Bà Nguyễn Thị Thu Cúc- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn.
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, “công tác tuyên truyền phải đi trước một bước” để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức đúng, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ những đòi hỏi của thực tiễn, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch tập huấn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở huyện Dương Minh Châu năm 2023.
Tại buổi tập huấn, bà Trần Ngọc Hưởng- báo cáo viên trao đổi, báo cáo nhiều nội dung liên quan đến thực trạng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020; nội dung thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đặc biệt là giải pháp thực hiện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu nổi bật, đó là: thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các cấp và toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn.
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có những vấn đề mới, nổi bật cần quan tâm như: Hỗ trợ khởi nghiệp; thực hiện Chương trình OCOP, du lịch nông thôn; xúc tiến phân phối, tiêu thụ nông sản, phát triển thương mại điện tử; chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông nghiệp; tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá gắn với bảo tồn và phát huy sự đa dạng; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Ngoài ra, còn có các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới như: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, bà con còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, thách thức trong thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Báo cáo viên chương trình nêu ra 5 giải pháp chính, như sau:
Thứ nhất, Tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Thứ hai, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thứ ba, triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình. Thứ năm, xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình.
Trần Anh Quí