Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp - Báo Tây Ninh Online

Thứ tư - 02/08/2023 04:55
  Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh. Gần 11.000 người thất...

 

Người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh.

Gần 11.000 người thất nghiệp

Theo Sở LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng giảm dẫn đến tình trạng lao động bị cắt giảm giờ làm, cho thôi việc hoặc hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Sở đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp đối với 10.882 người, trong đó có 9.695 lao động trong tỉnh và 1.187 lao động ngoài tỉnh.

Ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày... Dự báo tình hình khó khăn chung vẫn chưa khả quan hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, buộc phải thu hẹp sản xuất và đưa ra phương án cắt giảm lao động, giảm giờ làm, thậm chí thông báo ngừng hoạt động.

Thống kê, lao động tại các Công ty TNHH dệt may Hoa Sen, Công ty TNHH GainLucky VN, Công ty TNHH PouHung VN, Công ty TNHH VMC Hoàng Gia, Công ty TNHH Brotex VN, Công ty cổ phần TKG Taekwang Mộc Bài... bị ảnh hưởng việc làm nhiều nhất.

Từ ngày 1.7, Công ty TNHH Can Sports VN đã thực hiện phương án giảm giờ làm, mỗi công nhân giảm khoảng 14 ngày làm việc, tiền lương được bảo đảm theo quy định. Nguyên nhân chấm dứt hợp đồng lao động, thu hẹp quy mô sản xuất do doanh nghiệp không có đơn hàng, phần đông người lao động thôi việc để rút BHXH một lần.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH. Theo BHXH tỉnh Tây Ninh, tính đến cuối tháng 6.2023, có 259 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền 40,780 tỷ đồng.

Số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (DVVL-GDNN), 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 198.731 người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, 10.895 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã giải quyết cho 10.133 người, với tổng chi trả trên 218,1 tỷ đồng.

"Trung bình mỗi ngày, Trung tâm DVVL-GDNN tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 2.750 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 10.630 người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 10.895 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm; có 81 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, tổng kinh phí 588 triệu đồng".

Ông Lê Trường Thọ- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp Tây Ninh.

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động

Theo bà Trương Thị Phương Thảo- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để ổn định tình hình lao động, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành LĐ-TB&XH Tây Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp kết nối việc làm, tìm biện pháp hỗ trợ người lao động sớm quay lại thị trường lao động, như: phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh, các sở, ngành, địa phương khảo sát tình hình tại các doanh nghiệp cắt giảm, cho thôi việc nhiều lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động về chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, xây dựng phương án sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm…

Qua Zalo “Kết nối việc làm 2022”, Trung tâm DVVL-GDNN phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Trung tâm đăng tải thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và thông tin đăng ký tìm kiếm việc làm tại địa chỉ http://vieclamtayninh.gov.vn. Tại đây, doanh nghiệp và người lao động có thể tự tạo tài khoản đăng nhập và đăng ký thông tin, cán bộ Trung tâm có trách nhiệm kiểm tra, duyệt thông tin.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh xây dựng App người tìm việc - việc tìm người trên cổng Tây Ninh Smart. Tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động về chính sách giải quyết việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội thảo việc làm tại 4 địa điểm tiếp nhận và giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Trung tâm DVVL-GDNN (phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh), điểm tiếp nhận và trả kết quả (phường 1, TP. Tây Ninh), chi nhánh tiếp nhận hồ sơ tại thị xã Trảng Bàng (phường An Tịnh, TX. Trảng Bàng) và chi nhánh tiếp nhận hồ sơ tại Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Khảo sát nhu cầu việc làm của thanh niên nông thôn, cung cấp thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến với người lao động thông qua hệ thống Trung tâm DVVL-GDNN; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Thực hiện tốt việc thu thập thông tin tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề tại xã, phường, thị trấn.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn quỹ quốc gia về việc làm, tập trung vốn vào các dự án thu hút nhiều lao động, các ngành nghề mới đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Tăng cường liên kết tuyển dụng, cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh. Liên kết với các công ty xuất khẩu lao động ở TP. Hồ Chí Minh, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, tuyển dụng, cung ứng lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thống kê năm 2022, toàn tỉnh có 107 lao động làm việc có thời hạn tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Canada, đạt tỷ lệ 35,67% so với kế hoạch 300 lao động/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 42 người xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, đạt tỷ lệ 14% so với kế hoạch 300 lao động/năm.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023; Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 và Chương trình phát triển thanh niên năm 2023 lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm; triển khai thực hiện đúng tiến độ công tác điều tra, cập nhật thông tin cung - cầu lao động năm 2023, đầu tư dự án sàn giao dịch việc làm điện tử từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tâm Giang

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp