Phiên thảo luận chiều 17/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 25, chiều 17/8 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng đoàn giám sát cho biết, các đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan yêu cầu báo cáo theo đề cương gồm Chính phủ và 11 bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố không tổ chức đoàn giám sát về chuyên đề này, nhưng có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện tại địa phương và kết quả giám sát, gửi báo cáo về Đoàn giám sát.
Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ thực hiện giám sát trực tiếp tại 8 bộ, gồm Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
12 địa phương, gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ được giám sát về phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.
“Đoàn giám sát có thể điều chỉnh kế hoạch giám sát và yêu cầu các đối tượng chịu sự giám sát, các cơ quan có liên quan báo cáo bổ sung nội dung ngoài đề cương để giám sát, làm rõ các nội dung thuộc phạm vi chuyên đề giám sát”, ông Mẫn cho biết.
Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đoàn giám sát nên nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp để thấy rõ vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản là pháp lý, quy hoạch, kế hoạch hay vốn, cung - cầu. Bởi nếu không sẽ bơi trong một rừng số liệu, trong khi thời gian thì có hạn.
Ông Huệ nêu ví dụ, vấn đề nhà ở hiện nay vướng mắc nhất là có hay không có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tại sao dự thảo luật lại muốn đưa những quy định về vấn đề này, mặc dù chúng ta thấy là không cần thiết phải quy định thời hạn sở hữu vẫn xử lý được vấn đề nhà chung cư, ông Huệ phân tịch.
Ngoài ra, ông Huệ lưu ý, vấn đề sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội như thế nào hiện nay ý kiến cũng còn rất khác nhau, một số nơi thì làm theo từng dự án, có nơi thì không muốn làm nhà ở xã hội theo từng dự án mà làm theo quy hoạch tập trung.
Cũng liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Quốc hội nói, có đề xuất cho rằng nên xác định làm nhà ở xã hội là cho thuê trả dần, hoặc mua trả góp thì sẽ tránh được việc chuyển nhượng, mua đi bán lại. Còn nếu vẫn mua đứt bán đoạn thì đây là phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, chứ không phải nhà ở xã hội. Hiện, ranh giới này không rõ nên thực tế xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách.
Kế hoạch, đề cương giám sát bất chuyên đề này phải xác định rõ trọng tâm, những vấn đề then chốt của thị trường nhà ở, gắn với đất đai cần giải quyết. Mục tiêu của chúng ta không phải là phải có sở hữu nhà, mà giải quyết có nơi ở và chỗ ở, ông Huệ lưu ý.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định băn khoăn, Nghị quyết số 95 ngày 22/6/2023 về thành lập Đoàn giám sát có quy định đối tượng giám sát gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ. Nhưng kế hoạch của đoàn giám sát lại chỉ nêu 8 bộ, ngành, tức không giám sát trực tiếp tại một số bộ, cơ quan ngang bộ khác, mà chưa giải thích rõ ràng.
“Tôi không nói là phải làm hết nhưng vì sao không có thì phải giải thích, vì hiện nhiều bộ có khi cũng làm nhà ở xã hội, nên cần giải thích cho rõ chỗ này”, ông Định đặt vấn đề.
Mặt khác, theo ông Định, đối tượng giám sát lần này không có HĐND "là không ổn" do họ là nơi thông qua kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, các dự án, vốn đầu tư…
Giải trình sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiêm Phó trưởng đoàn giám sát nói, trong quá trình phối hợp với Ủy ban Pháp luật thì thấy rằng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội thì kinh nghiệm giám sát cũng từ báo cáo của UBND. “Chúng tôi sẽ sẽ bổ sung thêm báo cáo của HĐND nữa, để càng nhìn nhiều góc độ thì càng phát hiện ra nhiều vấn đề”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, báo cáo về một số nội dung không thuộc phạm vi giám sát. Chẳng hạn, nhóm chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, có những nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia thì nên đưa ra, không lồng ghép vào chính sách về nhà ở xã hội.
Theo tiến độ dự kiến, trong tháng 10 và tháng 11/2024, Đoàn giám sát trình Quốc hội báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề này tại kỳ họp thứ 8.
Mục tiêu của cuộc giám sát là đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Nguồn baodautu