Một số gian hàng trong Trung tâm thương mại Long Hoa.
Tuy nhiên, khách đến Tây Ninh đa phần đi trong ngày rồi quay về Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các điểm lân cận, lượng khách lưu trú không nhiều bởi Tây Ninh rất ít nơi để vui chơi giải trí. Các thương tâm thương mại, chợ, dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí về đêm... chưa được đầu tư đúng mức, chưa thực sự thu hút du khách đến tham quan, mua sắm. Làm thế nào để xây dựng các chợ truyền thống, chợ đêm trên địa bàn theo hướng văn minh, thân thiện... là vấn đề rất cần được quan tâm, góp phần xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, thúc đẩy phát triển du lịch Tây Ninh.
Trên địa bàn thành phố Tây Ninh có 10 chợ truyền thống đang hoạt động, trong đó, có 2 chợ hạng hai là chợ thành phố và chợ phường 3, còn lại 8 chợ hạng ba. Các chợ đã được nâng cấp, đầu tư xây mới đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn.
Riêng đối với chợ Thành phố, dự án đầu tư xây mới chợ đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Quy mô sau khi sửa đổi, bổ sung chợ hạng 1 với 450 điểm kinh doanh, tổng mức đầu tư 79,4 tỷ đồng, diện tích xây dựng 14.667 m2. Hiện dự án trong thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát thiết kết bản vẽ thi công - dự toán; tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy trình thủ tục; dự kiến, chợ Thành phố sẽ tổ chức khởi công vào đầu tháng 10.2023.
Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, các chợ đêm thành lập trước đây trên địa bàn Thành phố không thể duy trì hoạt động, nguyên nhân chủ yếu là hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nên các nhà đầu tư không kêu gọi được hợp tác đầu tư, không duy trì và đầu tư nâng cấp chợ đêm, dẫn đến mục tiêu đầu tư dự án không đạt.
Sau khi đã thực hiện không hiệu quả 2 chợ đêm năm 2011 và 2016, bài học kinh nghiệm rút ra là cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, về kinh nghiệm, cần học tập kinh nghiệm đối với một số tỉnh thành có chợ đêm hoạt động hiệu quả, có kế hoạch phát triển lâu dài, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư về kinh phí, địa điểm, công tác quảng cáo… từ đó, phát triển chợ đêm trên địa bàn một cách chuyên nghiệp, thu hút hơn.
Trên địa bàn thị xã Hoà Thành có 9 chợ, gồm 1 chợ hạng hai (chợ Long Hoa) và 8 chợ hạng ba. Các chợ hạng ba chủ yếu là chợ dân sinh, không tổ chức kinh doanh chợ đêm, chỉ hoạt động từ 4 giờ sáng đến khoảng 20 giờ, theo quy định do UBND cấp xã quản lý. Từ năm 2014, Hoà Thành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới, 8/8 chợ hạng ba được UBND Thị xã đầu tư ngân sách để xây dựng nhà lồng, sân chợ, hệ thống thoát nước, đường giao thông bảo đảm cho tiểu thương kinh doanh; vận động tiểu thương đóng góp đầu tư xây dựng mái che các ki-ốt, sạp - điểm kinh doanh của mình theo hình thức xã hội hoá.
Năm 2002, khu A-B chợ Long Hoa được đầu tư xây dựng chuyển đổi thành Trung tâm thương mại Long Hoa; đến năm 2017 được đầu tư bằng hình thức BOT theo mô hình chợ truyền thống. Đến ngày 18.1.2019, khu C-D được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên, chưa kết nối được khu A-B theo thiết kế kỹ thuật nên chưa bố trí sắp xếp tiểu thương vào khu C-D kinh doanh, hiện nay, hầu hết tiểu thương được sắp xếp kinh doanh, mua bán tại khu A-B cũ, khu vực sân khu C-D và cặp đường Huỳnh Thanh Mừng từ cửa 2 đến cửa 8 chợ.
Ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành cho biết, chợ Long Hoa tổ chức chợ đêm từ những năm 1990 đến nay, nhóm họp vào 12 giờ khuya đến khoảng 5 giờ sáng ngày hôm sau, có đầy đủ các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách như thực phẩm, quà lưu niệm, hàng quán ăn uống…
Tuy nhiên, khi thực hiện dự án Trung tâm thương mại Long Hoa, do chưa kết nối được khu C-D và khu A-B theo thiết kế nên chợ chưa hoạt động đúng theo định hướng kế hoạch; số lượng tiểu thương chợ Long Hoa nhiều, trong khi đó việc bố trí, sắp xếp những sạp - điểm kinh doanh của tiểu thương chưa phù hợp, còn bất cập, bề bộn, dẫn đến việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường làm mất mỹ quan, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, gây bức xúc cho cả tiểu thương và khách tham quan, mua sắm.
Đối với các chợ hạng ba trên địa bàn, cơ sở hạ tầng đang bị xuống cấp, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường... Cơ chế, chính sách quản lý chợ còn chưa đồng nhất, chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức chi cho hoạt động của ban quản lý chợ, thành viên ban quản lý chợ đều hoạt động kiêm nhiệm. Mặt khác, doanh thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ rất thấp dẫn đến việc chi cho hoạt động ban quản lý chợ chưa đáp ứng yêu cầu, khó tìm được người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ tham gia quản lý.
UBND thị xã Hoà Thành đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu A-B chợ Long Hoa. Sau khi UBND tỉnh có chủ trương đầu tư, khu A-B sẽ được khởi công xây dựng, kết nối khu C-D tạo thành ngôi chợ truyền thống hoàn chỉnh, có khu vực dành riêng cho chợ đêm, chợ đầu mối phân phối thực phẩm cho Thị xã và các địa phương lân cận, tạo điều kiện cho tiểu thương và thương lái thuận lợi hơn trong việc phân phối, vận chuyển, trao đổi, mua bán hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về định hướng phát triển khu chợ đêm, phố ăn đêm, Thị xã khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển ở đường Nguyễn Chí Thanh khu vực từ Toà thánh đến Công viên Hoà Thành và đường An Dương Vương- đoạn từ Toà thánh đến UBND phường Long Thành Bắc phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, Thị xã còn đang kêu gọi các hộ dân tham gia khu ẩm thực đêm xung quanh sân vận động Thị xã nằm trên đường Phạm Thái Bường để đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực Hoà Thành và lân cận.
Chợ Long Hoa là một trong những chợ có quy mô lớn của tỉnh Tây Ninh, là trung tâm giao thương, trao đổi, phân phối hàng hoá của tỉnh nói chung, thị xã Hoà Thành nói riêng. Chợ nằm ngay trung tâm thị xã Hoà Thành, là điểm dừng chân tham quan, mua sắm của du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch, công tác tại Tây Ninh.
Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành vẫn còn xảy ra tình trạng mua bán lộn xộn, lấn chiếm lòng, lề đường, mất mỹ quan đô thị. Điều này gây tâm lý e ngại cho du khách khi đến tham quan. Tình trạng các hộ buôn bán tại các khu công cộng vào buổi tối còn phức tạp, đối phó; khi không có lực lượng kiểm tra là quay lại lấn chiếm như cũ.
Ông Lương Bá Can- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết: “UBND Thành phố chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp UBND các phường, xã, Công an Thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường”.
Theo ông Nguyễn Đức Hảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, để xử lý, khắc phục triệt để tình trạng mua bán lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trái quy định ở các chợ truyền thống trong thời gian tới, đòi hỏi trước tiên phải đầu tư xây dựng chợ đúng tiêu chuẩn thiết kế theo TCVN 9211:2012; tổ chức sắp xếp, bố trí ngành hàng, sạp hàng có khoa học, phù hợp điều kiện thực tế của từng chợ, tạo được cảm giác dễ chịu, thoải mái cho cả tiểu thương và khách hàng khi đến tham quan, trao đổi, mua bán tại chợ.
Tiếp theo đó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động đến tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông của các cấp, ngành chức năng.
Trúc Ly
(còn tiếp)