Thông thường phải gọi cậu mợ Út vì Út trai là em út của mẹ tôi. Nhưng vốn từ nhỏ, nhà tôi đã có cách gọi thân thương, không phân biệt dâu rể, cứ Út trai, Út gái mà gọi.
Và Út mà tôi nói ở đây đương nhiên là Út gái.
Tôi nhớ ngày đưa dâu, lúc đàng gái về, Út khóc dữ lắm. Tôi có hỏi mẹ: “Bộ nhà Út xa lắm hả mẹ?”. Mẹ trả lời: “Nhà Út ở tuốt trong Suối Đá, Dương Minh Châu lận con”. Hỏi thì hỏi vậy thôi, chứ lúc đó có mấy tuổi đầu, tôi có biết đó là đâu. Chỉ biết rằng, khi về nhà chồng chắc có lẽ Út sẽ ít có dịp về nhà ba mẹ ruột nữa, nên Út khóc.
Nhà ngoại vốn làm nông nên về làm dâu, lại dâu út nên Út không dám có giây phút nào lơ đãng chuyện trong nhà, chuyện ngoài đồng. Hết sáng đến tối, Út cặm cụi làm việc. Mà Út chịu khó thật. Tôi nghĩ chắc Út trai thương Út vì cái tính chịu khó đó.
Chứ không chịu khó mà Út làm lụng quần quật vẫn không than thở một câu. Đất nhà ngoại khá rộng, phía sau nhà, ngoài việc trồng trỉa thêm ít rau màu để dùng dần, theo vụ, có khi Út trồng bắp, có khi trồng đậu đũa, bông cải, khổ qua, các loại cải. Có lẽ trồng lâu nhất là nhãn da bò, vì vườn nhãn cho trái chậm hơn mấy loại cây khác. Út thu hoạch được mấy vụ mới phá bỏ vườn vì giá xuống thấp, mà cây cũng bắt đầu cỗi.
Không chịu khó mà Út đi ra đồng chăm ruộng, mùa vụ nào cũng trúng, lúa đổ đầy bồ. Tôi nhớ có vụ trồng đậu phộng, lặt mỏi cả tay, phơi đầy cả sân. Tôi nhớ vụ đó, bởi lúc đó, tôi muốn ăn đậu phộng rang, Út chỉ cho tôi cách rang đậu nguyên vỏ với cát, kết quả là do không canh được lửa nên đậu toàn khét.
Mọi người cứ hay nói “Giàu út ăn, khó út chịu”, chứ tôi thấy Út toàn làm và làm, không kể giàu hay khó, Út vẫn cật lực làm.
Khi có thêm hai đứa con, Út bớt ra đồng, mà xây lò nấu rượu- nghề gia truyền của nhà Út. Mà nói tới nấu rượu, ai tận mắt mới biết, cực vô cùng. Từ lúc canh lửa nấu cơm, cho đến canh độ nóng để trộn men, rồi ủ… vân vân và vân vân. Đến khi từng giọt rượu nhểu vào bình, coi như sắp xong, vì còn phải đo độ để pha cho đúng khẩu vị của khách. Nếu rượu dành để ngâm thuốc thì phải dùng rượu nhất, nếu dùng để đãi đám tiệc thì loại hai, loại ba.
Chỗ cơm lên men sau khi tinh cất ra rượu gọi là hèm, Út dùng để pha với thức ăn nuôi thêm đàn heo và sau này là đàn bò. Út nói nhờ vậy mà không bỏ phí hèm mà mấy con bò cũng thích ăn, ít bệnh, lớn khoẻ.
Nhờ nghề nấu rượu, chăn nuôi, Út nuôi hai đứa con ăn học đàng hoàng, lớn lên có nghề nghiệp ổn định, thế nhưng, Út đâu có “nghỉ hưu”, Út vẫn làm.
Tính ra, từ lúc lấy chồng, ngoại trừ tết ta, về thăm ba mẹ ruột, Út chưa nghỉ làm việc ngày nào. Út buông lời nhẹ nhàng: “Ôi! Làm riết quen tay quen chân con ơi”. Suốt ngày Út chỉ quanh quẩn trong nhà, hiếm khi đi ra khỏi xã, nói chi ra khỏi tỉnh, hay đi du lịch.
Nghe kể, con lớn của Út bữa đó “làm càn” chở Út đi Sài Gòn chơi, đã vậy, nó còn đưa Út tới toà nhà Landmark 81 để ăn sáng rồi về. Khỏi phải nói, chứng kiến sự hiện đại đó, về tới nhà Út xuýt xoa mãi, dù ngày nào Út cũng xem truyền hình và thấy toà nhà trên các bản tin của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.
Lần này lại khác, có dịp, các dì rủ nhau làm chuyến du lịch xa. Sau khi suy nghĩ, Út trai, Út gái quyết định thực hiện chuyến đi chơi “lịch sử”, chưa từng có kể từ ngày “về với nhau”.
Khi Út trai chở Út gái đi mua giày mới, mới hay, không có tiệm giày nào có cỡ giày vừa với bàn chân của Út gái. Bởi, Út có thói quen đi chân không nên bàn chân to bè, không gọn như người ta. Đến nỗi, vô tiệm đóng giày, người ta nói gọn lỏn: “Giờ, tui đóng giày cho chị cũng được, nhưng không có cái kiểu nào đẹp hết trơn, lại mang tiếng!”. Nói vậy, rồi ổng từ chối luôn.
Út của tôi ngày nào, giờ đã trở thành người phụ nữ với thân hình kềnh càng, quần áo phải mua cỡ lớn. Nhìn lại hình cưới ngày nào, thấy khác xa một trời một vực.
Trong thời đại mà phụ nữ luôn chăm chút cho vẻ đẹp bên ngoài, thì có lẽ Út tôi là một trong những phụ nữ sót lại không quan trọng vẻ ngoài. Út giữ chồng bằng tấm lòng chung thuỷ, một lòng một dạ chăm lo cho gia đình. Riêng với tôi, Út luôn là cô dâu xinh đẹp, giỏi giang ngày nào.
…Bây giờ, mỗi sáng thức dậy, Út đã có thêm niềm vui là đứa cháu ngoại ríu ra ríu rít bên cạnh. Gương mặt của đứa cháu rạng rỡ như ánh mặt trời, toả sáng, bao phủ, che lấp hết tất cả mọi cực nhọc của bà ngoại nó- Út của tôi!
X.V