SGK Chương trình GDPT 2018.
Sau ba năm triển khai Chương trình GDPT 2018, ngoài những mặt được, tồn tại, hạn chế cũng còn nhiều. Việc chuẩn bị cho công tác triển khai Chương trình GDPT 2018 chưa thật sự bài bản, có phần lúng túng, đến nay, hầu hết trường phổ thông chưa có thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Đội ngũ giáo viên các cấp học, bậc học thiếu nhiều, tuyển dụng không đủ chỉ tiêu cần tuyển. Một số môn học trong chương trình không triển khai được, vì không có giáo viên, Ở cấp THCS, việc dạy môn tích hợp đã và đang gây nhiều phiền toái, tốn kém (học chứng chỉ) nhưng hiệu quả thấp, không một giáo viên nào có thể dạy được từ hai đến ba môn học. Đã và đang có nhiều ý kiến đề nghị tách hai môn tích hợp thành năm môn học như trước đây.
Hạn chế tính hàn lâm
Sở GD&ĐT nhìn nhận, nội dung chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chương trình có nhiều tiết thực hành, trải nghiệm góp phần tăng hứng thú học tập cho học sinh.
Hình thức, phương pháp dạy học linh hoạt, phong phú; kiểm tra đánh giá theo năng lực, sở trường của học sinh, bảo đảm tính công bằng, khách quan, giảm rất nhiều áp lực trong học tập, hạn chế tâm lý học đối phó, hạn chế tình trạng học vẹt, học tủ.
Hệ thống câu hỏi, bài tập và ngữ liệu trong sách giáo khoa linh hoạt, có khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tiễn, giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển phẩm chất, năng lực đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Các hoạt động học tập trong sách có hướng dẫn, gợi ý học sinh chuẩn bị và đánh giá kết quả, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các học sinh có thể phát triển phẩm chất và tư duy sáng tạo. Sách tạo sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để đạt được mục tiêu của chương trình đặt ra.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đều được tập huấn Chương trình GDPT 2018, có nhận thức tốt và tinh thần học hỏi cao, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý và dạy học. 100% giáo viên dạy lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm, tâm huyết, tham gia giảng dạy và đạt kết quả tốt trong việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Các chính sách đối với người dạy, người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Cơ sở giáo dục phổ thông chủ động trong việc chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu chương trình tổng thể và chương trình các môn học, từ đó tạo điều kiện cho giáo viên trao đổi thống nhất về xây dựng kế hoạch giáo dục, trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục ở tất cả môn học, hoạt động giáo dục.
Kế hoạch giáo dục của nhà trường được tổng hợp từ các kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn nên bảo đảm tính dân chủ, bao quát, khách quan. Việc kiểm tra, phê duyệt và lưu trữ các kế hoạch giáo dục được thực hiện nghiêm túc.
Trong tổ chức kiểm tra, đánh giá, các trường chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng ma trận; tổ chức kiểm tra, đánh giá theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, đánh giá được các năng lực học sinh.
Ảnh hưởng bởi đại dịch
Trong những năm qua, do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, có giai đoạn học sinh học trực tuyến thời gian dài nên giáo viên và học sinh có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng trong việc tổ chức triển khai Chương trình GDPT 2018.
Một số cán bộ quản lý chưa cập nhật, chưa bắt nhịp được với đổi mới giáo dục của cấp học; chưa mạnh dạn triển khai thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành; chưa tạo động cơ, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn chậm. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa chủ động trong công tác bồi dưỡng, chưa tích cực nghiên cứu sâu Chương trình GDPT 2018, các bộ sách giáo khoa.
Chưa có giáo viên đào tạo chính quy để giảng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; thiếu giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh. Cơ cấu giáo viên các môn chưa bảo đảm tỷ lệ, một số đơn vị chưa thể trẻ hoá đội ngũ, giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình, hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin nên lúng túng trong các hoạt động giảng dạy và giáo dục.
Tỷ lệ bố trí giáo viên hiện nay chưa đạt yêu cầu theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về khung vị trí việc làm và định mức người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Một số thiết bị dạy học được trang cấp thay thế chưa đầy đủ; thiết bị tối thiểu, thiết bị dạy học ngoại ngữ và tin học còn thiếu. Nhiều trường học chưa có đủ phòng ngoại ngữ, phòng máy vi tính, một số máy vi tính được trang bị trước đây đã quá hạn sử dụng, hư hỏng.
Phòng học bộ môn của một số trường chưa bảo đảm diện tích, thiết bị bên trong chưa bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 và Thông tư số 14/2020/TTBGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Một số phòng học bộ môn của các đơn vị chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực hành do các thiết bị hiện tại xuống cấp.
Việt Đông
Sở GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, thủ trưởng các đơn vị chủ động, tích cực tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong trường nghiên cứu, nắm bắt sâu về Chương trình GDPT 2018, sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và các lớp tiếp theo.
Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia và cơ sở vật chất đáp ứng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu của đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 nói riêng.