Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tìm kiếm giải pháp thực thi bản quyền trong văn hoá nghệ thuật - Báo Tây Ninh Online

Thứ hai - 11/04/2022 23:16
BTN - Làm thế nào để bảo đảm bản quyền tác giả trong âm nhạc và nhiếp ảnh là chủ đề của hội thảo do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức sáng 7.4, thu hút đông đảo hội viên, khách mời các đơn vị liên quan tham dự.

Các diễn giả đồng chủ trì hội thảo.

Thói quen “xài chùa” vẫn còn

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Đặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) tỉnh cho rằng, đối với văn nghệ sĩ, việc sáng tạo ra một tác phẩm có chất lượng phải qua một quá trình trải nghiệm cuộc sống. Chính vì thế, việc thực thi trách nhiệm về bản quyền đối với tác giả là ứng xử văn minh, thể hiện sự tôn trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, những năm gần đây vẫn còn một số bất cập trong thực thi và bảo hộ quyền tác giả, không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc mà còn ở các lĩnh vực khác, trong đó có nhiếp ảnh.

Theo luật sư - nhạc sĩ Lê Quang Vy (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)- Phó trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, việc xây dựng quy phạm pháp luật về quyền tác giả nhằm bảo hộ quyền lợi chính đáng của tác giả, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, khuyến khích sự sáng tạo của các tác giả.

Bên cạnh đó, tạo hành lang pháp lý cân bằng lợi ích của tác giả, người truyền bá và công chúng, thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện trật tự xã hội trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, tạo điều kiện cho việc phổ biến tác phẩm hay, làm cho sản phẩm tinh thần phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn. “Ngoài ra, về phương diện quốc tế, khi tham gia các công ước quốc tế về quyền tác giả sẽ góp phần thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác văn hoá giữa các quốc gia”- ông Vy cho biết thêm.

Nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh chia sẻ, trước năm 1975, Tây Ninh là vùng “đất trắng” tác giả sáng tác ca khúc tân nhạc, nếu có chỉ mang tính không chuyên. Đến nay, với gần 40 tác giả, cho thấy Tây Ninh đã có bước tiến về lực lượng sáng tác ca khúc tân nhạc. Hiện Tây Ninh có 7 tác giả được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh cũng cho rằng, từ lâu, tâm lý chung của các tác giả tỉnh lẻ- trong đó có Tây Ninh là bài mình sáng tác được các đơn vị “dùng cho các ca sĩ hát là vui rồi”, không cần gì cả, cho đến nay vẫn vậy. Có nhiều đơn vị trước giờ chưa chú trọng lắm về quyền tác giả bởi họ chỉ làm với nhiệm vụ phục vụ chính trị địa phương, không kinh doanh.

Vô tư xâm phạm bản quyền nhiếp ảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Thạch Vân- Uỷ viên Ban Thường vụ Hội NSNA Việt Nam, phụ trách Văn phòng phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, cần cấp thiết bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh. Thực trạng cho thấy, chưa bao giờ việc vi phạm tác quyền của nhiếp ảnh lại khiến cho nhiều nghệ sĩ làm nghề bức xúc như hiện nay.

Ông Vân lo lắng, trên thực tế, việc ăn cắp bản quyền nhiếp ảnh ngày càng tinh vi. Không ít trang cá nhân trên mạng xã hội, các đơn vị truyền thông, các đơn vị biểu diễn ca múa nhạc, sân khấu… đã lấy ảnh qua Google, Facebook cá nhân của nghệ sĩ nhiếp ảnh để sử dụng mà không xin phép tác giả.

Chẳng hạn, Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh cho biết, mới đây, hàng trăm bức ảnh chụp về các loại chim hoang dã của các nhiếp ảnh gia đã bị sao chép để in sách “Chim Việt Nam” với 200 cuốn, giá bán 1,2 triệu đồng/cuốn, trong khi nghệ sĩ nhiếp ảnh không được trả nhuận bút đồng nào; hoặc “Tuyển tập cảnh đẹp Việt Nam” với hơn 300 bức ảnh về văn hoá, địa lý, con người của 54 dân tộc anh em đã bị ăn cắp công khai, hàng loạt trang web kinh doanh du lịch, các trang mạng cá nhân có tính chất thương mại đã sử dụng ảnh nghệ thuật phong cảnh, cắt ghép, chèn chữ, lồng hình chân dung chủ nhân cơ sở kinh doanh như chính sáng tác của họ.

