Một buổi chèo hầu tại Báo Ân Từ.
Chèo thuyền Bát Nhã của tôn giáo Cao Đài Tây Ninh diễn ra khi có một vị chức sắc trong đạo qua đời hay khi an vị, khánh thành thánh thất, điện thờ Phật Mẫu ở các họ đạo. Ngoài ra, mỗi năm vào ngày 16 tháng Giêng còn có buổi chèo thuyền hội tại Khách Đình và Báo Ân Từ. Đây vừa là nghi thức trang trọng của đạo, vừa là một nét văn hoá, nghệ thuật độc đáo có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người.
Theo bản giải thích hiện thể của thuyền Bát Nhã trong tôn giáo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh, thuyền Bát Nhã có Tổng Lái, Tổng Mũi, Tổng Thương, Tổng Khậu và 12 Bả trạo đảm nhiệm việc chèo thuyền.
Tổng Lái là chủ nhân của chiếc thuyền, tượng trưng cho quyền năng bí ẩn nhiệm màu của Phật. Tổng Mũi là người dẫn đạo, định phương hướng, vạch đường chỉ lối cho con thuyền, tượng trưng quyền năng của Pháp. 12 Bả trạo do Tổng Mũi phụ trách đảm nhiệm việc chèo thuyền, tượng trưng quyền năng của Thập nhị địa chi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi. Tổng Thương là người lo các việc bên trong của thuyền, tượng trưng cho quyền lực của Tăng. Tổng Khậu tượng trưng cho nhơn sanh, tức chơn hồn của chúng ta.
Chèo thuyền Bát Nhã dựa vào triết lý con người do Phật, Pháp, Tăng sinh ra nơi tại thế, đến khi quá vãng sẽ nhờ thuyền Bát Nhã, cũng là quyền lực nhiệm màu của Phật, Pháp, Tăng đưa về ngôi xưa vị cũ, cõi “thiêng liêng hằng sống”.
Chèo thuyền Bát Nhã đòi hỏi nhiều kỹ năng về làn điệu, hình thức biểu diễn. Người diễn viên phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài để có sự hài hoà cả 3 yếu tố về dáng vóc, giọng hát và điệu bộ.
Các Tổng tự trang điểm.
Chỉnh trang trang phục trước giờ diễn.
Các ông Tổng là những nghệ nhân có thâm niên, Bả trạo là các thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi. Dựa trên lối diễn xuất dân gian giữa hát bội và hát bả trạo vùng duyên hải miền Trung, các Tổng, Trạo trong chèo thuyền Bát Nhã có y trang khôi giáp, mũ mão, cân đai và những lá cờ lịnh tiễn như những vị tướng đang thực thi nhiệm vụ.
Tổng lái Hà Văn Hồng- Cai quản Ban Tổng Trạo cho biết, trước đây, chèo thuyền có 2 hình thức chèo đưa và chèo hầu. “Việc chèo đưa khi có chức sắc quy vị và tổ chức tang lễ tại Báo Ân Từ. Khi di quan từ Báo Ân Từ lên thuyền Bát Nhã, ra đến tận huyệt mộ ở Cực lạc Thái Bình, các “diễn viên” sẽ đứng trên con thuyền Bát Nhã và chèo như cách chèo thuyền.
Khi đó, Tổng Lái đứng trước mũi thuyền, kế đến là Tổng Mũi và 12 Bả trạo 2 bên thuyền chèo, phía sau là Tổng Thương và Tổng Khậu. Nhưng sau này, hình thức chèo đưa được giản lược, chỉ còn chèo hầu diễn ra trên sân khấu. Về hình thức và ý nghĩa đều như nhau cả”- Tổng Lái Hà Văn Hồng nói.
Chèo thuyền Bát Nhã được dựa theo một bổn soạn sẵn, có tình tiết câu chuyện đầy kịch tính với bối cảnh của một con thuyền trong chuyến hải trình. Trên đường vượt qua “bể khổ” đưa khách trở về cõi thiêng liêng, các vị Tổng, Trạo đều dốc lòng, dốc sức làm tròn nhiệm vụ, đoàn kết, yêu thương nhau, lèo lái con thuyền Bát Nhã vượt qua phong ba bão táp.
Với sự nhuần nhuyễn, đôi bàn tay khéo léo, những nét đặc trưng của từng vai diễn được hiện ra: Tổng Lái mặt rằn ri, oai phong. Tổng Mũi mặt trắng hồng, thanh tú. Tổng Thương mặt đỏ, đượm nét sầu tư. Tổng Khậu mặt hài hước, vô tư.
Một nét đặc sắc mà có lẽ không nhiều người biết, đó là các diễn viên tham gia chèo thuyền đều tự mình hoá trang. Việc trang điểm được thực hiện tại văn phòng Ban Tổng Trạo, phía sau của Khách Đình (Nội ô Toà thánh). Trước khi diễn ra, các Tổng và Bả trạo sẽ dành khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ để trang điểm, mặc trang phục.
Vừa hoá trang gương mặt chuẩn bị cho đêm chèo thuyền Hội 16 tháng Giêng, Tổng Mũi Hà Văn Mân cho biết, anh học vai Tổng Mũi năm 1989, sau đó 2 năm thi đậu, chính thức trở thành Tổng.
30 năm qua, cứ đến phiên diễn, trừ lần diễn đầu tiên là được thầy vẽ cho, anh cũng như các anh em trong Ban Tổng Trạo đều tự tay hoá trang. “Mỗi người có một thẩm mỹ khác nhau, cũng như mỗi người hợp với một loại mỹ phẩm khác nhau nên của ai người đó sắm rồi tự vẽ”- Tổng Mũi Hà Văn Mân cho biết.
Một buổi chèo hầu tại Báo Ân Từ.
Chèo thuyền Bát Nhã được dựa theo một bổn soạn sẵn, có tình tiết câu chuyện đầy kịch tính với bối cảnh của một con thuyền trong chuyến hải trình.
Với sự nhuần nhuyễn, đôi bàn tay khéo léo, những nét đặc trưng của từng vai diễn được hiện ra: Tổng Lái mặt rằn ri, oai phong. Tổng Mũi mặt trắng hồng, thanh tú. Tổng Thương mặt đỏ, đượm nét sầu tư. Tổng Khậu mặt hài hước, vô tư. Riêng đối với Bả trạo thì được đàn anh đi trước vẽ mặt cũng như chỉnh trang trang phục cho thật chỉn chu. Khi việc hoá trang hoàn tất, đội chèo thuyền sẽ làm lễ bái Tổ và bước vào đêm chèo hầu.
“Ở đây, các anh em chia ca nhau trực. Cứ mỗi ca trực 10 ngày, nếu có tang lễ hay đi chèo ở các địa phương cứ theo lịch mà diễn xoay tua nhau. Qua nhiều năm phục vụ, có những Tổng đã già, không còn đủ sức hành sự nữa. Để có lớp kế thừa, Ban Tổng Trạo Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã trình lên Hội thánh cho mở hai khoa thi. Khoa thứ nhất vào ngày 12.9 năm Tân Mùi (1991) và khoa thứ hai mở vào ngày 29.9 năm Mậu Tuất (2018)”- Tổng Lái Hà Văn Hồng cho biết.
Đêm chèo thường kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 19 giờ. Trong trang phục với những cờ, đai, mão, các “diễn viên” ướt sũng mồ hôi dù trời đã về khuya. Nhưng, cái mệt dường như chẳng thấm. Bởi với mọi người, đây là việc công quả của người tu hành, và cũng là tâm huyết với một loại hình nghệ thuật. Tâm huyết này của bao thế hệ Tổng Trạo, đến ngày nay vẫn luôn được gìn giữ, phát huy giá trị.
Ngọc Diêu - Hoà Khang