Mức trợ cấp một lần khi sinh con từ 1/7/2023 là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng.
Do đó, căn cứ các quy định nên trên thì mức trợ cấp một lần khi sinh con từ 01/7/2023 là 3,6 triệu đồng cho mỗi con.
Đóng BHXH bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh con?
Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng một trong hai điều kiện về thời gian đóng BHXH sau đây:
- Lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
- Lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Lao động nữ đủ điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Thời gian nghỉ thai sản khi sinh con là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Mức hưởng chế độ thai sản khi sinh con là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng BHXH 1 lần không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 cũng có hướng dẫn người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì đơn vị và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp; phải đóng bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
Như vậy, thời gian 6 tháng nghỉ thai sản của lao động nữ khi sinh con vẫn được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội.
Cùng với đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động sẽ được tính theo số năm mà người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ cũng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội nên sẽ được tính hưởng BHXH 1 lần cho người lao động theo quy định.
Tiền thai sản có phải đóng thuế TNCN không?
Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì các khoản phụ cấp, trợ cấp cho người lao động thuộc khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau đây:
- Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội...
Như vậy, khoản trợ cấp một lần khi sinh con, khoản tiền hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Nghỉ ngang có được nhận tiền thai sản khi sinh con không?
Người lao động dù đã nghỉ việc nhưng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ thai sản khi sinh con, không phân biệt người lao động nghỉ việc đúng pháp luật hay trái pháp luật (nghỉ ngang).
Do đó, trường hợp người lao động nghỉ ngang vẫn được nhận tiền thai sản khi sinh con nếu đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên.
Có được đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con không?
Theo quy định tại Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ thai sản theo quy định.
Nguồn baoquocte