Toàn cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, sáng 4/10/2021. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, sau Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 đã tổng kết Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Trung ương đã nhất trí ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Phạm vi của Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII so với Hội nghị Trung ương 4, khóa XII rộng hơn, bao quát hơn, không chỉ đề cập đến Đảng mà đề cập đến cả hệ thống chính trị. Đây là điểm mới đầu tiên. Đồng thời nhận diện suy thoái rộng hơn, nhấn mạnh đến vấn đề tiêu cực trong Đảng, trước hết là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Và Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp), trong đó có bổ sung giải pháp thứ hai là về xây dựng đội ngũ cán bộ và nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội nghị này, Trung ương tổng kết, đánh giá và ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đánh giá: “Đây là một hệ chỉnh thể, khi có Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII thì ban hành luôn Quy định số 37-QĐ/TW, là hệ thống các văn bản của Đảng nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nêu rõ, Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47-QĐ/TW năm 2011 nhưng có 5 điểm mới đáng chú ý.
Điểm mới đầu tiên là việc chuyển một số nội dung của 2 điều trong Quy định 47-QĐ/TW vào nội dung của các điều khác và từ đó thêm 2 điều mới.
Điểm mới thứ hai là bổ sung thêm 2 điều mới, đó là Điều 3 và Điều 13.
Điều 3 quy định đảng viên không được: “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi;”tư duy nhiệm kỳ“, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, đây là sự bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu để phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Đại hội XIII của Đảng vừa rồi tiếp tục nhấn mạnh điều này. Nên việc bổ sung là hoàn toàn chính xác trong bối cảnh hiện nay và có giá trị lâu dài.
Tại Điều 13, đảng viên không được: “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông phân tích, thực hiện các nghị quyết đại hội gần đây và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong những năm qua, đã xuất hiện những cá nhân có hành động tác động đến tổ chức, cá nhân không đúng để giảm các hình phạt. Với tinh thần của các đại hội gần đây, nhất là Đại hội XIII là kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nên việc Đảng quy định đảng viên không được làm những việc này là điểm mới, rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Điểm mới thứ ba, trong Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung vào một số điều so với Quy định 47-QĐ/TW, ví dụ như bổ sung vào Điều 9 là không được: “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.
Lâu nay, trong Đảng nhức nhối về những hiện tượng tiêu cực như thế. Có những người sử dụng văn bằng không đúng, chứng chỉ không đúng, chứng nhận giả, không hợp pháp; có cá nhân chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, do đó việc bổ sung vào Điều 9 nội dung này rất phù hợp với bối cảnh hiện nay và cũng để ngăn ngừa những hiện tượng này mặc dù chưa nhiều, để giữ vững được phẩm chất của người đảng viên cộng sản - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nêu rõ.
Ông Nguyễn Viết Thông phân tích: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ theo 6 dám “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, Bộ Chính trị khóa XIII mới ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là kết luận rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đi đôi với khuyến khích, đồng thời phải có bảo vệ.
Kết luận số 14-KL/TW rất có giá trị, phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với nghị quyết mới của Trung ương, những quy định mới của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư. Và Quy định số 37-QĐ/TW đã bổ sung vào Điều 11 là cấm đảng viên “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Việc bổ sung này là rất cần thiết.
Quy định số 37/QĐ/TW cũng bổ sung quy định một số hành vi mà đảng viên không được làm, như là không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; không có hành vi chạy chức, chạy quyền... hay thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội.
Ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh, đây là những nội dung cấm, đã bám sát vào tinh thần nghị quyết các đại hội gần đây, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, các quy định của Bộ Chính trị. Những bổ sung này có tác dụng rất lớn, nếu như chúng ta thực hiện nghiêm.
Thứ tư, trong Quy định số 37-QĐ/TW đã thay đổi thứ tự một số điều so với Quy định 47-QĐ/TW. Điều 1 quy định không được “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”.
Điều 2 “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”.
Và Điều 3 là quy định mới. Ở đây có sự thay đổi thứ tự cho phù hợp, không theo thứ tự như Quy định 47-QĐ/TW; đồng thời được sắp xếp lại từ việc cấm những điều ảnh hưởng đến sinh mệnh của toàn Đảng, đất nước trước, sau đó đi vào những điều cụ thể.
Điểm mới thứ năm là về hình thức văn bản và lối diễn đạt. Hình thức văn bản trong Quy định số 47-QĐ/TW, mục thứ nhất về những điều đảng viên không được làm không ghi rõ các điều. Nhưng Quy định số 37-QĐ/TW, Mục I: Những điều đảng viên không được làm, đã quy định rất rõ các điều từ Điều 1 đến Điều 19; đồng thời có sự biên tập lại một số điều cho chặt chẽ hơn.
Như tại Điều 1 của Quy định số 47-QĐ/TW nói đảng viên không được nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng... Còn trong Quy định số 37-QĐ/TW không chỉ cấm đảng viên không được nói và làm trái, mà đảng viên không được viết trái (nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đánh giá, sau 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội XII, nhất là Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị và căn cứ vào dự báo những năm tới đây, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW rất đúng lúc, trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn TTXVN