Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia giải cứu nông sản cho nông dân trong mùa dịch Covid-19.
Trước tình hình đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ kép theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần ổn định cuộc sống của nông dân.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, người dân đổ xô đi mua sắm hàng hoá, thực phẩm tích trữ, khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá đột biến, một số mặt hàng nông sản khan hiếm cục bộ.
Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ, người dân chỉ ở nhà tránh dịch, nhu cầu mua sắm không nhiều, các nhà máy, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thêm váo đó, một số chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, công tác vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn do còn nhiều vướng mắc trong việc khai báo y tế ra vào vùng dịch khiến việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động không ít đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh.
Điển hình tại huyện Dương Minh Châu, vùng tâm dịch của tỉnh, tính đến ngày 30.7 tổng sản lượng nông sản đến vụ thu hoạch đang tồn đọng trên địa bàn huyện khoảng 6 đến hơn 10 tấn. Trong đó, bắp trái tồn từ 3 đến 5 tấn với giá bán rất rẻ, chỉ từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/kg; rau củ quả các loại trên 3 tấn với nhiều loại như: măng, đậu đũa, khổ qua, đậu bắp, bầu, dưa leo, nắm rơm, cà pháo…
Các cán bộ sở tập trung công tác giải cứu nông sản mùa dịch.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan (Y tế, GTVT, Công Thương và Bộ Nông nghiệp..) và UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản và đảm bảo đủ lương thực cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh thực hiện việc cấp mã nhận diện luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển nông sản; giảm thủ tục kiểm dịch y tế tại các chốt chặn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân dưới nhiều hình thức nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc 5K.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện thường xuyên cập nhật thông tin những nông sản tồn đọng, không tiêu thụ được trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ.
Tính đến nay, số lượng rau, củ, quả ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ được khoảng 210 tấn (chưa kể số lượng do các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ tiêu thụ), trong đó có khoảng 8 tấn nông sản rau ăn lá, rau ăn quả (dền, mồng, tơi, cải, bầu, bí, khổ qua, đậu bắp , dưa leo..) măng, bắp, bí đỏ… và 200 tấn khoai môn trên địa bàn Thị xã Hòa Thành.
Các mặt hàng nông sản được đóng gói và bán cho người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty vận chuyển nông sản thông qua việc cấp giấy giới thiệu để việc vận chuyển nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Sở Công thương, Tỉnh đoàn, Bưu điện tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ; các tổ chức thiện nguyện để kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ nông sản cho huyện Dương Minh Châu. Đoàn thanh niên thực hiện hỗ trợ đưa nông sản đến tay người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua hình thức bán hàng trực tuyến trên website, zalo, facbook…
Mặc dù vậy, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số loại nông sản chưa tiêu thụ được chủ yếu là mãng cầu và nhãn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kết hợp với Bưu điện tỉnh đề nghị Tổng cục Bưu điện hỗ trợ đưa 2 loại trái cây này tiêu thụ ở các tỉnh, thành khác trên cả nước.
Đối với các sản phẩm từ động vật, tính đến ngày 31.7, trên bàn tỉnh đang tồn trên tồn đọng 1.008.722 con gà công nghiệp, trọng lượng: 2.422.345 kg đã đến lứa xuất bán nhưng không bán được khiến giá bán giảm mạnh. Từ thực tế đó sở đã có văn bản đến Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các khu, cụm công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp, các siêu thị, hệ thống phân phối nông sản trên địa bản tỉnh…đề nghị các đơn vị này hỗ trợ tiêu thụ.
Minh Dương