Huỳnh Thị Kim Oanh và bạn diễn Dương Tấn Phi
Năm 2022, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần IX, lần đầu tiên, bộ môn lân sư rồng được đưa vào chương trình thi đấu. Đoàn Tây Ninh góp mặt ở bộ môn này và mang về 1 huy chương đồng, nội dung mai hoa thung nam nữ. Ít ai biết rằng, đằng sau tấm huy chương ấy là bóng dáng của một cô gái nhỏ bé mang tên Huỳnh Thị Kim Oanh.
Sinh năm 2006, Oanh là con út trong một gia đình nông dân có 3 chị em gái. Cao vỏn vẹn 1m48 và nặng 37kg nhưng cô gái nhỏ lại có niềm đam mê mãnh liệt với múa lân- món được cho là phù hợp với nam giới hơn. Ở Tây Ninh, số lượng vận động viên nữ tham gia bộ môn này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và trong số những bóng hồng hiếm hoi ấy, duy nhất mỗi Oanh là có thể múa trên mai hoa thung.
Kim Oanh kể: “Năm 14 tuổi, em theo bạn đi học võ Vovinam, thấy bên đội lân vui quá nên xin thầy qua tập thử, rồi từ đó thích múa lân luôn. Lúc ấy, gia đình vẫn chưa biết em tập lân, cứ nghĩ là em đi tập võ thôi. Sau này biết chuyện, ba mẹ phản đối dữ dội, thầy phải đến tận nhà thuyết phục, xin phép cho em tiếp tục tham gia”.
Người thầy đã dẫn dắt Kim Oanh trong suốt 3 năm qua chính là HLV Trương Văn Thuận (trưởng đoàn lân Vovinam Tây Ninh). Ông cho biết: “Trong một chuyến đi thi đấu, tôi thấy các đoàn khác có vận động viên nữ nên cũng muốn đào tạo các em nữ có đam mê múa lân.
Một tiết mục có vận động viên nữ sẽ trở nên độc đáo, mới lạ và thu hút người xem nhiều hơn. Mai hoa thung vốn là một nội dung rất khó và nguy hiểm, thường chỉ có nam mới tập nổi. Kim Oanh trước đây từng là một võ sinh nên tôi cho em tập trên mai hoa thung để thi đấu các giải lớn. Hiện tại, đoàn cũng có vài vận động viên nữ nhưng chỉ Oanh mới thực hiện được bài này”.
Chiều chiều, khoảng 5 giờ, Oanh và các bạn trong đoàn lân lại bắt đầu tập luyện tại Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã Tân Phong (huyện Tân Biên). Oanh là người cầm đầu lân, phần đuôi là một bạn nam. Điều đặc biệt, buổi tập của đoàn lân này lại không hề có tiếng trống.
Các bạn lý giải: “Người dân ở đây ngủ sớm để sáng đi làm sớm, mà tụi em thì thường tập tới 8-9 giờ tối nên không đánh trống để tránh làm phiền. Chỉ những lúc nào gần thi đấu thì mới mang trống ra tập, nhưng phải tập từ lúc trời còn sớm”.
Chứng kiến những bước nhảy thoăn thoắt của Oanh trên giàn mai hoa thung, ai cũng phải ngước nhìn ngưỡng mộ. Oanh hoàn thành bài diễn khoảng 7 phút, mồ hôi nhễ nhại, tôi hỏi Oanh có mệt không, cô luôn lắc đầu và cười.
Dương Tấn Phi (sinh năm 1997)- người múa cặp với Oanh trong thời gian qua, chia sẻ: “Oanh gan dạ hơn các bạn nữ khác và có thể múa được nhiều bài. Dù em thường xuyên vắng mặt vì đi làm xa nhưng bọn em phối hợp với nhau rất ăn ý, những lúc biểu diễn hay thi đấu chưa từng gặp sự cố”.
Thông thường, một vận động viên phải tập luyện vài năm mới có thể “bay” trên mai hoa thung thuần thục. Nhưng với sự nhanh nhạy, chăm chỉ, Kim Oanh chỉ mất vài tháng là đã có thể tham gia tranh tài.
Đầu năm 2021, Oanh và đồng đội xuất sắc giành giải Ba nội dung mai hoa thung nam nữ tại Giải vô địch lân sư rồng toàn quốc. Cô gái tiết lộ: “Trong lúc tập, bọn em cũng té hoài.
Lần nặng nhất là ngay trước ngày thi đấu giải toàn quốc ở Hậu Giang, tới giờ em vẫn còn bị móp một bên đùi vì vết sẹo ấy. Đó cũng là lần đầu tiên em được đi thi đấu xa nhà nên khá run, may mắn là lúc thi bọn em đã làm tốt”.
Để giúp học trò cưng của mình tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm, cải thiện tâm lý thi đấu, HLV Trương Văn Thuận đã mạnh dạn đăng ký cho Kim Oanh - Tấn Phi tham gia Giải lân sư rồng tỉnh Tây Ninh mở rộng, tranh cup Vincom lần I, năm 2022.
Đáng nói, đây là cuộc thi mà tất cả các chú lân đều phải nhảy trên giàn mai hoa thung tiêu chuẩn của nam, khó và tốn sức hơn rất nhiều so với mai hoa thung của nữ (khoảng cách giữa các cột xa hơn).
Song, điều đó vẫn không làm khó được vận động viên nữ duy nhất của cuộc thi. “Bình thường tụi em cũng hay tập bài của nam nên vẫn thi được. Dù không giành giải nhưng đó là một cơ hội tốt để em được cọ xát, học hỏi và biểu diễn ngày càng tự tin hơn”- Oanh bộc bạch.
Thật vậy, cứ sau mỗi giải đấu, Oanh và các thành viên trong đoàn lại có thêm nhiều bài học bổ ích, tăng dần độ khó cho bài của mình. Để rồi, tháng 12 năm 2022, “nàng út ống tre” ẵm luôn huy chương đồng Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX.
Về những khó khăn, cô tâm sự: “Do bạn diễn của em ở xa nên cả hai không thể tập chung trước ngày lên đường dự đại hội. Khi ra Quảng Ninh, ngày đầu tiên bọn em phải tập trên chành của nam vì ban tổ chức chưa kịp sắp xếp, đến ngày hôm sau thì mới được tập trên mai hoa thung của nữ”.
“Thành công này là động lực rất lớn cho chúng tôi. Sắp tới, tôi sẽ tìm kiếm thêm những vận động viên nữ có đam mê, tố chất giống như Oanh, cũng như định hướng cho các em thi đấu nhiều giải hơn”- HLV Thuận nói về kế hoạch đầu tư của đoàn lân Vovinam Tây Ninh.
Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, cái tên Huỳnh Thị Kim Oanh sẽ còn tạo nên nhiều dấu ấn trong tương lai. Bởi cái đam mê múa lân đã ăn sâu vào trong máu của cô gái này, đến nỗi nhiều đêm Oanh ngủ mơ thấy mình đang nhảy trên mai hoa thung, tay thì cầm chiếc đầu lân. Dù đã có được một số thành tích nhất định nhưng Oanh vẫn cố gắng tập luyện tích cực và không ngừng lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu thêm những kỹ thuật mới, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung động tác cho bài thi ngày càng ấn tượng, đẹp mắt.
Liên quan đến bộ môn lân sư rồng, ngày 22.2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 113/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam. Đây là kết quả cho những nỗ lực vận động trong thời gian qua của Ban vận động thành lập Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam và Vụ Tổ chức phi chính phủ.
Theo đó, Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.
Hy vọng từ cột mốc này, bộ môn lân sư rồng ở nước ta sẽ được nâng lên một tầm cao mới với nhiều chương trình, giải đấu hấp dẫn, thúc đẩy phong trào ở các địa phương ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Anh Thư