Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tìm đâu dấu tích một thời đạn bom ? - Báo Tây Ninh Online

Thứ tư - 01/03/2023 22:18
BTN - Hơn 10 năm trước, đến những “vùng trắng” như Bời Lời, đảo Nhím (chiến khu Dương Minh Châu) hay Phước Chỉ, khu gần chợ Rạch Tràm còn có thể thấy những hố bom B52, nay trở lại đã không còn nữa.

Một đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh đến thăm, thắp hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử văn hoá Chiến thắng Tua Hai.

Cố nhà thơ Hưởng Triều, tức Trần Bạch Đằng- nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, trong bài thơ “Về Tây Ninh” (1982) có viết: “Một đời người phải về Tây Ninh ít ra một chuyến/ Rón rén mà về/ Thương mà thăm viếng/ Về lúc hoàng hôn lá đổ hay khi nắng lúc bình minh/ Nhớ nhé! Dắt cháu con về suy nghĩ với Tây Ninh…”. Trong bài thơ, ông cũng nhắc đến những địa danh mà ông từng đến, hoặc đi qua, đấy là: núi Bà, Đất Thánh, trảng Tà Nốt, suối Tiên Cô, Đồng Pan, Tua Hai, rừng Bời Lời, Cầu Xe… v.v…

Có lúc tác giả như băn khoăn, không biết chọn địa điểm nào để gợi ý hay giới thiệu, do vậy mà có đoạn: “Về Tây Ninh là về đâu? (Chỗ nào cũng viện bảo tàng/ An Tịnh, Lộc Chánh Trảng Bàng/ Gò Dầu, Dương Minh Châu/ Tà Băng, Hảo Đước); (Tà Nốt, Cà Tum?/ Trảng Ba chân hay Cánh Đồng Rùm?)/ Lý lịch viết hoa từng mô đất/ Vào một thân cây- những vết thương chồng chất…”.

Thưa với nhà thơ! Trên các miền đất mà ông gọi là các Viện Bảo tàng ấy ngày nay đã lộng lẫy, lên cao những công trình mới. Còn trên các mô đất được viết hoa thành trang sử Tây Ninh cũng đã thật hiếm thấy những “vết thương chồng chất” của một thời chiến trận chưa xa.

Hơn 10 năm trước, đến những “vùng trắng” như Bời Lời, đảo Nhím (chiến khu Dương Minh Châu) hay Phước Chỉ, khu gần chợ Rạch Tràm còn có thể thấy những hố bom B52, nay trở lại đã không còn nữa.

Một là nắng mưa hàng chục năm làm bùn đất đã đầy lên. Hai là do người dân khai phá lấp đi để có thêm diện tích gieo trồng. Các vết tích tàn phá của đạn bom không còn. Do cuộc sống đòi hỏi con người phải sang sửa, xây dựng lại, khắc phục dần những hoang tàn đổ nát.

Có những nơi cuộc chiến từng diễn ra vô vàn khốc liệt, nay không thể tìm ra những cái gì vụn vỡ của thời đã qua. Như ở Bàu Me, thuộc khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng từng là nơi tiến quân của bộ đội ta, bị quân Mỹ vây quét, trút bom đạn tơi bời trong các cuộc phản công mùa xuân 1968.

Khi ấy, không chỉ ngôi chùa đá Huỳnh Long và chùa cổ Từ Lâm bị thiêu rụi, mà các ngôi tháp mộ của các vị tổ sơ cũng bị đạn bom phá vỡ hoặc găm đầy vết đạn. Thế mà nay, các ngôi này đã được xây sửa lại, không còn những dấu tích xưa.

Thành thực mà kể, thì chuyện biến mất những dấu tích lịch sử ấy còn có phần do lỗi của người quản lý. Câu chuyện được nhiều người biết nhất là đôi trụ cổng cũ của căn cứ Tua Hai, nay là Di tích Chiến thắng Tua Hai. Đấy là trụ cổng vào căn cứ của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 quân nguỵ Sài Gòn.

Vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 1 năm 1960, căn cứ này bị các lượng lực vũ trang miền Đông và nhân dân Tây Ninh nổ súng tấn công, mở đầu cho phong trào Đồng Khởi vũ trang trên toàn Nam bộ.

Trước khi đầu tư xây dựng khu di tích này, người đi lại trên quốc lộ 22B vẫn thấy hai trụ cổng, đen đúa và vẹo vọ đứng bên đường. Sau khi di tích xây dựng xong với đủ tượng đài, cổng mới, quảng trường và những vườn cây thì hai trụ cổng cũ đã bị phá bỏ.

Bây giờ nhớ lại, mới thấy thật là đáng tiếc. Giá như vẫn còn hai trụ cổng đen đúa, vẹo vọ ấy, tương phản với khu di tích mới xanh tươi hoành tráng ở đằng sau thì chính nó sẽ tôn lên gấp nhiều lần giá trị cảnh quan và lịch sử của Khu di tích lịch sử - văn hoá chiến thắng Tua Hai.

Đọc tới đây, nếu các bạn từng xem kỹ các chương trình thời sự 19 giờ trên VTV1 sẽ nhớ và liên hệ ngay tới những chuyện của cuối năm 2022, khi Hà Nội kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Giữa lòng Hà Nội, trên phố Khâm Thiên vẫn còn một tượng đài tưởng nhớ đến trận bom thảm sát đêm 26.12: Khâm Thiên tượng! Bên hông và phía sau vẫn còn nguyên những mảng tường gạch bị bom B52 tàn phá. Người ta không chỉ xây nên cái mới, mà còn giữ được những tàn tích cũ…

Ví dụ này cũng còn thấy ở nhiều di tích khác trên cả nước. Như ở thành cổ Quảng Trị. Bên những tượng đài tươi mới đầy tính biểu tượng, thì vẫn còn nguyên vòm gạch trần lở lói, dấu vết của cuộc chiến đấu giữ từng tấc đất ở thành cổ trong năm 1972.

Bạn thử nghĩ và nhớ lại! Trên các khu di tích VHLS cách mạng ở Tây Ninh, có nơi nào còn lưu giữ được dấu tích đạn bom một thời kháng chiến? Có chăng chỉ là những hố bom trong các khu di tích như: Ban An ninh Miền, Trung ương Cục hoặc rừng lịch sử Dương Minh Châu…

Trên miền đất Bời Lời huyền thoại, có những nhà máy hiện đại đã mọc lên. Ảnh minh hoạ

Cách nay vài năm, người ta còn thấy dấu tích hoang tàn gạch vỡ do bom B52 tại miếu thờ Ông ở khu chợ Rạch Tràm, xã Phước Chỉ. Đến năm 2022 thì dấu vết này bị xoá sổ, nhường chỗ cho một ngôi chùa dân tự xây nên.

Đi dọc các miền Cầu Ván - Cầu Xe qua Lộc Hưng, Hưng Thuận, hay những ấp từng là vùng lõi của Mật khu Bời Lời bất tử, như Bến Kinh, Sóc Lào, Bà Nhã… của xã Đôn Thuận, cũng không thể tìm ra dấu vết nào của chiến tranh tàn phá.

Các miền quê Tây Ninh đã được bao trùm một màu xanh mát, bên các dòng kênh ngang dọc luôn ăm ắp nước lòng hồ. Ấy thế mà như có một tình cờ may mắn; khi ở cách Miếu Bà Chúa xứ ấp Bà Nhã không xa, ngay ở bên đường ĐT789 là một khu nghĩa địa.

Nhìn vào là thấy ngay một ngôi mộ lớn được xây khá cầu kỳ. Trên các bờ tường bao quanh mộ vẫn còn lở lói những vết đạn bom cùng với những vết rêu phong đen đúa. Vào trong xem mới biết đây là khu mộ của vợ chồng cụ Lê Văn Vẻ.

Không ghi năm xây dựng nhưng phong cách kiến trúc là thuộc về những năm 40 của thế kỷ trước, với các trụ cột tròn tô đá mài màu nâu đỏ, tấm bia bằng đá cẩm thạch trắng, khắc chìm chữ màu đen.

Trên bia cụ ông, là những thông tin: “Lê Văn Vẻ/ Chánh tổng hồi hưu/ Hàm Tri phủ/ sinh năm 1870, Phước Hội, Tây Ninh/ Thất lộc… năm 1948- Sài Gòn”. Liệu có thể giữ gìn ngôi mộ này như nguyên trạng được không. Với những vết bom đạn khá dày trên khu mộ. Như là chứng tích của một thời oanh liệt của huyền thoại Bời Lời bất tử.

Sau cùng là một tin vui! Nhân kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Tua Hai (26.1.1960 - 26.1.2023), xin loan báo. Đấy là một phần của cây trụ cổng của di tích Tua Hai, tưởng đã mất mà không mất.

Hiện còn một đoạn dài khoảng 1 mét, với tiết diện vuông (khoảng 80 x 80cm) ở trong sân vườn nhà ông Lê Văn Hồng tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Theo hình dạng, đây có thể là đoạn trên ngọn của cây trụ cổng. Ông Hồng từng là Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu nhiệm kỳ 2005-2010.

Khi người ta phá bỏ, tình cờ ông thấy đoạn trụ trên nằm lăn lóc, nên xót ruột, thuê xe đem về nhà lưu giữ. Đoạn trụ này được ông Hồng bố trí trang trọng giữa vườn cây. Đẹp lắm! Nhưng hẳn là không nhiều người biết tới. Vị trí xứng đáng của di tích gốc này phải là ở chính Khu di tích lịch sử văn hoá Chiến thắng Tua Hai.

Trần Vũ

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp