Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Huyền tích Cao Sơn tự - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 15/04/2022 23:27
BTN - Sự khác biệt của Cao Sơn tự với các ngôi chùa khác trong tỉnh là cách bài trí thờ phượng. Chùa thờ tiền Phật hậu Thần, kết hợp giữa đình và chùa, đây là loại hình thờ cúng giao hoà tín ngưỡng tôn giáo và dân gian.

Cao Sơn tự nằm tĩnh lặng giữa rừng cây trên 100 năm tuổi.

Cao Sơn tự ở Gò Chùa (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu), hay còn gọi là chùa Gò được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nằm trầm mặc trên đỉnh gò Cao Sơn, ven bờ sông Vàm Cỏ. Xung quanh là rừng cây dầu, sao cổ thụ trên 100 năm tuổi tạo nên một khoảng không gian xanh rợp bóng mát, hoà quyện tô điểm thêm vẻ nên thơ, cổ kính cho ngôi chùa.

Mặt tiền chùa nhìn ra hướng Tây Nam ở ngay khúc lượn yên tĩnh thơ mộng của con sông Vàm Cỏ. Ngày xưa, khi chưa có đường sá, thuỷ lộ sông Vàm chính là con đường duy nhất cho những người Việt từ hạ lưu con sông lên khai hoang lập ấp và lập nên ngôi chùa này. Cùng với ngôi đình cổ Phước Trạch, cảnh quan nơi đây trở thành nơi chiêm ngưỡng, du lịch của người dân trong vùng.

Sự khác biệt của Cao Sơn tự với các ngôi chùa khác trong tỉnh là cách bài trí thờ phượng. Chùa thờ tiền Phật hậu Thần, kết hợp giữa đình và chùa, đây là loại hình thờ cúng giao hoà tín ngưỡng tôn giáo và dân gian.

Kiến trúc ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ nhị, có ba gian, dài 22m, rộng 10m, cao 5,8m. Gian đầu tiên thờ Phật. Giữa bàn thờ trung tâm là tượng Phật Thích Ca, hai bên là Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt. Phía trước là tượng Phật nhập niết bàn, tượng Di Đà Tam Tôn.

Hai bên chánh điện có các tượng gỗ hình La Hán đỡ trống trông rất sinh động. Nhiều bức tranh tượng và bao lam có giá trị mỹ thuật cao. Gian giữa có hai bàn thờ đối diện. Một bàn thờ có tượng Di Đà Tam Tôn, hai bên là các bàn thờ Diêm Vương. Bàn thờ đối diện thờ Đạt Ma sư tổ.

Bàn thờ ở giữa là thờ thần Cao Sơn, có bảng tên ghi là Cao Sơn Linh Vị. Thần Cao Sơn, theo truyền thuyết dân gian là một vị quan đàng cựu vào đây khẩn hoang lập ấp, không rõ họ tên, nhân dân lập miếu rồi đưa vào chùa thờ.

Cũng có truyền thuyết cho rằng đây là một vị tướng của nhà Tây Sơn, khi Chúa Nguyễn giành lại ngôi vương và truy bắt những cận thần triều đình Quang Trung, vị tướng này ẩn náu và tu tập tại ngôi chùa hẻo lánh này. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng thần Cao Sơn là thần Tản Viên, tức Sơn Tinh, và ngôi chùa gò Cao Sơn này là nơi duy nhất của cả vùng đất Nam bộ thờ vị thần này theo tín ngưỡng miền ngoài.

Gian giữa thờ thần Cao Sơn

 

Ngày thường, Cao Sơn tự mang dáng vẻ u tịch, cổ kính và đôi chút huyền bí. Trông coi nhang khói sớm hôm là những vị sư đã lớn tuổi. Trụ trì Cao Sơn tự Thích Huệ Tánh cho biết, ngôi chùa cổ mang nhiều vết tích thời gian và đã được trùng tu nhiều lần. Vào các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười, Cao Sơn tự tổ chức cúng rằm rất trọng thể, đông đảo phật tử và khách thập phương tề tựu vọng bái, vãng cảnh chùa.

Đến Cao Sơn tự, mọi người đóng góp công đức dâng hương cúng Phật, cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc. Sau đó là thưởng thức vẻ đẹp trầm mặc của rừng sao dầu cổ thụ và hưởng bầu không khí trong lành từ những ngọn gió mát của sông Vàm Cỏ Đông thổi lên. Cảnh đẹp hữu tình, thâm nghiêm, cổ kính nơi đây khiến lòng người cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, tạm quên đi những âu lo, phiền muộn đời thường.

Chùa Cao Sơn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá lịch sử và nghệ thuật tiêu biểu của vùng đất Tây Ninh, đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh vào ngày 30.3.2004.

HOÀ KHANG

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp