Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Thương nhớ ba trong những mùa nước lụt 

Thứ năm - 11/11/2021 13:52
BTN - Mùa nước lụt cũng là mùa cà na chín. Những trái cà na đắng, nù nẫn, nặng oằn cây. Gặp những cây cà na này, ba cũng dừng lại, rung cho rụng một mớ trái đem về cho các con. Có khi ba tấp vô mấy bụi trâm ổi lớn không chỉ hái đọt non, mà còn tìm hái trái chín cho anh em tôi.

Mưu sinh mùa nước lụt (ảnh minh hoạ)

Đầu tháng mười âm lịch, cánh đồng quê tôi bước vào giai đoạn cuối mùa nước lụt. Nước trên ruộng, dưới rạch còn rất nhiều. Xế chiều, trời không mưa, toàn cánh đồng mênh mông nước, chỉ có vài ba chiếc xuồng đang đánh bắt cá.

Nhìn cảnh đánh bắt cá vào mùa nước lụt ngày nay, tôi lại chạnh nhớ những mùa nước lụt xa xưa, thuở anh chị em tôi còn niên thiếu. Lúc ấy, ba tôi mới ngoài bốn mươi và sống cảnh “gà trống” nuôi ba con nhỏ.

Sinh ra và lớn lên bên bờ một dòng rạch lớn, gần ruộng đồng, từ nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh con nước ròng rồi con nước lớn. Khi thì nước cạn sát đáy rạch, lúc dâng cao ngập bờ. Vào mùa nắng, toàn cánh đồng ruộng khô khốc.

Mưa xuống, nước ngập trắng ruộng, nông dân tập trung cày bừa, cấy lúa. Đến lúc “mưa già” (mưa nhiều và lớn), nước dâng cao ngập bờ, bà con quê tôi gọi là nước lụt. Hồi nhỏ, anh chị em tôi “khoái” mùa nước lụt vì có nhiều cá ăn thoải mái, còn ba tôi rất “oải” mùa này (tôi đoán như vậy thôi, chớ chưa nghe ba than thở bao giờ) vì đi cắt cỏ khó khăn.

Hồi đó, nhà tôi có nuôi hai con bò cái nhưng không có đất đồng trồng cỏ hay chăn thả bò, cũng không có láng ven sông rạch để nuôi giữ cỏ (loại cỏ ma mọc hoang dưới nước). Ban ngày, hai con bò cái được cột vào gốc tre, đêm nhốt vô chuồng.

Để có thức ăn cho bò, hằng ngày, ba quảy gánh xuống bến, chèo xuồng qua rạch, ra đồng cắt cỏ bờ ruộng mọc hoang hoặc “cỏ dứa” (cỏ ma mọc theo ven rạch trong các bụi dứa dại). Vào mùa nắng và đầu mùa mưa đi cắt cỏ dạo (cỏ tự mọc, không ai nuôi giữ) còn dễ.

Đến mùa nước lụt, nhất là giai đoạn cuối, cỏ trở nên khan hiếm. Nhiều bờ ruộng không còn cỏ; chỗ nào còn một ít cỏ là chỗ đó “nguy hiểm”, vì kiến lửa, kiến nhọt, vắt, ong, có cả rắn… tập trung vào đó trú ẩn.

Người cắt cỏ dạo vào mùa nước lụt như ba tôi bị kiến lửa, kiến nhọt, đỉa, vắt cắn chân, tay là chuyện thường; chưa kể bị ong lá (loại ong nhỏ làm tổ trong cỏ) đốt sưng mặt. Cỏ khó cắt, rơm khô dự trữ không còn, để có đủ cỏ cho bò, ba luôn cố gắng hết sức, bất chấp nắng mưa, sớm trưa đi kiếm cỏ.

Nước lụt kiếm cỏ cho bò thì khó, nhưng kiếm thức ăn cho người rất dễ. Hồi đó vào mùa nước lụt, cá đồng quê tôi rất nhiều, đánh bắt dễ. Mỗi ngày, khi quảy gánh đi cắt cỏ, ba tôi đem theo mấy tay lưới, vài cái lờ và cái đụt.

Bao giờ cũng vậy, trước khi cắt cỏ, ba tìm chỗ đặt lờ, giăng lưới. Cắt cỏ đầy gánh, ba đi thăm lưới, dỡ lờ. Có cá rồi, dù trời đã trưa, ba cũng tranh thủ tìm rau. Hồi đó, rau sông quê tôi rất phong phú. Muốn ăn rau sống thì ba hụp lặn trong nước nhổ rau hẹ, bông súng...

Để các con có món canh chua cá rô mề, ba tấp vô bìa rạch cắt mấy bắp chuối nước. Có khi ba đổi bữa bằng canh ngọt, hoặc rau luộc thì tìm mấy bụi rau móp mọc mấp mé bờ rạch, hay đến mấy lùm dây chạy đang bung tua tủa những đọt non… Cũng có khi ba hái rau vừng non, rau câu, đọt bí bái, đọt trâm ổi về chấm cá kho mắm đồng.

Mùa nước lụt cũng là mùa cà na chín. Những trái cà na đắng, nù nẫn, nặng oằn cây. Gặp những cây cà na này, ba cũng dừng lại, rung cho rụng một mớ trái đem về cho các con. Có khi ba tấp vô mấy bụi trâm ổi lớn không chỉ hái đọt non, mà còn tìm hái trái chín cho anh em tôi.

Khi ấy, đi học về là anh em tôi xuống bến đón ba. Mùa nước lụt, hai bên bờ bến cũng lắp xắp nước. Ba gánh gánh cỏ đi trước, tôi bưng rổ rau đi kế, còn anh tôi mang đụt cá đi sau cùng. Ba cha con thẳng tiến từ bến về nhà.

Lúc này chị tôi đã nấu xong nồi cơm, chờ cá và rau của ba đem về chế biến thức ăn. Vậy là bò có cỏ, cha con tôi có cơm, cá, rau… Khoái nhất là chúng tôi ăn cá thoải mái. Hết mùa nước lụt này đến mùa nước lụt tới, ba tôi vừa lo chạy gạo cho con, vừa “chạy” cỏ cho bò.

Đến khi anh em tôi học xong cấp hai mới bắt đầu phụ ba được một phần trong việc cắt cỏ, bắt cá, hái rau… Từ đó ba cũng đỡ vất vả hơn. Khi anh chị em tôi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, nhà tôi không nuôi bò nữa, ba thì cao tuổi, không còn đi cắt cỏ hay đánh bắt cá vào mùa nước lụt nữa.

Năm nào cũng vậy, mỗi nghe con chim “thằn lằn” (một loài chim kêu vào mùa nước lụt) kêu “troẹt…troẹt…troẹt…troẹt…” ngoài hàng tre báo hiệu mùa nước lụt đã về, ba lại nhắc đến những mùa nước lụt năm xưa, nhất là mùa nước lụt năm Nhâm Thìn 1952 (*).

Gần cuối mùa nước lụt năm nay, mấy con chim “thằn lằn” vẫn còn đậu trên mấy bụi tre thi nhau kêu “troẹt…troẹt…troẹt…troẹt…”, nhưng ba tôi không còn kể về những mùa nước lụt năm xưa, trong đó có trận lụt lịch sử kinh hoàng năm Nhâm Thìn. Bởi ba tôi đã về cõi vĩnh hằng vào giữa mùa nước lụt năm Tân Sửu này.

T.L

(*) “Tháng 10.1952, trong khi mọi mặt kháng chiến đang trên đà đi lên thì trận bão lụt Nhâm Thìn ập đến gây nhiều thiệt hại. Huyện Châu Thành bị ngập 4 xã: Đước Hoà Bình, Khăng Xuyên, Thái Bình, Long Xuyên Điền, thiệt hại 80% ruộng, 40% rẫy. Huyện Trảng Bàng thiệt hại 2/3 số lúa. Huyện Dương Minh Châu thiệt hại hơn 50% ruộng và rẫy. Cơ sở tự túc của các cơ quan huyện, tỉnh thiệt hại 100% diện tích ruộng. Tính chung thiệt hại khoảng 500.000 giạ lúa”- Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005).

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp