1.
Phía trên theo đường chim bay, cách nhà tôi năm sáu nóc nhà là ngôi trường nhỏ, nằm giữa xóm có một dãy dài phòng học cấp 4. Ở nhà tôi được giao nhiệm vụ “chăn” thằng Út. Hai chị em cách có 3 tuổi. Út con trai mau lớn còn tôi đẹt câm. Đã vậy lại còn hiếu động, luôn tay, luôn chân, phá phách không ngơi.
Chơi chung với Út suốt từ sáng đến trưa tôi cứ phải luôn chân luôn tay- vừa “dọn dẹp hậu quả”, vừa nài nỉ dỗ Út đừng phá phách. Vậy mà tới lúc chị Hai đi làm về vẫn bị mắng sấp mặt. Tức. Vậy thôi, không thèm ở nhà nữa, chịu khó dắt thằng Út lên trường chơi cho lành.
Út không chịu đi, mè nheo đòi cõng. Thì cõng. Ai chứng kiến cảnh con chị lặc lè cõng thằng em chân dài quét đất vừa đi vừa thở cũng chép miệng cảm thương. Có một ông thầy cứ thấy hai đứa chơi là đứng nhìn chăm chăm đầy “thiện chí”.
Thi thoảng gặp ánh mắt ngạc nhiên nghi ngại của hai chị em, thầy lại nhoẻn cười. Nụ cười trìu mến như vỗ về, trấn an. Trong nụ cười ấy, tôi đọc ra thông điệp thầy muốn gửi tới chúng tôi: các bé cứ vui chơi thoải mái nha, thầy không mắng các em đâu…
Ông thầy đặc biệt ấy chính là thầy Quý.
2.
Nói tới thầy Quý, mấy anh chị lớn trong xóm có đi học đều biết. Thái độ chung: yêu mến. Vậy chắc thầy hiền? Hổng phải, ở đó mà hiền. Ổng nghiêm lắm, cựa là véo tai, anh Năm kêu. Vậy anh có sợ thầy không? Sợ chớ sao không, mà thương.
Lý do vì sao thương thì anh Năm không nói rõ. Nhưng tôi biết chắc một điều: anh Năm mà đã thương thì thầy Quý chắc chắn… đặc biệt. Kệ đi, dù vì lý do gì, thầy Quý cũng đã “ghi điểm” trong lòng tôi từ rất sớm.
Tôi ước ao mai mốt đi học lên trên sẽ được làm học trò thầy. Ước vậy thôi chứ mọi chuyện hãy còn xa lắm. Tôi mới học sinh tiểu học còn thầy Quý là giáo viên cấp 2 (trung học cơ sở). Ai biết tới lúc tôi lên cấp 2 liệu thầy Quý có còn dạy hay đã chuyển đi? Vậy nhưng không ngờ cầu được ước thấy, lên lớp 7 tôi được học thầy Quý.
Té ra thầy dạy… Toán, môn học tôi “ám ảnh” nhất, vì dốt từ những năm lớp dưới. Công bình, không phải tôi dốt tất tật mọi môn. Mấy bộ môn xã hội như Văn, Sử… tôi học kể vào loại khá. Vậy nhưng cứ đụng vào môn Toán là tôi… đau não, lùng bùng loay hoay như gà dính tóc.
Tôi thù môn Toán, cái môn mà tôi đoan chắc các nhà giáo dục đã mắc sai lầm khủng khiếp khi chọn đưa vào nhà trường. Ghét môn Toán, ghét luôn cả mấy thầy cô dạy Toán. Năm năm tiểu học cộng thêm một năm lớp 6 tôi luôn (vụng trộm) nuôi nấng trong lòng một ước mơ to bự: giá như nhà trường đừng có môn Toán, hoặc giá như một sáng đẹp trời mấy thầy mấy cô dạy Toán bỗng dưng… biến mất thì đời đúng tươi.
Chị Ba kêu: - Mày ngu, không học Toán rồi ra chợ mua đồ sao biết tính tiền? Tôi cãi phăng: - Mẹ có học Toán ngày nào đâu sao đi chợ vẫn biết tính? Chị Ba đuối lý ấp úng: Nhưng… nhưng…. Không nhưng nhị gì hết, thừa thắng tôi xông lên, nếu chỉ để đi chợ tính tiền thì học cộng với trừ không đủ rồi, thêm nhân chia làm chi? Lại còn thêm phân số số thập phân hình vuông hình tròn hình… méo đủ thứ lung tung này nọ; loay hoay đau cái đầu, chán hơn… con gián. Chị Ba bỏ chạy, xua xua tay: - Thôi thôi, thua cái miệng của mày rồi, để mơi mốt học lên gặp thầy Quý ổng “trị” cho mày biết tởn…
Lại “thầy Quý”. Gặp thì gặp, làm gì dữ.
3.
Linh tính của tôi không sai, tiết đầu tiên được học thầy Quý đã lập tức thấy… ưa. Không phải ưa môn Toán mà ưa cái cách thầy giao tiếp: hài hước dễ thương và rất… nhộn. Đúng như lời các anh chị nói, thầy không hề dễ tính: Cũng uốn nắn đứa này, trừng phạt đứa kia.
Vậy nhưng, cung cách uốn nắn hay trừng phạt của thầy không thấy bóng dáng giận dữ hoặc ghét bỏ mà luôn đầy bao dung. Còn nữa, thêm một chút hoạt kê giúp nhẹ bớt tính nghiêm trọng của sự việc, khiến đối tượng “chấp hành án” đôi khi cũng… bật cười theo.
À, giờ thì tôi hiểu: Vì đâu anh Năm học dốt, hay bị thầy Quý nhéo tai mà vẫn cứ thương. Điều tôi không hiểu nổi chính ở chỗ: Sao người dễ thương như thầy Quý lại đi dạy một môn cực kỳ “khó thương” như môn Toán? Nào, lớp mình bạn nào dốt Toán, “sợ” Toán giơ tay lên tôi coi? Đương nhiên tôi là đứa giơ tay đầu tiên.
Một, hai, ba, bốn, năm… Những mười em. Chà, “hội sợ Toán” lớp ta coi bộ “đông vui” dữ. (cười rần). Được, có tôi đây, từ nay các em “đừng thèm sợ” nó nữa. Thầy trò ta liên minh, xúm “oánh” cho nó biết sợ. Mình không sợ nó đương nhiên nó phải… sợ mình, các em nghe chưa?
Cười hi hi ha ha. Chưa biết thầy sẽ “oánh” môn Toán cách nào nhưng đúng… bớt sợ hơn chút ít. Thầy Quý có thói quen hay nói như đùa nhưng lũ nhỏ tin chắc đằng sau là sự thật. Riêng tôi càng tin hơn. Niềm tin vô thức đến tự nhiên kể từ lần đầu tiên tôi gặp thầy Quý - ngày còn dắt thằng Út chơi lê la trước sân trường…
4.
Cách thầy Quý dạy Toán quả là độc nhất vô nhị.
Vẫn cung cách hoạt kê cố hữu của thầy, nhưng không ai có thể tưởng tượng cung cách ấy lại đem áp dụng được vào một môn học đầy nghiêm túc như môn Toán. Lần đầu tiên tôi cười nổi trong giờ Toán. Mà không riêng tôi, cả lớp cùng cười.
Các em coi, giờ thầy trò ta túm đầu mấy ông này, đem nhét vô đây, xong kéo ông này ra, đội lên cho ổng cái mũ. Rồi đem ông này trừ ra, cho thêm ổng… Một bài toán biến đổi đa thức với hàng lô hàng lốc những chữ số khô khan vô hồn qua diễn tả của thầy Quý bỗng trở nên hồn vía, chuyển động lung linh thật… dễ thương.
Biết “hội sợ Toán” hổng kiến thức nặng, ngoài giờ học trên lớp, thầy “túm đầu hết mấy ông bà trong hội” (ngôn ngữ của thầy) bắt tới nhà thầy phụ đạo thêm. Thầy ơi, tụi em hông có tiền nộp… Thằng Thức láu cá tính lý do, lý trấu cho qua.
Thầy Quý trợn mắt: Ai kêu mấy ông bà nộp tiền? Tới tui chỉ võ cho mà “oánh” Toán. Nếu không, lên lớp bị nó “oánh” đừng có trách. Mà nè, nhà tui ổi với mận nhiều lắm, cả vườn đó nha…. Trời đất, vụ này thì không cứ gì phải “hội viên”, mấy đứa ngoài hội nghe cũng mắt sáng trưng, thèm nhỏ dãi. Lớp phụ đạo nhà thầy Quý khai giảng mười đứa đi đủ. Không phải học Toán lớp 7 mà là Toán… lớp 6, lớp 5. Có đứa tệ hơn thầy còn phải dạy lại cả toán lớp 4, lớp 3.
Vẫn kiểu dạy túm đầu ông này nhét vô chỗ kia và vân vân. Toán học đồng hành cùng ổi, mận chấm muối ớt, đồng hành cùng với những trận cười vui cứ ít “đáng ghét” dần cho tới lúc cả “hội sợ Toán” không còn đứa nào thấy “run” mỗi khi sắp bước vô giờ Toán…
Cuối năm lớp 9 tôi thi chuyển cấp môn Toán được… điểm 5, một thành tích mà trước đó ngay cả trong mơ tôi cũng không bao giờ dám ước.
5.
Xong ba năm cao đẳng Sư phạm tôi ra trường, đi làm cô giáo. Đương nhiên không phải dạy Toán mà là dạy… Văn. Lấy chồng, sinh con. Những lo toan công việc và gia đình choán hết thời gian. Cuộc đời tưởng sẽ trôi đi như khúc sông qua làng luôn chảy xuôi êm ả.
Nhưng không, ghềnh thác đang chờ phía trước. Chồng sinh bệnh gái gú, bỏ nhà đi biền biệt cả năm không tin tức. Hụt hẫng. Lần đầu tiên tôi nếm cảm giác bị phản bội, tự dưng thấy chán ghét, căm thù đàn ông.
Con Thu kêu, mày có về họp lớp không. Tao không. Vui vẻ gì mà họp với hành? Bạn bè nhắc mày miết. Thầy Quý cũng nhắc. Ủa, thầy Quý nhớ tao á? Nhớ chớ sao không? Nghe mày lận đận chồng con thầy cám cảnh lắm. Thầy nói muốn gặp mày…. Gì? Thầy Quý muốn gặp tôi? Tôi, con nhỏ môn Toán gần đứng bét lớp, chìm ngúm sau lưng đám bạn bè giỏi giang. Thầy nhắn mày lúc nào về quê gọi điện cho thầy, số máy 098xxx…
Lần lựa mãi rồi tôi cũng bấm số.
N. hả em, thầy Quý đây. Ủa, sao thầy biết số em? Thì mấy đứa nó cho, thầy lưu. Em về quê chưa? Dạ chưa, em định gọi cho thầy hỏi thăm sức khoẻ. Khi nào về em báo thầy sau. Ừ, phải vậy chớ, thầy cảm ơn em. Hôm nào em về thầy trò mình đi uống cà phê. Thầy có vài chuyện muốn hỏi thăm. Dạ…
Tôi có về quê, nhưng không liên lạc với thầy như đã hứa.
Anh Năm nghe tôi định uống cà phê cùng thầy Quý đã trợn mắt: - Mày biết ổng đang dính vụ gì không? Vụ gì, tôi lớ ngớ. Ổng trai gái lùm xùm bê bối, có đơn kiện gửi tận cơ quan. Mày giờ thân gái không chồng, ra quán ngồi coi chừng vợ ổng xé xác…
Tôi choáng váng.
Hỡi ơi, thầy Quý- người thầy mà hằng bao nhiêu năm tôi kính yêu, thần tượng- hoá ra là vậy? Chẳng lẽ đàn ông trên thế gian này đều như vậy? Cảm giác muốn sụp đổ. Nhưng từ sâu thẳm trong tôi cứ có tiếng nói vô hình vọng lên. Không, thầy Quý của tôi không phải người như vậy. Dứt khoát không phải người như vậy…
Tôi “trốn” cái hẹn cà phê với thầy, nhưng quyết tìm hiểu thực hư bằng cách năm sau về họp lớp.
6.
Mọi chuyện hoá ra chỉ là vu cáo. Cơ quan chức năng điều tra, kết luận thầy Quý bị oan. Người gieo tin dữ đương nhiên phải trả giá, nhưng thầy Quý cũng đã “lên bờ xuống ruộng” không ít. Về họp lớp thấy thầy gầy rộc đi, tiều tuỵ hơn nhiều so với ngày xưa.
Lạ một điều, tác phong của thầy vẫn cứ… tỉnh bơ, hài hước tếu táo như không có tai ương nào thầy vừa phải hứng chịu. Gặp tôi thầy mừng, gọi tôi là con gái. Chuyện trò riêng, hoá ra thầy biết hết mọi chuyện.
Thầy bảo, trước thầy muốn gặp chỉ để nói tôi nghe một câu: nhân bất phong ba vị lão tài. Thầy bảo: đời người cũng hệt đời sông. Không có dòng sông nào phẳng lặng trôi xuôi một lèo về biển lớn đâu em. Thác ghềnh buộc phải có; nhưng hãy học cách đừng sợ ghềnh thác. Mình không sợ nó tất nhiên nó phải sợ mình…
Truyện ngắn: Y Nguyên