ĐBQH và khách mời dự phiên thảo luận trực tuyến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia chiều 30.10
Các đại biểu cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất quốc gia là cơ sở để xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội nói chung, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương; đưa đất đai trở thành một nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với bảo vệ môi trường.
ĐBQH đề nghị sau khi Quốc hội thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cũng cần đưa ra thời hạn để Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố giúp các địa phương có cơ sở thực hiện.
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được coi là giải pháp trung tâm, quyết định trong triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Chuyển đổi số sẽ giúp việc kiểm tra, giám sát, lập, phê duyệt quy hoạch đất cho giai đoạn sau nhanh hơn, công khai, minh bạch hơn.
Đại biểu đề nghị quan tâm quỹ đất dành cho giáo dục, thiết chế văn hoá - thể thao, có lộ trình di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm các đô thị lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; có cơ chế để nhân dân giám sát việc sử dụng đất, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong quy hoạch, sử dụng đất.
Liên quan đến quy hoạch đất vùng trung du miền núi, ĐBQH đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét bố trí tái định cư cho người dân đang sinh sống trong vùng lõi rừng phòng hộ, đặc dụng; nâng mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trồng cây dược liệu dưới tán rừng để người dân miền núi có thêm công ăn việc làm; sớm có quy định cụ thể để xử lý tình trạng người dân tự ý móc, ủi, san lấp đất rừng để cải tạo mặt bằng xây dựng nhà ở, sản xuất, tránh phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Về chỉ tiêu đất lúa, có đại biểu cho rằng nên cân nhắc việc cho phép chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang đất phục vụ công nghiệp.
Phương Thuý