Tháng 6/2012, Liên Hợp quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, 193 nước thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng cam kết hưởng ứng bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Ảnh minh họa: Socialvalueint.org
Ở Việt Nam, ngày 26 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2589/QĐ -TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, gia đình về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc, từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam.
Ngày Quốc tế hạnh phúc năm 2022 có chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ” nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn truyền thống của gia đình Việt Nam; triển khai các hành động cụ thể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa phát huy truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam, hướng tới vì hạnh phúc và thịnh vượng chung của toàn xã hội; xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
Hạnh phúc ở quanh ta, từ những điều đơn giản nhất. Ảnh: internet
Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, từng thời kỳ phát triển của đất nước, việc xây dựng gia đình hạnh phúc luôn được đặt lên hàng đầu, là yếu tố nền tảng để xây dựng xã hội phồn vinh, đất nước mạnh giàu.
Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều gia đình đã động viên con em lên đường ra trận, dù biết sẽ chịu mất mát hy sinh, bởi họ biết gia đình chỉ hạnh phúc khi đất nước được tự do, độc lập. Thời kỳ bao cấp thiếu thốn đủ bề, nhiều gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” “giật gấu vá vai” nhưng tình yêu thương của ông bà cha mẹ, của anh chị em luôn là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn, giúp cho thế hệ trẻ lớn lên trong hạnh phúc, biết trân trọng nâng niu những kỷ niệm đẹp đẽ thời khốn khó.
Hiện nay, đất nước hòa bình, kinh tế phát triển, nhiều gia đình giàu có, no đủ, xã hội văn minh, tiến bộ. Tình yêu thương của gia đình và của cộng đồng tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để làm cho các “tế bào” của xã hội lành mạnh, góp phần xây dựng xã hội văn minh, đất nước hạnh phúc.
Mỗi một gia đình mẫu mực thực hiện nếp sống văn minh, hài hòa lợi ích gia đình và lợi ích cộng đồng sẽ tạo ra các giá trị văn hóa bền vững. Mỗi một gia đình đạt chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” sẽ góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc, văn minh, đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Mỗi một gia đình biết sẻ chia với cộng đồng những mất mát, khó khăn thì sẽ tạo ra một xã hội nhân văn và tiến bộ.
Hàng vạn y, bác sỹ, chiến sỹ công an, quân đội cùng đội ngũ cán bộ các cấp…đã phải hy sinh hạnh phúc riêng để chiến đấu trên tuyến đầu nhằm mang lại sức khỏe, bình yên cho Nhân dân.
Trải qua hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, biết bao gia đình phải ly tán, thậm chí mất mát đau thương. Hàng vạn y, bác sỹ, chiến sỹ công an, quân đội cùng đội ngũ cán bộ các cấp… đã phải hy sinh hạnh phúc riêng để chiến đấu trên tuyến đầu nhằm mang lại sức khỏe, bình yên cho Nhân dân.
Chưa bao giờ hai chữ “bình yên” lại có giá trị lớn lao như thế với mỗi gia đình. Được bình yên, được mạnh khỏe trong ngôi nhà mình, với các thành viên còn khỏe mạnh là hạnh phúc. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự đồng lòng quyết tâm của toàn dân, dịch bệnh đang từng bước được đẩy lùi, nhà nhà, người người đã được hưởng hạnh phúc. Đó là giá trị vô cùng to lớn.
Ảnh minh họa từ internet
Hạnh phúc trong cuộc sống của mỗi con người, ngoài sự nỗ lực riêng của bản thân người đó và sự chia sẻ, giúp đỡ của các thành viên trong gia đình thì cần phải được sống trong một đất nước bình yên, một xã hội văn minh và một môi trường an lành.
Sẽ chẳng còn tiếng cười trẻ thơ, lời tỏ tình của lứa đôi, những cánh đồng bội thu, những trang vở tươi rói điểm 10 và những mái nhà bình yên… khi chiến tranh bom đạn diễn ra. Chính vì lẽ đó, hạnh phúc cá nhân không thể tách rời với hạnh phúc của đất nước, của cộng đồng xã hội. Chính vì lẽ đó, những thế hệ cha anh đã lên đường ra trận bảo vệ tổ quốc, quê hương và gia đình, bảo vệ hạnh phúc cho hàng triệu người, nhận về mình bao mất mát hy sinh. Chính vì lẽ đó, yêu thương và chia sẻ không chỉ gói gọn sau cánh cửa gia đình mà còn phải hướng tới xã hội, rộng hơn là quan tâm đến một thế giới an lành, hạnh phúc, không nghèo đói, chiến tranh, bom đạn, không dịch bệnh…
Ngày Quốc tế Hạnh phúc chỉ là một trong hàng ngàn ngày của cuộc đời con người. Mỗi một người, một gia đình Việt Nam và thế giới cần phải đấu tranh, nỗ lực không ngừng nghỉ để xã hội tươi đẹp, gia đình hạnh phúc bền vững, thế giới an lành mãi mãi, đúng như câu nói của Các Mác: “Hạnh phúc là đấu tranh!”
Liên Hợp quốc đã chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc, công nhận ngày này như một sự kiện để thúc đẩy các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Đích đến cuối cùng của mọi mục tiêu phát triển được Liên Hợp quốc nêu rõ là hạnh phúc và an sinh của người dân. Vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Liên Hợp quốc sẽ đưa ra báo cáo chỉ số hạnh phúc toàn cầu, xếp hạng những nỗ lực của các nước trên thế giới vì mục tiêu này.
Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên do Liên Hợp quốc tài trợ được công bố năm nay, Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 83 lên 79, vị trí cao hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, trên nước láng giềng Trung Quốc (thứ 84) hay các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia (81), Myanmar (126).
Những nước đứng đầu bảng xếp hạng chủ yếu tập trung tại khu vực châu Âu với Đan Mạch đứng thứ 2, sau đó là Thụy Điển, Iceland và Hà Lan. New Zealand rớt một bậc, xuống vị trí thứ 9 và cũng là quốc gia duy nhất ngoài châu Âu đứng trong Top 10.
Các nước khác được thăng hạng gồm Đức (từ thứ 17 lên 13) và Pháp (tăng hai bậc lên thứ 21). Trong khi đó, Anh giảm từ thứ 13 xuống 17 và Mỹ giảm một bậc xuống thứ 19. Các nước châu Phi như Lesotho, Botswana, Rwanda và Zimbabwe nằm cuối bảng xếp hạng; Aghanistan được đánh giá là nước kém hạnh phúc nhất thế giới trong năm nay.
Nguồn Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam