ĐBQH Trần Hữu Hậu-Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng ngày 30.10
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu khá rõ ràng, chi tiết, rộng và sâu; phần tổ chức thực hiện ghi rõ: “Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trước tháng 12.2021”.
Sau khi Chính phủ có chương trình hành động, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng các chương trình hành động của mình. Kết quả cơ cấu lại của các ngành, địa phương dưới vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị: “Tôi tha thiết mong các địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc như trước đây, không đưa vào Kế hoạch và Chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.
Tôi đề nghị một cách tiếp cận, đó là tập trung xác định những “nút thắt” của nền kinh tế, của ngành, địa phương mình, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để “khơi thông”, tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển.
Nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải toả được những “nút thắt” thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc mà không giải toả được một số điểm nghẽn... Cơ cấu lại nền kinh tế, ở một khía cạnh nào đó phải giải quyết được những mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển”.
Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh và khách mời dự phiên thảo trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Trần Hữu Hậu nêu một ví dụ điển hình về những “nút thắt” của ngành Điện trong nhiều năm qua chưa giải quyết được. Cụ thể như nhiều dự án phát triển năng lượng điện từ gió, mặt trời đã được đầu tư nhưng khi đưa vào hoạt động lại phải cắt giảm công suất, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội; điện thì dư nhưng việc giảm giá hết sức khó khăn và phi thị trường ở chỗ càng dùng nhiều giá lại càng tăng; 9 đến 11 giờ là khung giờ vàng cho sản xuất, là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm, doanh nghiệp phải trả tiền điện với mức giá cao.
Đại biểu cho rằng, nếu trong 5 năm tới, ngành Điện xác định được những “nút thắt” của mình, cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng các chủ thể của các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia… ngành Điện sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn; người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ, hợp quy luật hơn; ngành Điện sẽ góp phần xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.
Trong phiên làm việc buổi sáng 30.10, ĐBQH thảo luận, tranh luận và kiến nghị nhiều nội dung về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cụ thể như kiến nghị Chính phủ cần đánh giá thực chất, dự báo tình hình phát triển kinh tế đất nước trong thời gian “hậu Covid-19”; quan tâm đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đến kinh tế tập thể; quan tâm phát triển công nghiệp văn hoá...
Phương Thuý