Ảnh minh hoạ: Đ.H.T
Lối đi tối mịt, lão bước bằng quán tính. Từng bước thong dong như dưới chân có đôi mắt xuyên đêm. Thậm chí những bước chân chen được qua từng kẽ lá khô đang phủ đầy sân. Mọi thứ như dừng lại, chỉ có lão đang trôi qua từng ô gạch.
- Cải lương xuống dốc là có phần của ông?
- Tôi? Sao lại là tôi?
Tiếng rõ mồn một.
Lão bước lên những bậc tam cấp, những bước chân xao động thềm lá rơi…
Bước tới nữa hay thôi. Lão nghĩ. Bước tới cũng dở, mà đi cũng dở. Thôi ngồi xuống đây dự khán vậy. Họ là gì của nhau. Liệu có phải hai vợ chồng. Tự nhiên lão nghĩ tới vợ.
Trong một thoáng lão tưởng lão đang ngồi uống trà ở nhà, bên cạnh là tiếng vợ cằn nhằn. Ngày nào cũng vậy, vợ lão dậy sớm, bắc ấm nước pha trà cho lão rồi mới đi chợ. Cuộc đời lão từng làm chồng của bao nhiêu người trên sân khấu, đến khi về già may mắn cũng còn có một người vợ để nương tựa khi ốm đau.
Gọi là may vì tâm hồn người nghệ sĩ hệt như cánh chuồn chuồn mong manh và xao động nên nhiều lúc chông chênh không níu giữ được hạnh phúc riêng mình. Nhiều lúc lão nghĩ thương vợ lão, hai người cưới nhau lúc ông còn chưa được khán giả biết đến, hai người cùng nhau nương náu trong đoàn hát.
Rồi đứa con đầu lòng ra đời, người vợ về quê thay ông chăm sóc nhà cửa nuôi dạy con cái không thể tiếp tục sống cuộc đời phiêu bạt. Từ đó, hai vợ chồng sống đời Ngưu-Chức, một năm lão về thăm nhà đôi lần, có khi trên đường lưu diễn ghé qua. Hay bà vợ vào thăm lão khi mùa mưa đoàn biểu diễn trong thành phố...
Nhớ lại hồi còn theo nghề, mỗi lần người trong nghề kháo nhau rằng cô đào đó đã ly dị chồng, anh kép kia đã chia tay vợ, lão cũng không mấy ngỡ ngàng. Nghệ sĩ sống chung nhà người cùng nghề cũng khó mà cưới người ngoài nghề cũng không đơn giản.
Những buổi biểu diễn trở về nhà nhiều khi đã rạng ngày hôm sau, sáng khi người vợ, người chồng đi làm thì đào, kép còn vùi trong giấc ngủ để lấy lại sức rồi lại lao vào tập luyện nên dù chung nhà nhưng thời gian gặp nhau hầu như không có. Lão thấy may mắn tìm được người cảm thông vì thương lão mà chấp nhận.
Ủa mà cuộc cãi vã tới đâu rồi?
Cũng giữa đêm lão lại lần dò về chốn cũ. Những bước chân như cứ tự dắt lão đi chứ không phải não bộ điều khiển bàn chân lão bước. Như nàng Kiều và chàng Kim lần tìm nhau trong miền nhớ thương thăm thẳm. Mà không phải lão lẩn thẩn rồi. Hai người đó tìm nhau vì tình yêu chẳng thể bắt họ dừng chứ còn lão tới đó làm gì.
Băng qua một khu vườn vắng xào xạc lá bàng, bước qua con đường ray nhiều kỷ niệm, vượt qua những ngã tư rồi bước vào một vùng thăm thẳm ngoằn ngoèo. Những rảo chân hăng hái cứ như hồi mười tám, đôi mươi…
- Cô nói vậy là xúc phạm tôi đó nghe. Ở trong nghề bao lâu rồi mà cô còn có thái độ đó. Cô khóc cái gì. Cô diễn bi riết nhập tâm rồi chắc.
Giọng nói quen thuộc hôm trước. Lão nghĩ thầm. Sao họ khắc khẩu mà gặp nhau hoài chi vậy.
Tiếng họ vang rõ, nhấn nhá của người đã có kinh nghiệm nghề diễn khá lâu. Đừng tưởng thoại như vậy là dễ. Nếu không có nghề, giọng sẽ ngang phè như một đường thẳng tới vô cực hoặc sẽ lên giọng như một nốt thăng.
- Tôi nghĩ thời của cô đã qua rồi. Đang là thời của tôi.
Người kia im lặng. Chắc là khóc thầm. Lão đoán vậy. Lão tự thấy mình vô duyên, ngày nào cũng vào đây nghe người ta nói chuyện. Rồi lão hình dung cô kia chắc đang gục mặt vào tay thổn thức, nếu đang trong vở cải lương hẳn cô sẽ hát một điệu buồn nào đó như Nam ai hay lý giao duyên.
“Tôi không giận ông đâu vì ông không đáng cho tôi bận tâm, tôi chỉ buồn. Không phải buồn cho tôi mà buồn cho một sân khấu quá bơ…vơ. Đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm, giữa biển đời chao chát đổi thay, hy vọng cũng hao gầy, tôi vẫn còn hoài mong, tằm chưa dứt tơ nên tôi nghĩ mà xót xa, chẳng lẽ không thể nào, trở về thời hoàng kim…”.
Quả nhiên là lão đúng. Cô ấy hát điệu Nam ai… Nỗi buồn day dứt thì chỉ có Nam ai mới có thể trút hết nỗi lòng. Lão lắng tai nghe tiếp, lâu rồi lão không được nghe ai hát trực tiếp, chỉ có thể nghe qua máy hát. Dù kỹ thuật phòng thu hiện đại hoàn hảo đến mức nào cũng không thể lay động bằng nghe giọng hát chân thật bên ngoài…
Tiếng hát ngưng bặt. Họ là ai vậy? Hao hao như Giáng Hương và Lĩnh Nam tranh cãi về nghề trong vở tuồng Sân khấu về khuya. Nếu vậy hẳn họ là cặp vợ chồng theo nghề hát nhưng khác chứ vì người đàn ông là nghệ sĩ hài, còn người đàn bà là đào thương, đào muồi. Lão nghe giọng là biết.
Họ là đào, kép nào mà giọng nghe lạ vậy. Lão chưa từng nghe qua. Chắc họ không thật nổi tiếng hoặc ở một đoàn tỉnh xa xôi nào đó thôi. Bao năm lầm lũi trong nghề, lão có thể nhận diện được hầu hết giọng của đào, kép đã nổi tiếng lẫn chưa được nổi tiếng.
- Ông nói phải. Giọng thiếu phụ ngậm ngùi. Thời của tôi đã qua rồi. Cái thời mà người ta ngồi bên dưới khán đài nghe như thẩm thấu từng lời nói của nhân vật, đắm chìm trong thế giới khác lung linh sắc màu… Những lúc đó tôi không còn là tôi nữa, tôi biến thành một người hoàn toàn khác mà không cần đến một phép biến hình như trong truyện cổ tích.
Tôi yêu những nhân vật mà tôi hoá thân, yêu từng lời thoại quá đẹp của Xuyên Lan đã nói với tướng cướp Thi Đằng. Từng câu, từng chữ vẽ ra trong trí tưởng tượng của khán giả và tôi về vẻ đẹp huyền ảo của thế giới xung quanh cô gái mù sắp tới ngày mở băng gạc mắt trong “Tiếng hạc trong trăng”. Thảng hoặc tôi nhớ chiếc áo lụa “kết bằng tơ tâm sự” mà Quỳnh Nga đã dệt khi ngồi “đếm từng ngày tháng rụng dần trong hiu quạnh” trong “Bên cầu dệt lụa”.
Ông biết sao không? Thiếu phụ như đang bước vào lớp độc diễn. Tuồng hát xưa từng lời thoại là cả sự trau chuốt chắt chiu để người xem có thể oà lên sung sướng vì soạn giả thông qua người nghệ sĩ đã thể hiện giúp họ điều họ muốn bộc bạch bày tỏ nhưng chưa bật được thành lời.
Tôi thấy thương cho những người trẻ mới vào nghề bây giờ, họ bị cái hào nhoáng làm loá mắt… Cả ông nữa ông bạn hề của tôi… “Từ xưa đến nay có ai tự nhiên đem vàng đến cho ai mà không cần điều kiện”- câu mà Quỳnh Nga đối đáp cùng công chúa Bích Vân một thời ăn sâu vào nếp nghĩ của công chúng.
