Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Người dân và nhà nước cùng hỗ trợ, chia sẻ khó khăn 

Thứ ba - 03/08/2021 08:09
BTNO - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có Tây Ninh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Do đó, việc lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn, kéo theo việc tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh “khó càng thêm khó”.

Người dân thu hoạch nhãn ủng hộ khu cách ly, phong tỏa.

Người dân cùng nghĩ cách tìm đầu ra

Thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu thu hoạch nhiều loại trái cây. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc vận chuyển hàng hoá không thuận lợi, giá trái cây giảm sâu, trong khi thương lái ngoài tỉnh không còn đến các địa phương trong tỉnh để thu mua, người trồng cây ăn trái gặp khó vì đầu ra bị ách tắc. 

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung, người trồng không hoàn toàn “ỷ lại” vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tìm giải pháp, tự nghĩ cách tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, góp phần chung tay với nhà nước trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Nhiều năm gắn bó với cây ăn trái nhưng chưa khi nào ông Nguyễn Thành Nhất, ngụ ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành gặp tình trạng trái cây bán không ai mua, giá rớt xuống đáy như hiện nay. 

“Gia đình tôi có gần 1 ha nhãn da bò đang chờ thu hoạch. Giá nhãn hiện tại chỉ còn 3.000 đồng/kg, thương lái lại không thu mua. Trước tình hình khó khăn chung, tôi không thể chờ “giải cứu”, nên nhờ người thân trong gia đình rao bán nhãn trên mạng xã hội như zalo, facebook… với mong muốn gom được đồng nào hay đồng đó” - ông Nhất nói.

Bà Trương Thị Mỹ, ngụ cùng ấp cho biết: “Gia đình tôi còn gần 2 tấn nhãn chín, nhưng không ai mua, mỗi ngày tôi hái hơn 200 kg đem ra chợ bán với giá 5.000 đồng/ kg. Thời điểm khó khăn này, nông dân phải cùng nhau chia sẻ, và hơn ai hết chính mình phải tìm đầu ra cho sản phẩm mình làm ra”.

Cũng trồng nhãn tiêu da bò, bà Nguyễn Thị Phượng Anh, ngụ ấp Thuận An, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết: “Tôi trồng nhãn mười mấy năm nay nhưng chưa năm nào giá nhãn “bèo” như hiện nay. Thường giá nhãn xuống thấp nhất cũng còn được 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Giờ tôi bán chỉ còn 2.000 đồng/kg, trong khi công thu hoạch 300.000 đồng/người/ngày (bao gồm ăn uống). Với 1 tấn nhãn, cần 5 công thu hoạch trong một ngày, cộng thêm chi phí đi lại nữa là sẽ lỗ. Do đó, tôi không bán nữa mà báo cho hội nông dân xã tự thu hoạch để ủng hộ cho các khu cách ly, khu phong tỏa hoặc người dân có nhu cầu”.

Nông dân thu hoạch mãng cầu.

Hiện toàn xã Truông Mít còn khoảng 600 tấn nhãn đã và đang vào vụ thu hoạch, nhưng theo đa số nhà vườn, không có thương lái đến thu mua, giá cũng xuống thấp do tác động của dịch bệnh.

Bà Đặng Thị Nồng, ngụ ấp Thuận An, xã Truông Mít nói: “Tôi có hơn 1 ha trồng nhãn tiêu da bò, hiện nay sản lượng còn khoảng 20 tấn nhưng không bán được. So với giá đầu vụ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, hiện nay chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhưng cũng không tìm được đầu ra. Giờ nhãn chín đỏ vườn, rụng đầy gốc rồi nên chắc vụ này tôi mất trắng”.

Trên thực tế, không chỉ riêng nhãn mà nhiều cây ăn trái khác như ổi, mãng cầu, bưởi da xanh… cũng cùng “chung số phận”. Để tránh mất trắng, nhiều nông dân đã bán cả vườn với giá rẻ hơn đến 70% - 80% so với trước dịch. Đơn cử như bà Trần Kim Sơn, ngụ ấp Tân Định 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Gia đình bà có 4 ha trồng mãng cầu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, bà đã bán “mão” cả vườn với giá 4.000 đồng/kg. Trong khi trước đó, nếu không có dịch bệnh, giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

“Chưa bao giờ giá mãng cầu xuống thấp như vụ này, nhưng dịch bệnh tất cả đều bị ảnh hưởng chứ không riêng gì bản thân mình nên tôi bán rẻ, vớt vát được đồng nào thì được còn hơn là mất trắng hết” - bà Sơn cho biết.

Cùng cảnh ngộ như trên, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Tây Ninh cũng có một mùa mãng cầu thất thu do khâu tiêu thụ bị ách tắc. Ông Huỳnh Biển Chiêu, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh cho biết, ông đang trồng và liên kết người dân trồng 18 ha vùng nguyên liệu mãng cầu cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và hệ thống lớn như Co.opMart, Bách Hoá Xanh…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung nên toàn bộ thị trường đều bị ngưng thu mua, chỉ riêng hệ thống siêu thị Co.opMart vẫn đặt hàng, nhưng với số lượng “nhỏ giọt” khoảng 90 -120kg/ngày, với giá 50.000 đồng/kg. Dù chi phí vận chuyển số lượng mãng cầu hơn 1,2 triệu đồng/lượt, ông vẫn phải chấp nhận để giữ uy tín và thương hiệu mãng cầu Tây Ninh với đơn vị thu mua. Hiện tại vùng nguyên liệu mãng cầu chín hơn 30 tấn trái, nhưng đây là tình hình chung nên ông đành chấp nhận cùng nông dân chịu lỗ.

Các cấp Hội Nông dân chung tay

Theo Hội nông dân thị xã Hoà Thành, trên địa bàn có hơn 15 tấn nhãn tiêu da bò, 5 tấn nhãn xuồng và 200 tấn khoai môn chờ được thu hoạch. Giá cả hầu hết đều giảm sâu, gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân. Trước tình hình đó, Hội nông dân thị xã tổ chức thống kê về tình trạng dư thừa trái cây của các nhà vườn để có giải pháp hỗ trợ, tìm hướng tiêu thụ giúp người dân. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá.

Theo số liệu thống kê của ngành chuyên môn, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu còn khoảng 700 tấn nhãn gồm nhãn xuồng và nhãn da bò. Một số diện tích đã được thu mua nhưng nhỏ lẻ, giá thấp. Một số loại trái cây khác như mãng cầu, ổi, bưởi da xanh cũng còn đến hàng chục tấn.

Người dân hái nhãn để mang ra chợ bán.

Theo Hội nông dân tỉnh, với tinh thần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề nghị Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố vận động cán bộ, hội viên mua ủng hộ và hỗ trợ tiêu thụ 331 tấn bắp nếp, giá 6.000 đồng/kg; 68 tấn mãng cầu, giá 17.000 đồng/kg; 39 tấn nhãn da bò, giá 15.000 đồng/kg; 6 tấn nhãn xuồng, giá 30.000 đồng/kg; 11 tấn thanh long, giá 11.000 đồng.

Với tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch , Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh rất mong các Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố triển khai rộng rãi trong cán bộ, hội viên, nông dân đăng ký mua các sản phẩm trên để chia sẻ khó khăn với người nông dân.

Thiết nghĩ ngành chức năng cần gấp rút có phương án cụ thể, hữu hiệu, giúp nhà vườn tiêu thụ lượng trái cây tồn 9o5ng, đặc biệt là nhãn và mãng cầu nhằm phần nào bảo đảm thu nhập cho nhà vườn.

Nhi Trần - Vũ Nguyệt

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp