Trụ sở TAND tỉnh Tây Ninh.
Trong năm 2021, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tây Ninh đã thụ lý gần 11.000 vụ việc; giải quyết gần 9.000 vụ việc; đạt tỷ lệ gần 80%, so cùng kỳ thụ lý giảm gần 3.200 vụ việc; Trong đó, Tòa án tỉnh thụ lý 1.166 vụ việc, giải quyết 803 vụ việc, đạt tỷ lệ gần 69%. Tòa án cấp huyện thụ lý hơn 9.800 vụ việc, giải quyết gần 8.000 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 81%, so cùng kỳ thụ lý giảm 4.851 vụ việc.
Về công tác giải quyết án hình sự. Tổng số án đã thụ lý hơn1.500 vụ, hơn 3.700 bị cáo, đã giải quyết hơn 1.450 vụ, hơn 3.500 bị cáo, đạt trên 96%. Số án xét xử lưu động 44 vụ, chủ yếu đưa ra xét xử các vụ về ma túy theo yêu cầu của chính quyền địa phương cũng như trong tháng cao điểm về phòng chống ma túy theo văn bản của Tòa án nhân dân tối cao.
Trong năm 2021, Tòa án hai cấp đã giải quyết, xét xử sơ thẩm 123 bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội, chiếm tỷ lệ 4,5 % số bị cáo đã xét xử sơ thẩm.
Bên cạnh đó, trả hồ sơ để yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung 31 vụ. Viện kiểm sát chấp nhận điều tra bổ sung 19 vụ, không chấp nhận 7 vụ.
Mặc dù số vụ án thụ lý giảm, nhưng số bị cáo tăng nhiều, chứng tỏ các vụ án có tính quy mô, phức tạp hơn, có số lượng người tham gia đông, tập trung chủ yếu các tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” 227 vụ/257 bị cáo; tội “Mua bán trái phép chất ma túy” 139 vụ/213 bị cáo; tội “Trộm cắp tài sản” 138 vụ/196 bị cáo; tội “Đánh bạc” 169 vụ/985 bị cáo; tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” 99 vụ/247 bị cáo.
Các bị cáo là người chưa thành niên ngày càng tăng, nổi lên trong năm là các thanh niên tập trung thành băng nhóm, chuẩn bị hung khí thách thức đánh, chém nhau như xã hội đen, xảy ra tại địa bàn thị xã Hòa Thành, huyện Tân Châu, huyện Tân Biên.
Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng pháp luật, không có án oan, sai và bỏ lọt tội phạm; các nguyên tắc trong tố tụng hình sự, nhất là nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Khi xem xét cho bị cáo hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt tù đều được Hội đồng xét xử cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và bảo đảm áp dụng đúng quy định và hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15.5.2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Đối với vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn. Các vụ án được xét xử trong hạn luật định, đặc biệt trong tháng 9.2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm và nỗ lực, Tòa án nhân dân hai cấp đã đưa ra xét xử 383 vụ án/1005 bị cáo, trong đó đã đưa ra xét xử 7 vụ/22 bị cáo có liên quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cán bộ TAND tỉnh tiếp công dân
Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật tố tụng. Việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung đa số có căn cứ, đúng pháp luật. Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết: Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án có tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng giải quyết; khắc phục cơ bản việc để các vụ án quá luật định; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do có lỗi của Tòa án là 0,36%, thấp hơn giới hạn cho phép. Tỷ lệ hòa giải thành cao (có 3.526/5.246 vụ án được hoà giải thành, đạt 67,2%) trên tổng số án dân sự nói chung.
Công tác xét xử các vụ việc dân sự và các vụ án hành chính đúng pháp luật, đúng thời hạn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Công tác xét xử các vụ án hình sự đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan cho người không có tội. Các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được quan tâm, chỉ đạo thực hiện đúng theo Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Tổ chức hàng trăm phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của các Tòa án tiếp tục được kiện toàn; thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn các văn bản pháp luật mới và các chuyên đề giải đáp về những vướng mắc trong thực tiễn xét xử.
Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2022 là: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26, ngày 6.11.2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; các Nghị quyết, Chỉ thị về công tác tư pháp, cải cách tư pháp.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, hoàn thành chỉ tiêu của Tòa án nhân dân tối cao về công tác giải quyết, xét xử các loại án. Xét xử kịp thời, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm.
Không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải, đối thoại; thực hiện có hiệu quả luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Không để án quá thời hạn chuẩn bị xét xử; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự.
Tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời rút kinh nghiệm những sai sót trong quá trình giải quyết các loại vụ việc. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng, cơ quan hữu quan trong quá trình giải quyết án. Bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid- 19.
Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động và thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, đặc biệt là việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân.
Dân Hùng