Chắc cô đang ganh tị khi mỗi ngày mở tivi lên, không có ai tần suất xuất hiện dày đặc như tôi… Tôi sống bằng thực tại, cô nhắc người xưa nói, tôi cũng mượn lời người xưa đây: “Ăn theo thuở, ở theo thời” cô ơi! Thời buổi này ai còn tâm sức ngồi nghe cô sướt mướt nữa. Áp lực của cuộc sống căng thẳng như sợi dây đàn sắp đứt họ cần có tôi và những người như tôi xoa dịu họ.
Ông cứ chờ coi.
Lời thiếu phụ nói với ông bạn đồng nghiệp mà lão ngỡ như nói với lão. Ừ thì lão chờ, già rồi mọi thứ đều dường như cạn chỉ có quỹ thời gian rảnh rỗi là dư dả. Mỗi ngày lão nghe gì?
Rầm rập… Tiếng bánh xe lửa va đập vào những thanh ray thật gần, thật gần. Tàu sắp về ga… Lâu rồi lão không có dịp đi tàu lửa dù từ nhà lão ra ga cũng không xa. Tuổi già chân cẳng, xương cốt rệu rạo cả rồi.
Đâu như hồi còn nhỏ lão nhảy tàu theo đoàn hát vô tận miền Nam trong chuyến đoàn cải lương về biểu diễn ở Hí viện Hưng Đạo gần nhà. Ở tuổi mười lăm đầy nhiệt huyết ấy lại hay, người ta cứ hăm hở đi như đoàn tàu rời khỏi vạch xuất phát hướng mục tiêu mà tiến tới, không lăn tăn suy nghĩ thiệt hơn. Rồi tháng ngày sau đó có ra sao cũng không màng đến.
Hành trang lão mang theo từ miền Trung vào miền Nam đầy nắng gió không có gì khác ngoài tình yêu sân khấu. Lão ca không hay dù rất sáng dạ, nghe tập tuồng là thuộc vai liền, lão cũng nhanh nắm bắt tâm lý nhân vật, thể hiện các điệu bộ đúng mực…
Giờ khi xem các bạn trẻ biểu diễn đôi khi lão thấy họ không thể hiện ra được cốt cách nhân vật, tay chân thừa thãi, lọng cọng, lúng túng. Thoạt đầu, lão khó chịu nghĩ sao tập tuồng ẩu vậy nhưng rồi lão nghĩ làm sao họ có thể khá hơn khi hạn chế thời gian tập, không có cơ hội trau dồi để nhuần nhuyễn hơn. “Đủ nắng hoa sẽ nở” là điều có thật.
Thốt nhiên, lão nhớ mình quên một điều gì. Hình như lão có gì đó dự định làm rồi quên bẵng, như ông có hẹn với ai làm điều gì. Cố nhớ lại cũng đành bất lực.
Ngủ thôi. Hôm nay nhớ chuyện xưa cũ quá nhiều rồi…
Lão nằm xuống giường nhắm mắt.
Rầm rập… rầm rập, lão trở mình, nhà lão sát đường ray, những chuyến tàu đêm ngang qua thường làm lão tỉnh giấc. Lão ngó lên tường, đồng hồ điểm hơn 8 giờ đêm… Còn quá sớm. Lão choàng dậy khép cửa đi ra ngoài.
Qua đường ray, qua ba ngã tư… Thành phố nơi lão sống về đêm thật thanh bình, những nếp nhà nho nhỏ bình yên nép vào những ồn ào sôi động của hai thành phố lân cận. Lão cảm thấy thật may khi về già có chốn để về sau bao ngày miệt mài bôn ba…
- Ông thấy chưa?
Lão giật mình. Cô ấy hỏi ai như là hỏi mình.
- Này ông! Tôi hỏi điều này, ông cũng nên thật lòng nói cho tôi biết. Giọng thiếu phụ hạ xuống những nốt trầm. Không có ai ngoài tôi đâu nên ông không cần diễn làm gì?
- Cô cứ hỏi, tôi diễn sao qua cô được nên tôi cứ nghĩ sao nói vậy thôi.
- Ừ! Ngày ngày ông lên những chương trình gameshow ông diễn đó, ông thấy có nhàm chán không. Tôi đôi lần mở ti vi lên xem, rồi không chịu nổi khi thấy ông lảm nhảm phớ lớ cho khán giả cười, tôi xin lỗi khi dùng từ hơi thẳng.
- Cô ơi! Cô cứ ở mãi trong vỏ kén tằm nên không nhìn thấy được những thay đổi xung quanh. Bây giờ trong kịch mục của mỗi nhà hát đều có hài kịch, một thực tế không thể phủ nhận.
