Kênh Bình Phú (hay gọi là kênh Cầu Ông Sãi) bị bồi lắng, không bảo đảm dẫn nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân.
Kênh Bình Phú (hay gọi là kênh Cầu Ông Sãi) nằm trên địa bàn ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, là kênh nhánh của kênh tiêu Biên Giới. Nhiều năm qua, tuyến kênh Bình Phú bị bồi lắng, không bảo đảm dẫn nước tưới tiêu, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.
Nguy cơ mất mùa
Hiện tại, các trà lúa vụ Hè Thu năm 2023 trên địa bàn đang bước vào giai đoạn làm đòng cần rất nhiều nước. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới nên nhiều diện tích lúa bị nghẹn đòng, khó trổ và bị rầy phấn trắng tấn công, hàng trăm héc-ta lúa bị thiệt hại, khiến người dân canh tác lúa tại đây hết sức lo lắng trước nguy cơ thất mùa.
Ông Nguyễn Thành Lộc, canh tác 7,5 ha lúa tại cánh đồng Bình Phú cho biết, diện tích lúa của gia đình ông và nhiều hộ khác đang thiếu nước tưới trầm trọng, cây lúa còi cọc, lá ngả vàng, cháy cuối bì lá do bị rầy cánh trắng tấn công. Những ngày gần đây, thời tiết trên địa bàn có mưa lớn nên phần nào giúp người dân cứu lúa. Tuy nhiên, lượng nước còn đọng lại trên ruộng không nhiều, trong khi đó, nước dưới kênh lại quá ít, ông phải dùng máy bơm vét từng chút một.
Theo ông Lộc, thời tiết nắng nóng thiếu nước tưới làm cho sâu rầy phát triển nhanh, để phòng trừ, đòi hỏi mặt ruộng phải có lượng nước khoảng 1/3 thân cây lúa, phun thuốc diệt rầy mới hiệu quả.
Ông Bùi Văn Huệ, nhà gần tuyến kênh Bình Phú chia sẻ, gia đình ông có 0,5 ha lúa, cũng đang thiếu nước tưới, bị rầy tấn công nên lúa vàng như "người mắc bệnh gan", khiến ông rất lo lắng. “Cứ đến mùa khô là tuyến kênh này gần như chỉ còn là rãnh nước, hai bên bị bồi lắng, đoạn nào sâu hơn thì có nước nhưng lục bình phủ kín, khiến việc lấy nước phục vụ sản xuất của người dân vô cùng khó khăn”- ông Huệ cho biết.
Ông Vương Văn Phi- Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Phú cho biết, trên địa bàn có khoảng 400 ha lúa phụ thuộc vào nguồn nước của tuyến kênh này, vì không có nước tưới nên lúa khó trổ bông, sâu cuốn lá, rầy cánh trắng tấn công khiến cây lúa gần như không phát triển, nguy cơ mất mùa là rất lớn.
Theo ông Phi, nhìn sơ qua thì dường như tuyến kênh này không bị thiếu nước, nhưng thực chất, đây là nước mưa trong vài ngày qua đổ dồn về, chỗ nào sâu nhất cũng chỉ ngang đầu gối, với hàng chục máy bơm của nông dân đang rút nước dưới kênh lên cứu lúa như hiện nay, chỉ một đến hai ngày là tuyến kênh lại khô cạn.
Trước mắt, ấp thuê máy móc tạm những đoạn bị đất bồi lắng nhiều, hạn chế dòng chảy để lấy nước từ tuyến kênh tiêu Biên Giới dẫn nước vào cứu lúa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Ông Phi và bà con nơi đây rất mong các cơ quan chức năng sớm có phương án cải tạo, nạo vét tuyến kênh, để người dân yên tâm sản xuất.
Đã từng có dự án nạo vét kênh Bình Phú
Theo tìm hiểu, kênh Bình Phú thuộc ấp Bình Phú, xã Phước Bình (trước đây là xã Bình Thạnh) bắt đầu từ tuyến cống ngang đường 786, thực hiện chức năng vừa tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm xã Phước Bình, vừa là hệ thống thuỷ lợi cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất của hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp tại ấp Bình Phú, vào năm 2010, tuyến kênh này đã được nạo vét.
Nhưng khoảng 4 năm nay, tuyến kênh này lại bị bồi lắng, lục bình và cỏ dại phát triển dày đặc làm cản trở dòng chảy. Khi nước lớn, phía kênh tiêu biên giới đầy nước, nhưng do đáy kênh Bình Phú cao, lại bị lục bình nhiều nên nước khó chảy vào kênh.
Ngày 17.10.2020, Báo Tây Ninh đã có bài viết phản ánh tình trạng bồi lắng, gây thiếu nước tưới của tuyến kênh Bình Phú, UBND thị xã Trảng Bàng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, khảo sát hệ thống kênh tưới tiêu cho khu vực 500 ha (ấp Bình Phú, xã Phước Bình) và sẽ thực hiện dự án đầu tư nạo vét tuyến kênh Bình Phú trong năm 2021, để xã Phước Bình đạt nông thôn mới. Không hiểu vì lý do gì, sau hai năm, Phước Bình đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng tuyến kênh này vẫn chưa được nạo vét.
Minh Dương