Sau khi các cơ quan chức năng liên tục khuyến cáo và phối hợp với Campuchia để ngăn chặn mối nguy hại về "việc nhẹ lương cao" thì các đối tượng lừa đảo chuyển địa bàn hoạt động. Ngoài Philippines, một số đối tượng tiếp tục dụ dỗ, lừa đảo người lao động (NLĐ) sang Lào.
Bị đe dọa, ngược đãi
Tháng 6 vừa qua, 6 nạn nhân của bẫy "việc nhẹ lương cao" tại Lào đã được giải cứu thành công (4 người quê Hà Tĩnh, 1 người quê ở Đắk Lắk và 1 người ở Thái Nguyên).
Các nạn nhân cho biết họ lên mạng tìm kiếm việc làm và được các đối tượng giới thiệu sang Lào làm công việc nhẹ như gọi điện thoại tư vấn cho khách hàng với mức lương rất hấp dẫn. Các đối tượng tạo lòng tin cho nạn nhân không phải đóng phí, được chi trả chi phí sang Lào nhận việc.
Tuy nhiên, khi sang đến nơi thì họ bị ép buộc làm một công việc khác hoàn toàn với hứa hẹn. Hằng ngày, các nạn nhân bị yêu cầu gọi điện để lừa đảo, nếu không làm đủ chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, hoặc bán lại cho công ty khác. Nếu không làm theo yêu cầu của bọn chúng, NLĐ bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập, ép buộc gọi điện thoại về cho gia đình gửi 500 triệu đồng để chuộc.
Trong số 6 nạn nhân có hai anh em Hoàng Bá Đức A. (22 tuổi) và Hoàng Bá Quốc A. (19 tuổi, quê Hà Tĩnh). Dù đã về đến nhà, nhưng những gì xảy ra trên đất Lào khiến hai anh em vẫn còn kinh hoàng. Quốc A. cho biết họ tư vấn công việc chỉ chăm sóc khách hàng trên máy tính, lương 15-18 triệu đồng/tháng. Đọc các bình luận dưới bài tuyển dụng thì thấy nhiều người cũng nói về công việc này, làm không mệt mà lương cũng khá cao, hơn đi làm công nhân ở quê.
Nhưng khi sang tới nơi, hai anh em bị ép làm việc 12 giờ/ngày trong một tòa nhà khép kín, bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt. Sau đó, hai anh em và một số lao động người Việt khác bị khống chế, ngược đãi tại một casino của người nước ngoài làm chủ đặt tại khu kinh tế Bokeo (Lào). Hơn một tháng bị giam lỏng ở đây, Quốc A. cùng các nạn nhân khác bị "ăn đòn" nhiều hơn ăn cơm.
"Họ dùng dùi cui điện, gậy sắt đánh chúng tôi. Chúng dọa nếu không gửi tiền chuộc sang thì sẽ bán qua Myanmar. Trong lúc gọi điện thoại về nhà thì chúng đánh đập tàn bạo để chúng tôi la hét, gây hoang mang cho người nhà nhằm nhanh gửi tiền chuộc" - Quốc A. kể lại.
Trước khi ra nước ngoài làm việc, người lao động cần tìm hiểu kỹ, chọn công ty có pháp nhân rõ ràng và đáng tin cậy.
Nên thông qua các kênh chính thức
Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đưa ra khuyến cáo về hiện tượng lừa đảo đưa người sang làm việc bất hợp pháp tại Lào. Theo khuyến cáo, thời gian gần đây, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào nhận được nhiều đơn cầu cứu, đề nghị giúp đỡ của công dân Việt Nam bị dụ dỗ sang làm việc, tập trung tại đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, thuộc tỉnh Bokeo (Bắc Lào).
Theo đơn trình báo, thông qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hoặc bạn bè, người quen, họ được hứa hẹn sang Lào làm những công việc nhẹ nhàng, điều kiện làm việc thuận lợi và thu nhập cao, kể cả việc hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí môi giới việc làm… Tuy nhiên, sau khi đến nơi làm việc, NLĐ bị buộc ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu (thực chất là những hợp đồng ghi nợ), phải tham gia vào những hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, mại dâm hoặc các hoạt động giải trí nhạy cảm khác…
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết đây là hình thức tinh vi mới của tội phạm mua bán người và cưỡng bức lao động. Nạn nhân của tội phạm này thường bị bóc lột đến kiệt sức lực và rất khó khăn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cảnh báo người dân cần cảnh giác trước những lời mời, dụ dỗ sang Lào làm "việc nhẹ lương cao". Khi có nhu cầu ra nước ngoài làm việc, NLĐ nên thông qua các kênh chính thức, các doanh nghiệp được cấp phép uy tín trong việc đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua các nước giáp biên giới với Việt Nam làm "việc nhẹ lương cao"... của các đối tượng không rõ lai lịch trên mạng xã hội. Khi phát hiện thông tin, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Bạc Liêu khuyến cáo người dân tránh bị lừa đảo
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, gần đây, một số đối tượng có thân nhân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thu gom lao động đưa đi làm việc tại những nơi này. Do vậy, sở đề nghị người dân không tin những lời hứa của các đối tượng trên mạng xã hội, hoặc đi theo đường du lịch, người thân giới thiệu qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) làm việc không cần tay nghề, lương tháng trên 50 triệu đồng. Trước tình trạng có nhiều người sập bẫy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết địa phương có chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ), quy định rất rõ ràng đối tượng được ưu tiên, được ngân hàng cho vay chi phí… Chỉ duy nhất Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có liên kết với các doanh nghiệp XKLĐ, không có bất cứ tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện đưa NLĐ đi ngoài nước. NLĐ hết sức chú ý để tránh bị lừa.
Theo kế hoạch, năm 2023, Bạc Liêu sẽ đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài được phân bổ đều cho các huyện, thị trong tỉnh. NLĐ thuộc đối tượng ưu tiên không phải bỏ trước chi phí, mà được tỉnh hỗ trợ 13 triệu đồng/người làm giấy tờ, đào tạo ban đầu. Ngoài ra, đối tượng này còn được cho vay 100% chi phí XKLĐ theo hợp đồng với các công ty.
V.Du
Nguồn NLDO