- Nhưng ông trong nghề ông rõ mà, hài kịch khác hoàn toàn những điều nhảm nhí ông nói trên sóng truyền hình. Nghề của ông là gì? Khán giả biết đến ông qua vai trò nào? Ông đủ thông minh để hiểu vì sao nhà sản xuất chọn ông? Nếu ông không có chút hào quang của một danh hài thì ai chọn.
- Người ta nói với nhau nhiều về việc gameshow giết chết sân khấu. Ông có nghe chưa? Vậy là ông góp phần làm cho sân khấu của chúng ta đi đến nơi tận cùng rồi.
Lão thấy lảo đảo và hoa cả mắt.
Hình như tàu sắp về.
Chuyến tàu lúc gần năm giờ sáng rầm rập chạy qua.
Chuyến tàu về sáng thường gợi lão về ngày từ bỏ nơi phồn hoa, giã từ đam mê nghề diễn về lại quê nhà. Trên toa tàu ngày hôm đó có người vô tình nhận ra lão, một kép diễn không quá nổi tiếng nhưng cũng được biết đến. Họ hỏi lão đi diễn hay đi đâu? Lão tình thiệt thưa là về quê...
Họ nói ngó bộ hành trang đơn sơ quá, làm nghề diễn không nổi tiếng đủ sống đã là mừng. Lão thầm cảm ơn mảnh đất nơi mình sinh ra, dù không phải là cái nôi của nghệ thuật cải lương, quê hương lão năm nào cũng triền miên thiên tai đã làm cho người quê lão mạnh mẽ vượt qua những thác gềnh trong cuộc sống và tính tiết kiệm, tích luỹ cho ngày sau nhờ vậy mà khi về già lão có cuộc sống không khá giả nhưng cũng không chật vật.
Trên chuyến tàu về lại quê nhà lão rưng rưng nhiều cung bậc cảm xúc. Thời thanh xuân tươi đẹp lão đã dành cho nghề hát, một nghề nhiều thăng trầm... Tuổi già lão về lại quê nhà tận hưởng cuộc sống bình yên… Lão hài lòng với cuộc sống hiện tại, duy có điều khó gặp lại bạn bè đồng nghiệp vì đa phần họ sống trong Nam.
- Cô biết một mà không biết hai. Cô nghĩ đi. Nếu họ không chọn tôi thì họ cũng chọn một người nào đó khác thôi. Cô đừng huyễn hoặc nữa. Tôi không tham gia thì người khác tham gia. Rồi cô sẽ tìm để trách họ sao?
- Mỗi thời kỳ mỗi thuận lợi khó khăn riêng, mình phải cố gắng khắc phục chứ cô ngồi trách móc tôi cũng đâu giải quyết được gì.
- Bây giờ là thời điểm của gameshow, người ta mua bản quyền của các chương trình trên thế giới về rồi dựng lại theo phiên bản Việt, tất nhiên có nhiều điểm chưa phù hợp với văn hoá người Việt mình thành ra cô cảm thấy dị ứng.
- Tôi không giấu gì ông, cũng có người mời tôi tham gia một vài gameshow nhưng tôi từ chối vì mình không có chuyên môn trong lĩnh vực họ cần. Điều họ cần là sự xuất hiện của một nghệ sĩ được biết tên để thu hút khán giả…
Tôi khác ông, tôi chỉ lên sân khấu để mà hát, nói không phải là nghề của tôi. Nhưng sân khấu để mà hát đâu còn? Tôi không quá chật vật để sống nhưng ông biết đó sân khấu còn là lẽ sống của chúng ta, người nghệ sĩ không có sân khấu dụng nghề rồi tài năng sẽ dần dần thui chột.
Đã lâu không hát, giờ hát câu Nam ai cũng nghẹn giữa chừng. Người ta nói: “đủ nắng hoa sẽ nở” nhưng tôi thấy chính xác là “đủ nắng hoa sẽ rực rỡ”. Ông nhìn coi, dưới tán cây bàng, cây hồng nhung cũng nở hoa đó nhưng…
Tự dưng họ im bặt, không một tiếng thở dài, không một tiếng khóc hay thút thít nếu là trên sân khấu những khoảng lặng như vậy luôn cần thiết. Đó là lúc những khán giả dự khán như ông hiện tại suy nghĩ coi người trong cuộc nghĩ gì, sẽ nói gì tiếp theo. Mà trong trường hợp này, lão đâu phải là người ngoài cuộc, lão cũng thấm thía nỗi lòng của người nghệ sĩ trong buổi thoái trào.
Lão ngồi băng ghế nghe hai người đối thoại cùng nhau, ông vui khi người thiếu phụ đó cuối cùng cũng đã dùng từ chúng ta. Tranh luận nảy lửa là một chuyện, chứ tình nghệ sĩ không thể nào vơi, thương quý nhau để cùng sống, cùng diễn. Mấy lần lão toan bước vào nói cùng họ đôi câu chia sẻ những tâm tư của người trong nghề nhưng rồi ông thấy sự có mặt của mình quá đường đột. Chắc chắn là lão sẽ tìm gặp họ.
*
Lão sẽ nói gì đây khi gặp hai người đồng nghiệp xa lạ. Trong lão cũng chất chứa nhiều tâm sự ngổn ngang cùng thăng trầm của nghề hát. Ôi! Mắt lão rực sáng khi nhớ về thời vàng son của cải lương, hồi lão mười lăm tuổi khi nhảy tàu vào Nam, cải lương đang thời cực thịnh.
Hí viện Hưng Đạo ở quê lão mỗi khi đoàn hát về là đông nghẹt khán giả lớp trong, lớp ngoài chen nhau mua vé để được vào xem những nghệ sĩ họ yêu quý hát. Lão không có tiền mua vé chờ xã dàn, khi đó chỉ còn một hai màn cuối người ta mở toang cửa để khán giả vào xem… Vậy cũng có cái hay riêng, vì tuồng tích cải lương đa số đều kết thúc có hậu, lão vào xem chính là lúc cái thiện đã trải qua hết hành trình gian nan vượt qua cái ác để mà thăng hoa.
Lão cũng muốn thủ thỉ cùng họ, đâu phải cải lương bây giờ mới khó khăn mà từ lâu lắm rồi, để lão nhớ lại cho kỹ. À! Hồi những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, lúc đó làn sóng phim võ thuật Hồng Kông với những Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long tràn qua như một cơn bão cát ở biển mà sân khấu trơ trọi như biển không có những rừng phi lao để mà che chắn, làn sóng phim ngoại làm mưa làm gió ở các rạp chiếu phim rồi lấn sang cả các hí viện.
Không thể ngồi đó mà trách khán giả, những người thưởng thức nghệ thuật. Khán giả có quyền lựa chọn cái hay, cái mới lạ. Khi đó ông nghĩ sân khấu đã trải qua một giai đoạn “một mình một chợ” chỉ có sự cạnh tranh trong sự thoả hiệp giữa các đoàn.
Mỗi đoàn hát có thế mạnh riêng và khai thác trên nền tảng có sẵn. Chưa bao giờ họ nghĩ sẽ có ngày một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện và vị trí họ lung lay. Trong khi nghĩ ra phương cách mới, các đoàn hát phải dạt ra tận miền Trung lưu diễn.
Các ông bầu và các soạn giả ngồi lại với nhau bàn bạc và cuối cùng thống nhất là phải chiều theo sở thích khán giả mà dựng các vở kiếm hiệp. Các nghệ sĩ cải lương biểu diễn những màn mạo hiểm như bay lượn, phi thân trên sân khấu.
Rồi làn sóng phim Hồng Kông cũng qua đi, khán giả lại quay về sân khấu cải lương như người ta ăn món Tây, món Tàu vì lạ một ngày nào đó chợt quay quắt nhớ và quay về món cơm thuần Việt. Những trào lưu nghệ thuật cũng như thời trang cứ xoay vòng xoay vòng nếu chưa tìm ra một hướng đi mới.
Làn sóng phim Hồng Kông quay lại những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ trước nhưng cải lương vẫn sống vì có những khán giả của riêng mình và do người làm nghề đã có kinh nghiệm của lần khủng hoảng trước để vượt qua.
Người ta dựng các vở cải lương có tuồng tích bên Tàu như Võ Tắc Thiên, Thái Bình công chúa… Làn sóng phim video Việt nổi lên, cải lương cũng hoà theo xu thế đó ra băng video. Những nghệ sĩ tên tuổi của cải lương cùng tập hợp lại xuất hiện trong một vở tuồng.
