết vậy nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn không/chưa tìm thấy động cơ để học tập. Thầy cô khen tôi sáng dạ có điều không chịu học. Tôi quan niệm, đâu nhất thiết ai cũng phải vào đời bằng con đường chữ nghĩa. Tôi lờ mờ định hướng, ráng có tấm bằng 12, kiếm một nghề nào đó để sống - cách đó hợp với tạng tôi hơn.

Ba năm. Nỗi đau tan đàn xẻ nghé trong tôi đang dần nguôi ngoai. Con người vốn là một sinh vật dễ thích nghi. Vậy nhưng, cảm giác thiếu thốn một người cha vẫn không quen được. Nó cứ lẳng lặng trồi lên mỗi khi “thằng đàn ông” trong tôi trỗi dậy, có nhu cầu được hỏi han, trò chuyện, sẻ chia. Mẹ thì không thể. Nếu tôi là con gái, chắc tôi sẽ gần mẹ hơn. Nhưng tôi là con trai, và càng lớn tôi càng có cảm giác mình đang xa dần mẹ.

Tôi đi về với ba nhiều hơn, bớt ngang ngạnh, gần gũi chuyện trò và học cách sống thân thiện. Hoá ra, ba cũng không phải người khó khăn, cố chấp như tôi vẫn tưởng. Tôi về, ba mừng ra mặt. Thôi không “áp lực” chuyện học hành, cư xử; ba chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng còn tuỳ tôi quyết định. Cảm giác ba đang nhận biết và tôn trọng cá tính của tôi. Cảm giác ba cũng đang nỗ lực để học cách sống thân thiện cùng tôi. Bất đồng vẫn còn; nhưng chắc chắn tôi với ba đang xích lại gần nhau. Nỗ lực từ hai phía luôn là cái mầm ươm đầy triển vọng.

Mẹ thường khăng khăng: ba mẹ ly hôn là do lỗi nơi ba. Ý ấy lặp lại lặp đi gây “ám thị” tôi. Va chạm lệch pha giữa cha/con trong quá khứ khiến mọi sự trầm trọng hơn. Không ít lần tôi cảm thấy “ghét” ba. Nhưng mọi sự đang dần nhạt đi. Máu chảy ruột mềm, có lẽ con người cần phải đủ lớn mới nhận ra: níu kéo máu thịt luôn là điều có thật. Giờ thì tôi thấy chắc chắn hơn về tình yêu ba dành cho tôi cũng như tôi dành cho ba…

4.

- Ba, con muốn vào đại học…

- Tốt thôi.

- Nhưng…

- Nhưng gì?

- Nhưng con muốn vào một trường tư. Mẹ bảo không được. Chi phí trường đó hơi cao, mẹ đang có bệnh, lại còn phải phụ cậu lo cho bà ngoại nên một mình mẹ lo cho con không xuể. Mà ba thì hoàn cảnh vậy, tiền đâu…

- Chà chà…

Ba nhăn trán, nghĩ ngợi.

-…

- Đừng lo. Cứ ráng học, thi cho tốt đi. Đậu rồi ba tính...

Nước tới chân nhưng nếu ráng chạy vẫn chạy kịp. Tôi đầu tư cho những môn mình chưa mất căn bản, ra sức lấp các lỗ hổng. Tóm lại, tôi biết đã rất muộn nên phải ráng gấp hai gấp ba. Nỗ lực và một chút may mắn, tôi đậu mười hai, vào được đại học.

Tôi rất phấn khởi, chạy về báo tin vui cùng ba. Nói mà ấp úng. Tôi cứ thấp thỏm, không hiểu rồi đây ba “tính” kiểu gì. Đột ngột ba phán, gọn bâng:

- Về bảo mẹ con lo được bao nhiêu lo; phần còn lại ba lo.

- Nhưng tiền đâu ba lo?

- Thì ba… bán đất, bán nhà!

- Trời, vậy nhà đâu ba ở ?

- Không sao; ba chừa lại rẻo đất dư, cất gian nhà nhỏ ở tạm. Mày học hành sao lấy cái bằng về cho tao là được. Ăn nhiều chớ ở bao nhiêu mà lo…

Y.N

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp