Thu hoạch lúa Hè Thu tại ấp Tân Long, xã Biên Giới, huyện Châu Thành.
Giá lúa vụ Hè Thu tăng nhẹ so với vụ Đông Xuân, nhưng năng suất sau thu hoạch lại giảm khá nhiều so với cùng kỳ.
Năng suất giảm
Những ngày qua, nông dân các huyện Châu Thành, Bến Cầu và khu vực 2 xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu sớm. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, vụ Hè Thu năm 2023 gặp bất lợi do thời tiết diễn biến phức tạp, thời điểm gieo sạ xảy ra nắng nóng kéo dài, một số diện tích gieo sạ sớm bị nhiễm rầy cánh trắng, bệnh đạo ôn.
Thêm vào đó, nhiều trà lúa gặp mưa ở giai đoạn trổ nên bị lem lép hạt nhiều, làm giảm năng suất. Tuy nhiên, giá nhiều loại phân bón đã hạ nhiệt, chi phí sản xuất giảm đáng kể, giá lúa sau thu hoạch lại tăng cao hơn cùng kỳ nên vụ Hè Thu này nông dân có lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ xã Biên Giới, huyện Châu Thành vừa thu hoạch hơn 2 ha lúa Hè Thu cho biết: vụ này, giá phân bón giảm nên chi phí sản xuất mỗi héc-ta được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, năng suất sau thu hoạch không cao, với 2 ha, vụ này gia đình ông chỉ thu hoạch được hơn 11 tấn lúa, thấp hơn vụ Hè Thu năm trước gần 3 tấn.
Theo ông Dũng, năng suất lúa vụ này đạt thấp là do trong đợt lúa làm đòng, trổ bông thì bị rầy cánh trắng tấn công, thời tiết nắng nóng kéo dài, ruộng không đủ nước, việc phòng trừ rầy gặp khó khăn, nhiều diện tích lúa ngả vàng, lá cháy khiến lúa bị lem lép hạt. Mặc dù vậy, ông Dũng vẫn phấn khởi vì lúa sau thu hoạch bán được giá cao hơn vụ Đông Xuân, vẫn bảo đảm lợi nhuận cho nông dân tái sản xuất.
Ông Bùi Văn Thu, nông dân xã Long Giang (huyện Bến Cầu) cho biết, vụ lúa Hè Thu năm nay, bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Đó là trời nắng liên tục, nước tưới không đủ, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển mạnh, đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì mưa gió bất thường.
Với hơn 1,5 ha lúa chuẩn bị thu hoạch, ông Thu đang rất hồi hộp vì thời tiết những ngày gần đây liên tục có mưa kèm theo gió mạnh, một số diện tích lúa của gia đình ông bị đổ ngã. Nếu những ngày tới, mưa liên tục sẽ khiến cho cây lúa tiếp tục ngã, gây khó khăn cho việc thu hoạch.
Một nông dân tại ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình (huyện Châu Thành) đang thu hoạch lúa cho biết, hai ngày trước có thương lái đến xem lúa và đặt cọc 2 triệu đồng, cam kết mua lúa của ông với giá 140.000 đồng/giạ (mỗi giạ lúa = 22kg). Vừa kéo lúa lên lề đường chờ bán thì có vài thương lái ghé hỏi mua với giá từ 140.500 - 141.000 đồng/giạ, nhưng đã nhận tiền cọc nên ông không bán.
“Trước khi cắt lúa khoảng 1 tuần, tôi tìm hiểu giá lúa nhiều nơi, những người thu hoạch trước tôi chưa ai bán được hơn 141.000 đồng/giạ, nên tôi mới nhận cọc bán luôn, không ngờ giá lúa lên nhanh vậy”- nông dân này tiếc nuối.
Nông dân xã Phước Chỉ thu hoạch lúa.
Theo nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều năm qua, giá lúa vụ Hè Thu bao giờ cũng thấp hơn vụ Đông Xuân. Năm nay thì khác, giá lúa Hè Thu mới đầu vụ đã cao hơn vụ Đông Xuân. Dù năng suất lúa thấp, nông dân vẫn cảm thấy vui vì có lợi nhuận sau thu hoạch.
Giá lúa tăng
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng tốt tại nhiều thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng. Hiện giá gạo của Việt Nam đang đứng ở mức cao so các nước xuất khẩu khác. Dự báo tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2023 tiếp tục đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng cao.
Những tín hiệu khả quan từ xuất khẩu gạo khiến cho thị trường lúa, gạo trong nước có nhiều khởi sắc. Hoạt động thu mua lúa diễn ra sôi động tại nhiều địa phương. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá lúa Hè Thu 2023 bắt đầu tăng, nhiều nơi, dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã có thương lái đến xem lúa và bỏ cọc trước.
Theo các thương lái, nhiều giống lúa chất lượng cao, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu đang được thu mua với giá cao, giá tăng bình quân 500-600 đồng/kg so vụ Hè Thu năm trước. Cụ thể, giá lúa tươi OM18, thương lái thu mua tại ruộng có giá 6.800 đồng/kg, lúa OM5451 giá 6.400-6.500 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 từ 6.800-7.000 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg…
Anh Nguyễn Đình Thọ, thương lái thu mua lúa tại huyện Châu Thành cho biết, vụ lúa Hè Thu tại các tỉnh miền Tây đang bước vào cuối vụ, diện tích thu hoạch không còn nhiều nên ghe lúa các tỉnh đang đổ về Tây Ninh thu mua lúa. Theo anh Thọ, từ cuối tháng 7 đến nay, giá lúa liên tục được các doanh nghiệp thu mua điều chỉnh tăng ở mức nhẹ, khoảng 50-100 đồng/kg, giá thu mua lúa tươi của nông dân cũng tăng trong những ngày gần đây.
Một thương lái tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng dự đoán, trong thời gian tới, giá lúa sẽ duy trì hoặc tiếp tục tăng do hiện nay nhu cầu lúa gạo để chế biến của các nhà máy tại miền Tây rất lớn, trong khi nguồn lúa thu hoạch tại miền Tây không còn nhiều; nhu cầu gạo xuất khẩu tăng mạnh.
Minh Dương