Dĩ nhiên là khán giả ủng hộ vì đâu dễ tập trung được nhiều ê-kíp khác nhau trong một vở tuồng. Nhưng lợi bất cập hại, khán giả sẽ “lười” đến rạp hát, họ ở nhà thuê băng video rồi mở lên cả nhà cùng xem, tuồng tích đủ cả, thích nghệ sĩ nào cứ thuê băng có nghệ sĩ đó về xem…
Một số người bảo cải lương bây giờ không theo kịp với nhịp sống hiện đại, bao nhiêu năm rồi vẫn còn mấy tuồng tích cũ. Nghề này vậy chứ không đơn giản, khó làm nên chuyện “bình cũ rượu mới”, khán giả cải lương họ luôn có dấu ấn sâu đậm với những gì họ xem lần đầu.
Qua bao nhiêu đợt, bao nhiêu ê kíp người diễn “Bên cầu dệt lụa”, “Tiếng trống Mê Linh”... người ta vẫn hoài nhớ về người nghệ sĩ họ thương mến. Trong khi vở mới không gây được tiếng vang vì ngày xưa mỗi đoàn hát đều ký hợp đồng với các soạn giả viết tuồng theo kiểu đo ni đóng giày, nghệ sĩ trong đoàn dễ dàng phát huy hết sở trường của họ cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đặc sắc.
*
- Cháu ơi! Bác muốn vào trong thăm hai người bạn nghệ sĩ.
- Bác ơi! Làm gì có ai sống trong này. Đây đâu còn là rạp hát, nó là rạp chiếu phim.
Lão nhìn lên: - Vẫn là Hí viện Hưng Đạo mà cháu?
- Dạ! Cơ quan Nhà nước họ muốn giữ lại một di tích cũ nhưng không có đoàn hát nên đã chuyển sang là rạp chiếu phim ở tầng trên. Bác muốn vào phải mua vé.
- À không. Bác vào khu trệt uống nước rồi về.
Lạ quá. Sao hoang tàn đổ nát thế này. Đây là cây bàng xoè tán che rợp một góc sân, tàng cây rộng phủ lên mái hí viện. Bước chân lão giẫm lên thảm lá dày. Lão nhớ người thiếu phụ nói có cây hồng nhung nở hoa dưới gốc bàng này.
Đúng rồi, cây hoa hồng đây nhưng có phải ông hoa mắt không, cánh nó không thẫm và không mượt như nhung. Những cánh hoa nở mà màu ông khó có thể gọi chính xác màu gì, nó tựa màu son môi của người nghệ sĩ lúc tuồng sắp vãn đã nhạt nhoà.
- Ông vào đây làm gì? Cô chủ quán cà phê hỏi.
- Không giấu gì cô, tôi là nghệ sĩ cải lương muốn thăm lại rạp hát xưa. Nếu cô không phiền, tôi xin dạo qua một vòng.
Lạ quá, rõ ràng đêm đêm lão vẫn thường đến đây nghe hai nghệ sĩ trò chuyện ở khu vực này. Tiếng nói họ vang lên bổng xuống trầm như thoại trên sân khấu, cô đào đã qua thời còn hát một khúc Nam ai.
- Bác ơi! Đoàn cải lương tỉnh giải thể lâu rồi, nghệ sĩ đã giải nghệ, phông màn, cảnh trí đều thanh lý hết, chỉ còn bảng hiệu đoàn hát ở chỗ kia.
Lão lại gần, màu thời gian làm lu mờ gần hết tên bảng hiệu, lão không thể nhận ra tên đoàn hát là gì, duy chỉ ở góc trái bảng hiệu còn khá rõ hình hai mặt nạ khóc, cười của sân khấu cải lương.
Ông nhìn hai mặt- là biểu tượng của sâu khấu- thật lâu, mặt khóc rưng rưng chất chứa niềm tâm sự, mặt cười hân hoan hớn hở niềm vui. Lão hình như nghe được tiếng ca não nuột lẫn tiếng thở dài lão từng nghe quen thuộc mỗi đêm. Họ vẫn cãi nhau như không có sự hiện diện của lão.
Lão xin phép bê cây hồng nhung ra ngoài hướng sáng, “đủ nắng hoa sẽ rực rỡ”, mà cô đào hát đã nói với anh kép hề một đêm tối trời. Nếu còn sức khoẻ ông sẽ tới đây ngắm nhìn những tàn tích cũ một thời vang bóng, để nhìn những bông hoa hồng nhung thắm đỏ rực rỡ dưới nắng chói chang và hy vọng...
T.Q.T