Mùa nước nổi vùng Long Vĩnh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái
Từ Tây Ninh chỉ đi qua đất Long An láng giềng một đỗi là tới Mỹ Tho. Rồi vài chục cây số nữa tới cầu Rạch Miễu. Ở chân cầu bên kia là đã có ghe tàu đón du khách đi cồn. Bạn hỏi có gì đáng nhớ kia ư? Tôi trả lời ngay là những chiếc xuồng con luồn vào miên man sông rạch giữa xanh um dừa nước.
Để tôi đọc thêm cho bạn đôi câu thơ Tố Hữu viết từ thuở miền Nam chưa được giải phóng. Mà bây giờ cũng thấy y chang những cảnh cũ người xưa: “Xuồng ai đó bơi trong lau lách/ Áo bà ba, súng nách, tay chèo/ Hỡi đồng chí dọc ngang sông rạch/ Hãy cho hồn ta ruổi ruổi theo!...” (Có thể nào yên- 1962).
Tôi cũng muốn báo cho các bạn nào cùng tâm trạng, rằng ở Tây Ninh mình, một tỉnh miền Đông nhưng luôn mang trong lòng mình những mảnh miền Tây. Điển hình nhất là ngay trên vùng rừng căn cứ địa cách mạng trên huyện biên giới Tân Biên, cũng có những rừng tràm nước, nay thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Đang là mùa nước nổi! Hẳn là cánh rừng ấy đã hoặc đang ngập tràn hoa trắng. Ắt là có nhiều đàn ong đang ríu rít tìm về hút mật, để rồi cần mẫn làm nên thứ mật ong mang thương hiệu nổi tiếng của rừng Lò Gò - Xa Mát.
Ai không nhớ những bông tràm nước mà nhớ đến rừng lá dừa nước xạc xào chỉ thiên như gươm dựng thì nên tìm đến rạch Trảng Bàng, đi từ Bến Cầu qua phường An Hoà ra Vàm Trảng. Thế nào cũng gặp rừng dừa nước lao xao hớn hở đón chào…
Bạn bảo, thế vẫn còn xa quá!
Gần hơn ư? Thì bạn chỉ việc đến cầu Nổi Thanh Điền, cách trung tâm thành phố Tây Ninh hơn 2 cây số. Rồi theo con đường dưới chân cầu bên hữu ngạn mà đi xuôi theo con nước. Là bạn sẽ gặp ngay một quang cảnh miền Tây mùa nước lớn.
Nước đã lên ngập ngang con đường đang đi của bạn. Xe máy vẫn dễ dàng vượt qua, đưa ta vào một miền trời nước gặp nhau. Có những chiếc xuồng cập kề ngay bên bánh xe của bạn.
Ngó ngang sẽ thấy một căn nhà sàn lênh khênh giữa nước. Vài chậu cây kiểng còn chưa kịp dọn, đã ríu ran làm bạn với cụm lục bình vừa theo con nước rẽ ngang. Với tôi, cứ như một mảnh hồi quang ký ức của miền Tây sông nước hiện về ven đô thị miền Đông.
Vậy mà vẫn có những món đặc sản của miền Tây bây giờ tôi mới biết. Như trên những cánh đồng Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) hay Thanh Điền (huyện Châu Thành) ven quốc lộ 22B, đoạn qua ngã tư Mít Một.
Đó đây là những bụi cây điên điển rung rinh bông vàng như đàn bướm. Chu choa! Giá có cá linh nữa là dễ có ngay một món canh chua cá linh bông điên điển rồi đây! Và chắc là món này còn ngon hơn nữa. Bởi sẽ có thêm rau nhút mà anh nông dân vừa mới kéo về, xếp đống bên vệ đường. Và có cả những bó lục bình non, trông thấy chỉ muốn cắn ngay vào cho đỡ nhớ…
Vẫn còn nữa, mà tôi mới biết gần đây. Là bông tràm nước và bông tràm gió. Lâu nay tôi thường thấy tràm bông vàng rực rỡ ven sông hoặc dọc đường. Đã ngạc nhiên rồi, nhưng càng ngạc nhiên hơn khi thấy mùa nước nổi, đó đây có những cụm rừng tràm dầm chân trong nước, nhưng lại bung nở một thứ hoa trắng mong manh và tinh khiết quá. Từng chùm hoa buông rủ, thon dài như cái đuôi chồn nhỏ. Chùm gồm vô số bông, như được kết lại từ muôn sợi tơ trắng, lan toả vào không gian dịu mát một làn hương.
Thấy ở đâu ư? Ở vườn chim khu phố 4, phường 3, Thành phố có tới 5 công (5.000m2) cây tràm nước nở hoa. Nhưng rõ nhất và đẹp nhất là những cây tràm gió mọc bên bờ rạch Tây Ninh, ở một nơi từng có địa danh là bến Trường Đổi.
Xưa, nơi này có quán cà phê nhưng đã nghỉ bán từ lâu, nay ngoài cổng có đăng bảng cho thuê lại. Trong khuôn viên quán có những dãy tràm cao và lớn đẫy một vòng ôm. Phải ngửa mặt lên mới thấy sum suê những tán cây nở đầy bông trắng.
Nhờ vậy mà tôi mới đoán: tấm ảnh “Mùa nước nổi” in trên Góc ảnh đẹp của Báo Tây Ninh thứ bảy (23.10), chụp từ flycam là chụp những cây tràm. Giữa làn nước màu ngọc bích lăn tăn sóng, là những đám bông ngời trắng. Cứ như là mây trắng trên trời vừa sà xuống, nổi trôi trên mặt nước ngời xanh.
Nghe tôi kể chuyện quê mình, bạn chắc đã vợi đi phần nào miền Tây trong nỗi nhớ.
Nguyễn