Trước những phản ứng của các nghệ sĩ nhiếp ảnh và tổ chức Hội, một số nhà xuất bản đã ra quyết định thu hồi vài đầu sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều bản đã được bán ra thị trường chưa thể thu hồi; và cứ thế người sử dụng lại vô tư sao chép…

Để có thể được phong tước hiệu của FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế) hay các hội nhiếp ảnh Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Singapore… tác phẩm nhiếp ảnh của các nghệ sĩ không được sử dụng với mục đích quảng cáo. Nhưng nhiều nghệ sĩ đã ngậm đắng vì tác phẩm bị xâm phạm khi chưa kịp đăng ký.

NSNA Đỗ Thành Nhân- Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh (Hội VH-NT tỉnh) cũng đồng quan điểm và than thở, “đạo ảnh” ngày nay bằng cách lấy ảnh và ghi tên tác giả khác, hoặc không ghi đúng tên tác giả, không ghi nguồn, mà ghi chung chung, như: ST (sưu tầm)…

Hoặc có trường hợp tẩy, xoá, cắt, ghép, sử dụng kỹ thuật photoshop làm sai lệch nội dung ảnh. Đây cũng là trường hợp phổ biến hiện nay với sự phát triển của ảnh kỹ thuật số và sự hỗ trợ vô cùng đắc lực của phần mềm xử lý ảnh photoshop.

Nhiều tác giả gửi ảnh dự thi các cuộc thi ảnh bị lấy sử dụng vào mục đích khác (in sách, áp phích, tờ rơi, quảng cáo...) mà không xin phép. Thậm chí có nơi chỉ trả tiền nhuận ảnh một lần nhưng lại sử dụng nhiều lần.

Nhạc sĩ Lê Quang Vy chia sẻ những vướng mắc trong thực thi bản quyền tác giả.

Giải pháp để bảo đảm bản quyền tác phẩm

Bà Đặng Thị Phượng thông tin, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, việc thực thi tác quyền trong tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn được các cơ quan, đơn vị thực hiện khá nghiêm túc. Điển hình, các cơ quan, đơn vị khi sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh, âm nhạc… đều có liên hệ tác giả, Hội VH-NT tỉnh trước khi đăng tải, trả nhuận bút, nhuận ảnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề thực thi tác quyền còn nhiều khó khăn. Một số tác giả nhiếp ảnh phản ánh tác phẩm bị vi phạm bản quyền do có đơn vị sử dụng không xin phép hoặc trao đổi với tác giả, có thể do đơn vị sử dụng không nắm rõ quy định của pháp luật về bản quyền tác giả, không biết mình sai; hay cơ quan chức năng không thanh tra, kiểm tra, xử phạt và một nguyên nhân nữa từ chính tác giả, phải tự bảo vệ tác phẩm của mình thông qua đăng ký bản quyền tác phẩm. Có như thế, khi xảy ra vi phạm, tranh chấp mới có căn cứ xử lý.

Theo bà Phượng, Hội VH-NT tỉnh thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các tác giả thực hiện hồ sơ đăng ký bản quyền tác phẩm cho văn nghệ sĩ không chỉ có âm nhạc, nhiếp ảnh mà cả mỹ thuật, văn học, sân khấu. Có như thế, các quy định mới dần đi vào đời sống, tạo động lực để đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo và động viên, khích lệ hội viên sáng tác.

Một giải pháp được lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đề ra là mở thêm chuyên mục trên website của Hội về bản quyền tác giả, mời một vài chuyên gia tham gia cung cấp, phổ biến kiến thức lĩnh vực này.

Đồng thời, vận động hội viên bộ môn âm nhạc đăng ký với Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả, chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh; hội viên bộ môn Nhiếp ảnh đăng ký hợp đồng giao ước và cung cấp tác phẩm nhiếp ảnh lên Ngân hàng ảnh Việt Nam để được khẳng định chủ sở hữu tác phẩm, công bố tác phẩm và bảo vệ bản quyền tác giả thông qua Công ty TNHH Ảnh Việt tại TP. Hồ Chí Minh.

NSNA Hoàng Thạch Vân khẳng định, luật pháp về bản quyền, sở hữu trí tuệ đã có, thậm chí mức xử phạt vi phạm không nhẹ nhưng chưa có vụ vi phạm nào được xử lý đến nơi đến chốn. Cả nước vẫn chưa có tổ chức đại diện tập thể nào đứng ra bảo vệ tác quyền tác phẩm nhiếp ảnh.

“Theo tôi, đã đến lúc các tổ chức Hội chuyên ngành nhiếp ảnh từ Trung ương xuống địa phương phải lên tiếng và kèm theo các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tác quyền, tác phẩm nhiếp ảnh của hội viên mình và các nhiếp ảnh gia trên phạm vi cả nước”- ông Vân quả quyết.

Đức An - Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp