Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Những mục tiêu cơ bản của Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 

Thứ hai - 22/11/2021 12:19
BTNO - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg năm 2021 (gọi tắt là Quyết định 1909) phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030.

Một quán cà phê sách ở Trảng Bàng (ảnh chụp năm 2017, nhân đợt giám sát của HĐND tỉnh về kinh doanh doanh dịch vụ văn hoá, giải trí).

Mục tiêu cụ thể, theo Quyết định 1909, đến năm 2030 phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hoá, gồm: Trung tâm Văn hoá hoặc Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hoá - Thể thao; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh theo các Công ước của UNESCO.

Năm 2030, bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

Bảo đảm khoảng 85% địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hoá trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hoá gia đình truyền thống, để xây dựng văn hoá gia đình hiện đại, văn minh.

Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hoá, nghệ thuật chất lượng được công bố, có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hoá, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Xây dựng chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hoá - nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930-2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phấn đấu tin học hoá 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hoá, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hoá - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hoá nghệ thuật; ngành công nghiệp văn hoá, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hoá, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP, mức tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm trung bình đạt 7%; có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc; tăng mức đầu tư cho văn hoá tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.

Quyết định 1909 nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên. Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hoá trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hoá phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.

Quyết định 1909 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 12.11.2021.

Tại Tây Ninh, tính đến năm 2020, sau 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhìn nhận, mặt bằng tổng thể hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao được quan tâm đầu tư khá toàn diện về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết chế văn hoá, thể thao cấp xã, ấp và nhà văn hoá dân tộc. Đời sống văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, các hoạt động phát triển phong phú, đa dạng; các lễ, tết truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 372 thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý 370 thiết chế, cụ thể: Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, 9 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố; 94 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 253 nhà văn hoá ấp, liên ấp và 11 nhà văn hoá dân tộc. Đoàn Thanh niên quản lý 2 thiết chế gồm Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh Tây Ninh và Nhà thiếu nhi huyện Tân Biên.

Trong tổng số 372 thiết chế văn hoá, thể thao, kết quả thực hiện đến năm 2020, toàn tỉnh hiện có 9/9 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động (đạt 100%); 48 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định tại, 11 Nhà văn hoá dân tộc.

Bằng hình thức trực tuyến, dự kiến, vào ngày 24.11.2021 sẽ diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hoá, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ; tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác văn hoá, văn nghệ; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hoá, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Đ.V.T

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp