Cùng nhau múa Lâm-thôn dưới mái chùa.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những hoạt động nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá của mọi người dân đều dừng lại. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc Khmer, 2 năm qua, mọi người không có dịp đến chùa vui chơi, ăn mừng năm mới. Năm 2022, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Nhà nhà, người người háo hức chuẩn bị mọi thứ đón chào năm mới Chol Chnam Thmay.
Những ngày này, chùa Botum Kiri Rangsay (chùa Khedol) luôn rộn ràng, nhộn nhịp đón chào bà con các nơi về đây ăn tết.
Ngày 16.4, khu vực ấp Thạnh Đông (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) rộn ràng hơn. Hôm nay là ngày tết cuối cùng của bà con theo Phật giáo Nam Tông Khmer. Mọi người đang chuẩn bị sắm lễ và tiền để mang vào chùa, dâng lên bái lễ Phật, sư thầy.
Vợ chồng ông Lóc Lao bên bàn thờ cúng giao thừa.
Cũng như nhiều nhà, sáng sớm, bà Thị Thương đã nấu xong mâm cơm để cúng ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó, bà sắm soạn xong một thúng lúa vừa thu hoạch được, một thúng trái cây cùng các nhu yếu phẩm mì gói, dầu ăn, bột ngọt… mang lên chùa.
Phía nhà sau, cô con gái út của bà và đứa cháu gái- con của người con lớn cũng đang sắm soạn áo váy mới, trang điểm, vấn tóc, chuẩn bị cùng nhau lên chùa. “Hai năm qua không được lên chùa ăn tết. Năm nay mới được lên. Mừng lắm. Năm mới cầu cho làm ăn được, trong gia đình làm ăn khá, cho may mắn, cho mạnh khoẻ”- bà Thị Thương chia sẻ.
Bà Thị Thương đội lễ lên chùa.
Gác lại những bộn bề, ngày tết, vợ chồng ông Lóc Lao, ngụ ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu cũng mang lễ vật đến chùa tại Khedol. Từ mấy ngày trước, căn nhà của ông Lóc Lao cũng được dọn dẹp và tẩy rửa cho sạch đẹp. Trên bàn thờ được trưng bày đầy hoa quả đẹp mắt chuẩn bị đón tết.
Giờ giao thừa, xóm nhỏ nhà ông Lóc Lao cũng vang lên tiếng kinh, nhạc rộn ràng. Những nén hương được thắp lên cầu nguyện cho một năm mới tốt đẹp hơn sau một năm bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Không khí đón tết trong nhà ông Lóc Lao vui hơn, các con cháu tập trung đầy đủ.
Khác với năm trước, tết này, dù vẫn còn khó khăn, nhưng gia đình ông Lóc Lao mua được ít bánh dân gian từ Campuchia về. Vợ chồng ông còn tự tay làm món bánh nếp với đường thốt nốt, dừa để cho có thêm không khí tết trong gia đình.
Ông Lóc Lao cười nói: “Năm nay tôi có làm ít bánh để khi có khách đến mời mọi người ăn cho vui, khách quý mới được mời”. Những món bánh này cũng được gia đình ông trang trọng đặt lên bàn thờ giờ cúng giao thừa.
Vợ chồng anh Danh Khonl tham gia lễ lấy cát.
Từ ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, vợ chồng anh Danh Khonl đến tham gia đầy đủ các nghi lễ của chùa: từ việc đi lấy cát, mang lễ vật sang chùa làm lễ, tắm Phật... Anh Danh Khonl cho biết, năm qua, trong đợt giãn cách xã hội, dịch Covid bùng mạnh, vợ chồng anh cũng bị nhiễm bệnh, phải cách ly ở khu điều trị Trường Hoàng Lê Kha hơn 20 ngày.
“Cũng may mình còn trẻ, có sức khoẻ, với ráng ăn uống nhiều nên nay khoẻ mạnh lại rồi. Chuẩn bị tết, mình mua sắm nhiều thứ. Riêng bánh tét, vợ chồng tự gói. Nhà gói gần 20 đòn bánh để cúng tổ tiên, dâng lên chùa và tặng cho bà con, anh em bạn bè người dân tộc Kinh chung vui với cái tết của bà con Khmer”- anh Danh Khonl chia sẻ.
Chùa là trung tâm hoạt động văn hoá xã hội, là tâm điểm gắn bó cộng đồng và là nơi thực hiện các lễ nghi tôn giáo, là nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của đồng bào Khmer. Mọi hoạt động mừng năm mới đều diễn ra bên khuôn viên chùa.
Bên cạnh chính điện chùa Khedol, bà con đang tụ tập chuyện trò, chơi đùa. Những bột phấn, bột màu được mọi người tung lên tóc, vẽ lên mặt kèm lời chúc năm mới may mắn, hạnh phúc. Những gương mặt lấm màu rạng rỡ niềm vui. Khi những khúc nhạc trổi lên, hoạt động nô đùa dừng lại. Những chàng trai, cô gái trong trang phục đặc trưng của đồng bào Khmer hoà mình cùng vũ điệu Lâm-thôn.
Cùng đọ sức qua trò chơi nhảy bao bố.
Sôi động và đầy hào hứng là khu vực trò chơi dân gian. Mọi người cùng chia đội tham gia trò chơi kéo co, nhảy bao bố. Phần quà tặng dành cho bên chiến thắng đơn giản là những hộp bánh ngọt. Trong tiếng cổ vũ, hò reo của mọi người, các chàng trai, cô gái Khmer cùng thể hiện sức mạnh, sự bền bỉ và nhanh nhẹn.
Vừa bước ra khỏi trò chơi kéo co, người nhễ nhại mồ hôi, bạn trẻ Thị Nguyễn Trung Hiếu cho biết, năm mới được tham gia trò chơi, gặp gỡ anh em, bạn bè như thế này là điều mong mỏi của tất cả mọi người. Hiếu cho biết, ba em là người dân tộc Kinh, mẹ dân tộc Khmer.
Mỗi năm đón 2 cái tết khác nhau với những nét văn hoá đặc sắc, Hiếu tự thấy mình là người may mắn. Hiếu cười tươi, nói: “Dù là tết của người Khmer hay tết nguyên đán thì mọi cái tết đều mang đến một không khí đầm ấm, mang đến những điều mới mẻ và luôn đong đầy cảm xúc. Chúc mọi người năm mới bình an”.
Những bộ áo váy mới sặc sỡ trong ngày Tết Chol Chnam Thmay.
Năm nay, Tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong tiết trời mát mẻ của những cơn mưa đầu mùa. Đây cũng là dịp mọi người tiễn mùa nắng hạn bước sang thời kỳ có mưa để bước vào vụ mùa mới. Một năm mới lại đến với những dự định, kỳ vọng mới.
Ngọc Diêu - Vi Xuân