1. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì rất khó để hình dung giữa phố phường tấp nập, nhà cửa san sát lại có một không gian rộng lớn, xanh mát bóng cây như thế. Khu vườn nằm biệt lập, xung quanh là những dãy nhà cao tầng, những con hẻm ngoằn ngoèo không điểm cuối. Tôi băn khoăn và cứ dán mắt vào cánh cổng sắt lâu ngày không mở, dây leo bám cao quá đầu người, ngọn vươn tua tủa như vòi bạch tuộc. Chị hàng xóm bảo, chủ nhân khu vườn này là đôi vợ chồng hưu trí. Họ rời phố về quê từ lúc dịch bùng phát, khi thành phố có lệnh giãn cách.
2. Tôi, gã trai quê lưu lạc xứ người. Công việc di chuyển nhiều, để tìm cho mình một nơi cố định an cư lạc nghiệp cũng khó. Trong những giấc mơ ám bụi đường là nhiều dự cảm về chốn bình yên, có ngôi nhà xinh xắn và khu vườn đầy hoa. Khu vườn là hiện diện bốn mùa, mỗi mùa sẽ một dáng vẻ, sắc màu khác nhau, giúp tâm hồn tôi thêm lãng mạn và nhiều trải nghiệm thú vị.
Tôi đi dạo trong khu vườn xuân đầy hương sắc, ong bướm rập rờn, có lối cỏ xanh. Vị mùa thơm nồng dưới màn mưa phùn giăng giăng. Tôi nằm đọc sách, hít hà hơi đất ẩm, mùi lá mục khi mùa hạ đến. Hàng cây xanh sẫm màu, muôn chiếc vàng trút xuống ào ào như những đợt mưa.
Nắng gió cứ thi nhau tràn qua cửa sổ. Tôi lặng lẽ cảm nhận sự thay đổi của khu vườn mỗi độ thu sang. Từng làn gió dịu nhẹ thoảng qua. Tôi thả lỏng tâm hồn để tận hưởng, để ấp ôm những điều nhẹ nhàng nhưng khó cưỡng mà thiên nhiên mang đến.
Tôi sẽ còn mơ tưởng nhiều hơn nếu tiếng còi xe không vang lên đột ngột cắt ngang. Tôi nép sát bờ rào, lưng khẽ chạm vào đám lá non xanh điểm mấy chùm hoa tím. Đấy là chòm đậu biếc. Sắc hoa ngời lên đẹp ngỡ ngàng khiến cặp mắt tôi lướt nhanh, đầy mê đắm. Nhiều loài hoa đang kỳ mãn khai. Hoa hồng leo vươn cao, những cánh hoa ngấp nghé ra ngoài đường qua khe hở của hàng rào sắt. Có những búi tơ hồng quấn quanh tán mù u ở cuối vườn. Mặt đất đầy những bụi cỏ dại, hoa trắng bạc, li ti.
3. Ngày phố giãn cách, con người cũng tạm thời cách ly. Từ lúc đoạn hẻm bị giăng dây ngăn lối, cảm giác có sự trầm tư và lặng lẽ bao trùm, ngay cả những hàng cây cũng ơ hờ buông rời đám lá. Tiếng ồn ào xung quanh lắng lại, cửa nhà đều khép, mọi người chào nhau qua lớp khẩu trang dày.
Tôi làm việc cạnh cửa sổ. Cái laptop là vật bất ly thân trong hoàn cảnh này. Những lúc mỏi mắt, đau lưng, tôi đứng dậy vươn vai, đếm ngày đi qua trên mấy giò hoa treo ở ban công. Tôi hay nghĩ về chủ nhân ngôi nhà có khu vườn rộng, đầy bóng mát dưới kia.
Người đàn bà đầu hẻm từng bảo với tôi rằng cuộc đời ông bà chủ khu vườn nhiều vất vả, có cơ ngơi như vậy phải đổi bằng nhiều nước mắt và mồ hôi. Điều này, khiến tôi tò mò. Tôi hỏi, từ ngày ông bà về quê, có trở lại lần nào chưa? Anh chạy grab nằm ngửa trên yên xe, lấy chiếc mũ vải ra khỏi mặt, bật dậy, góp lời.
Ông bà về luôn rồi, khu vườn bị mấy người con tranh giành, xâu xé nhưng chưa ổn thoả. Hai gã trung niên, trong tay là mấy tờ vé số cũ nhàu nhĩ, đang bàn chuyện lô đề, đưa cặp mắt thăm dò, đầy nghi hoặc.
Tôi nhíu mày, khó hiểu. Những người con cũng ở quanh thành phố này? Tôi hỏi. Họ đều là những người thành đạt, có công ty, doanh nghiệp riêng thì hà cớ gì lại đi tranh giành mảnh vườn được tạo nên bởi công sức, mồ hôi và nước mắt của cha mẹ? Nhưng đấy chỉ là dự đoán của tôi và người dân khu phố mà thôi. Nghe đâu, những người con của ông bà, người phá sản, người lao vào đề đóm, nợ nần. Chúng thường xuyên đến đây gây áp lực để cha mẹ phải bán khu vườn.
Tôi không đủ kiên nhẫn tiếp tục công việc còn dang dở bởi tiếng chim ríu rít trong một buổi sáng yên lành. Dường như mọi xô bồ của phố xá đều ngừng lại ngoài kia. Tôi lắng tai nghe. Hương ổi chín đang phả vào không gian vị quê nồng nàn.
Đây là điều mà tôi thấy lạ, giữa những tạp âm pha trộn, mùi khó chịu của cống rãnh xông lên mà tiếng chim trong trẻo, mùi ổi chín ngọt ngào vẫn quyện lắng, căng mở các giác quan của tôi khi được chạm vào. Tôi ngước mắt tìm kiếm, giữa vòm xanh của cây cối, thân ổi già đang trĩu quả vào độ chín mùi.
4. Ông bà sẽ bán ngôi nhà, một phần chia cho các con và phần còn lại gửi vào quỹ phòng, chống Covid. Thông tin này được chị hàng xóm chia sẻ. Chị được ông bà chủ nhờ giữ chìa khoá cổng. Hôm qua, người con trai cả đến thăm, trông có vẻ nhếch nhác chứ không như trong hình dung của tôi về một người thành đạt.
Anh chạy xe grab buôn chuyện, vu vơ rằng lao đầu vô đó thì chỉ có nước đi ăn mày. Cảm giác có gì đấy tiêng tiếc dâng lên trong lòng tôi. Khu vườn sau khi đổi chủ sẽ được thiết kế, cải tạo theo ý chủ nhân mới. Những tán cây già nua sẽ bị chặt bỏ. Hoặc cũng có thể, nhà hàng, khách sạn hay quán bar sẽ mọc lên thay cho khu vườn đầy bóng mát? Không gian cũ phá vỡ, mọi thứ sẽ dần thuộc về ký ức.
Tôi thật sự lẩn thẩn, nghĩ ngợi vu vơ. Và nỗi âu lo đã dắt tôi về quê nhà. Một miền quê yên bình nằm cạnh dòng sông. Cánh đồng rộng nhưng trũng thấp, mỗi năm chỉ canh tác một vụ. Có con đường lớn mới mở vắt ngang. Các dự án đổ về, quy hoạch, đất ruộng hẹp dần, khu công nghiệp, nhà cửa mọc lên. Sự chỉnh trang đô thị không đồng bộ, thiết kế hệ thống thoát nước chưa hợp lý khiến mỗi lần mưa lớn cả một vùng quê chìm trong mênh mông nước.
Cuộc sống đổi thay bao giờ cũng kéo theo những hệ luỵ tiêu cực, bên cạnh sự đầu tư có tính chiến lược, hướng đến điều tốt đẹp. Tiền đền bù đất đai một cục đã khiến người dân lâu nay chân lấm tay bùn phấn khích và nhiều toan tính hơn. Họ bắt đầu mua xe, sắm phương tiện và từ đó cũng tập tành lối sống khác.
Các quán nhậu, quán cà phê đèn mờ, karaoke mọc lên. Thanh niên trai tráng không chịu đi làm cứ thích tụ tập nhậu nhẹt, hát hò rồi tụm ba tụm bảy lô đề, cờ bạc. Có thể nói, lô đề tràn qua cái làng quê vốn yên bình này như một cơn lốc khiến cho bao gia đình lâm vào nợ nần, bỏ trốn. Thế nhưng, như một hấp lực, người dân vẫn đu bám để gỡ gạc, may ra…
Cứ xế chiều là người ta bỏ hết việc nhà để bàn tán về lô đề. Trong mái quán tạm bợ cất bên đường lộ, dưới tán cây bàng già thân xù xì hay trên đám ruộng cỏ cao hơn lúa đều có người nấp nom, len lén hỏi dò về một giấc mơ để luận đề. Làng quê bình yên vốn dĩ đã không còn, thay vào đó là sự chửi bới, đe nẹt, tiếng xe rú ga, tiếng những người đàn bà có chồng sa ngã tru tréo.
Tôi không dám nhớ thêm, chỉ lờ mờ nỗi buồn của ông bà chủ khu vườn khi phải đành đoạn bán đi để lo cho con cái. Đúng là nước mắt chảy xuôi, cha mẹ lúc nào cũng chịu phần thiệt, mà con cái thì lắm lúc vô tâm.
5. Tiếng người đầu hẻm xôn xao dần tiến gần đến khu vườn. Một nhóm người có vẻ giàu sang, đi mua đất. Chị hàng xóm te tái mở cổng. Tôi đóng máy tính rồi theo cùng. Cũng không biết việc tôi vào khu vườn để làm gì nữa, thật lạ, chỉ biết cảm giác rất bình yên, thư thái khi dạo trong bóng râm của cây cối và dưới chân là thảm lá vàng xôn xao.
Những âm thanh khẽ khàng va vào lòng tôi nhiều suy nghĩ. Khu vườn yên tĩnh và đẹp lạ lùng. Màu nắng hanh hao, cơn gió thoáng nhẹ, lao xao. Trong khi nhóm người đang chỉ trỏ, bàn bạc, tôi thì ngơ ngác, mơ màng, run rẩy trước không gian giao mùa đầy mê hoặc.
Tôi đắm đuối nhìn ngắm bởi mọi hình ảnh hiện tại đã dắt tôi về với chốn quê, ở đấy tôi từng mơ một khu vườn bình yên, mỗi ban mai ngập tràn tiếng chim và ánh nắng. Một không gian đựng đầy trong nỗi nhớ bởi hương hoa cau đằm dịu, hương nhài toả ngát trong đêm, giọt trăng nhoà trên khóm quỳnh vừa hé. Mọi ước mơ đã không thành khi cha mẹ chia đôi mảnh đất bán đi cho tôi gói ghém chút tiền mang lên phố trọ học.
Tôi ngồi trên đoạn cây to nằm vất vưởng cạnh lối đi, cảm giác nỗi buồn xâm lấn. Tôi nhớ những năm tháng sinh viên chen chúc trong căn trọ hẹp. Ra đường ngộp thở bởi xe cộ và khói bụi. Mỗi lần được về quê là thấy nhẹ lòng. Cánh đồng trải dài, đạp xe trên con đường đất, hai bên bờ đầy cỏ dại. Rồi ra sông ngụp lặn, khoả nước tắm gội bụi bặm phố phường, lòng thấy nhẹ nhàng biết bao.
6. Tôi ra phố một chiều. Xe trôi vào con đường rợp bóng cây. Những gốc cổ thụ xù xì, bạc màu thời gian, cành vươn cao, tán rộng lớn, che mát. Ở đó, người phụ nữ bán hàng rong, tiếng rao lạc lõng chìm đi, rơi vào dòng người đang hối hả giờ tan tầm.
Có mấy người rẽ vào hẻm nhỏ lặng lẽ rồi mất hút. Họ cũng như tôi, tá túc trong khu nhà trọ nào đấy. Chật chội và rẻ tiền. Nhưng điều đặc biệt, trong nhiều năm trụ ở phố phường, tôi cảm nhận được lòng người tứ xứ tụ về đây luôn rộng mở, chân thành và độ lượng.
Người bán vé số mời tôi tìm kiếm vận may. Tôi nhón nhẹ hai tờ, cho vui, vì biết rất khó trúng, dù chỉ hai con số cuối. Chú cười bí hiểm, giơ trước mặt tôi cuốn sổ ghi chép đầy những con số, xiên xẹo và chồng chéo. Thì ra chú ghi thêm lô đề. Tôi giật mình, khẽ lắc đầu rồi đi thẳng.
7. Cơn bão cuối mùa bất ngờ kéo đến. Mưa cả ngày lẫn đêm, tối tăm trời đất. Không gian lúc nào cũng xám xịt, căng đầy nước. Mưa gió gieo vào lòng tôi nỗi buồn man mác và nhiều suy nghĩ về thân phận con người ở vùng đất như cái eo thắt của đất nước này. Nước sông bắt đầu dâng cao, lũ lụt mênh mông khắp nơi.
Gọi điện về quê hỏi thăm chỉ nhận được sự trấn an của cha mẹ. Mưa liên tục không ngừng nghỉ đã trói chân, khiến tôi chỉ biết ngồi thu lu trong phòng nhìn màn mưa tuôn ào ào bên ngoài cửa sổ mà chẳng làm được việc gì.
Cây cối trong khu vườn cũng oằn rạp, nghiêng ngã, xác xơ. Nước từ các nơi theo con hẻm túa vào khu vườn. Chẳng mấy chốc khu vườn ngập đầy nước. Gió thì cứ quật liên hồi như muốn trút hết cơn thịnh nộ lâu nay dồn nén trong lòng.
Tôi mở mạng nghe tin mưa bão. Tiếng mưa át tiếng người phát thanh về tình hình lũ lụt ở các tỉnh. Thiệt hại được ghi nhận là nhiều tàu thuyền không kịp tránh bão đã bị sóng đánh chìm, nhiều nhà dân bị ngập nước, tốc mái, cũng may chưa có thiệt hại về người.
8. Tôi trở về con phố cũ, sau một tháng thực hiện dự án ở địa phương. Khu vườn đang được cải tạo, công nhân trong giờ nghỉ trưa, đứng ngồi lố nhố. Cây cối đã bị đốn hạ hầu hết, chỉ sót lại một ít ở mé vườn.
Tôi cảm giác có điều gì vỡ ra trong lòng, khó cắt nghĩa, dù chỉ đơn giản là tiếng chim hót, tiếng lá reo trên tàn cây xanh. Khu vườn có vẻ hoang tàn. Gió hanh và nắng nóng giữa khu phố bịt bùng cứ dội xuống, bỏng rát. Cành củi mục, lá khô nằm vương vãi. Mấy bông hoa nhợt sắc, tàn úa. Tịnh yên đến lạ lùng. Mùi ổi chín từ trong ký ức cồn cào khiến tôi ngơ ngác.
Tôi gặp lại chị hàng xóm khi vừa trờ xe ra khỏi con hẻm. Chị đi chợ về. Chị bảo ông bà chủ vô phước, tiền bán khu vườn con cái xâu xé, chia chác cả, đến nỗi cái tâm ý góp vào quỹ phòng, chống dịch Covid cũng không thành. Mấy người con có tiền lại lao vào cờ bạc, ăn chơi. Ông bà buồn lắm, lặng thầm sống ở ngôi nhà nhỏ dưới quê. Chị còn kể, hai gã trung niên hay chơi lô đề cũng vừa bị công an bắt vì dính vào một vụ trộm. Con phố này không còn yên bình từ khi khu vườn đổi chủ thì phải.
Tôi không biết nói thêm gì, lòng quặn đau và có chút thất vọng về những gì đã xảy đến. Tôi nặng nhọc cho xe chầm chậm dọc con đường dẫn ra ngoại ô, nơi có những khu vườn còn được giữ gìn. Lòng tôi như có lửa, cồn cào và da diết khi nhìn những vệt nắng buồn rơi nhẹ xuống đường và bóng ngày im lìm đọng lại trên những bức tường rêu.
Trần Đức Sơn