Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc 

Thứ sáu - 19/11/2021 14:12
BTNO - Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, ngày càng xuất hiện thêm nhiều loại hình giải trí độc đáo và mới mẻ, âm nhạc dân tộc đang ngày một phai nhạt trong xã hội hiện đại. Thế nhưng có những nghệ nhân vẫn ngày đêm dành hết tình yêu, nhiệt huyết ra sức giữ gìn để âm nhạc dân tộc không bị mai một. Trong số đó, có nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Long (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành).

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Long hướng dẫn các em nhỏ tập đàn

Hơn 50 năm gắn bó với nghiệp đàn, ông Sáu Long được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ tài hoa, cũng như tâm huyết của ông dành cho loại hình nhạc cụ dân tộc. Ở tuổi ngoài 60, ông Sáu Long vẫn nhớ rõ cảm giác mê mẩn khi lần đầu tiên vô tình nghe được tiếng đàn, điệu nhạc trong một thánh thất Cao Đài ở Đà Lạt. Những cung thanh, cung trầm vừa trong trẻo, vừa da diết của các loại nhạc cụ dân tộc có sức cuốn hút kỳ lạ đối với cậu thiếu niên năm nào. 

“Đó là năm 1968, tôi mới 12 tuổi. Gia đình tôi từ Bình Định tản cư lên Đà Lạt lập nghiệp, sinh sống. Trong một lần theo gia đình vào thánh thất, tôi nghe các vị nhạc sĩ ở đó đánh đàn hay quá nên cứ tập tò theo nghe. Thấy tôi có vẻ thích thú, mấy chú dạy cho học. Cái duyên với nghiệp đàn bắt đầu từ đó” - ông Sáu Long nhớ lại. 

Sau đó một năm, ông xin gia đình vào Tây Ninh, ở lại Toà Thánh để tiếp tục học nhạc. Năm 1973 ông thi đậu nhạc sĩ trong Ban Nhạc, Hội thánh Cao Đài. Nơi đây, ông được học và dần làm đầy vốn hiểu biết của mình về nhạc lễ. Với những kiến thức âm nhạc có được, ông Sáu Long sẵn lòng chia sẻ lại với anh em đồng đạo. Ông nung nấu ý niệm mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc. Lớp nhạc lễ Về Nguồn của ông Sáu ra đời từ đó, đơn sơ dưới mái hiên nhà, chính giữa là bàn thờ tổ trang nghiêm, cạnh bên là tấm bảng dành ghi nốt nhạc. Ngày ngày, ông Sáu đem hết ngón nghề của mình truyền dạy cho các thế hệ sau. Lớp nhạc lễ Về Nguồn trở thành địa chỉ quen thuộc với những ai yêu thích nhạc cụ dân tộc.

Ông Sáu Long giới thiệu về cây đàn cò cho người học

“Đầu tiên vào học đàn ở đây, chú sẽ hướng dẫn mọi người học cây đàn cò trước. Bởi vì so ra với các loại đờn khác, đàn cò dễ học nhất. Lợi thế là đàn cò có âm vực cố định rất dễ cảm nhận. Khi bắt đầu đàn thuần thục đàn cò rồi thì sẽ dễ cảm âm, từ đó mà học đàn tranh, đàn guitar… đều dễ dàng hơn. Đây cũng là loại đàn có mặt trong hầu hết các loại hình âm nhạc dân tộc, âm nhạc cổ truyền” - ông Sáu cho biết.  

Lớp học của nghệ nhân ưu tú Sáu Long hoàn toàn được dạy miễn phí cho những người yêu đàn hát, đào tạo những trẻ em có năng khiếu. Từ đàn cò, đàn kìm, đờn tranh, đàn sến, đờn tam, đờn tì bà, guitar... ông Sáu đều tận tình chỉ dẫn. 

“Tôi nghĩ, nền nhạc dân tộc nói chung, trong đó có nền nhạc lễ đạo Cao Đài luôn cần phát huy. Bản thân tôi cũng đã được các vị tiền bối đi trước truyền dạy, giờ mình biết chút đỉnh thì cố gắng phổ biến lại cho em cháu đi sau để phát huy nền nhạc dân tộc ngày càng mạnh mẽ. Điều cốt lõi là giữ gìn nền nhạc của mình” - nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Gần 20 năm qua, lớp học đơn sơ nhưng luôn ấm áp bởi tâm huyết của ông Sáu đã truyền lửa cho biết bao thế hệ trẻ. Từ lớp học này của ông không ít người đã trưởng thành, thành tài và nối tiếp cha chú truyền dạy những ngón đàn.

Em Trần Ngọc Như Ý (Thanh Điền, Châu Thành), đến lớp đàn của ông Sáu Long từ khi mới 7 tuổi. Hơn 6 năm qua, dù bận học văn hoá, Như Ý vẫn thu xếp thời gian đến lớp học đàn. Như Ý chia sẻ: “Lúc đó, em nghe dì Út của em đàn cò hay quá, em mới xin ba mẹ cho đi học. Bây giờ em đàn được đàn cò và guitar rồi. Học đàn cũng không khó lắm, nếu có đam mê, thấy thích thì rất dễ”. 

Rồi tiếng đàn của Như Ý lại “mê mẩn” Phú Trọng - anh họ của Như Ý. Phú Trọng cũng tìm đến với lớp đàn của ông Sáu Long. Cứ thế, lớp học nhạc của nghệ nhân lúc nào cũng vang lên tiếng đàn, tiếng phách. 

Lớp học nhạc lễ của nghệ nhân ưu tú 6 Long

Những kiến thức về đàn được ông Sáu truyền lại, học viên tiếp thu, để rồi cùng nhau gìn giữ những tinh hoa của dân tộc, từ nền nhạc lễ Cao Đài đến những bài đờn ca tài tử. Trong tôn giáo Cao Đài, nhạc lễ như hồn cốt của đạo, luôn giữ một phần quan trọng, không thể thiếu trong các nghi lễ cúng bái hay tang ma của đạo. Ra đời thường, những điệu Nam Ai, Nam Xuân, những nốt hò, xự, xang, xê, cống trở nên thân thuộc, trở thành món ăn tinh thần của người dân Nam bộ. Đó là đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Ở đó, người cầm đàn nhấn nhá, tạo nên thanh âm réo rắt, du dương; người ca say sưa ngân nga trầm bổng theo từng nốt nhạc. Qua điệu đàn, tiếng hát, loại hình sinh hoạt văn hóa này gắn kết cộng đồng lại gần gũi, thâm tình.

Ngày ngày, ông Sáu Long đem hết ngón nghề của mình truyền dạy cho các thế hệ sau

Với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Long, mỗi khi chạm tay vào từng dây đàn, viết lên những nốt nhạc, ông càng thêm hiểu và trân trọng nền nhạc dân tộc. Ông nguyện dành trọn sức mình để bảo tồn và lan tỏa những giá trị cha ông để lại.  

Ngọc Diêu – Hòa Khang

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp