Một con bò bị bệnh viêm da nổi cục.
Đến ngày 16.7, Chi cục tiếp tục nhận được thông tin tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Tám (ngụ ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) đang nuôi 3 con bò cái, 3 con bê con. Trong đó, 1 con bò cái có biểu hiện nổi những nốt sần, đường kính khoảng 1-3 cm hai bên hông. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành lấy mẫu trên bò nghi ngờ bị bệnh gửi đến cơ quan Chi cục Thú y Vùng VI.
Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò. Như vậy, đây là những ca bệnh Viêm da nổi cục đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 29.7, trên địa bàn tình ghi nhận 4 trường hợp bò mắc bệnh Viêm da nổi cục tại hai xã Ninh Điền, huyện Châu Thành và xã Tân Phong, huyện Tân Biên.
Sau khi phát hiện các ổ bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng bao vây tại các khu vực có trâu, bò bệnh và các khu vực có nguy cơ cao. Thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), hướng dẫn thực hiện liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; đồng thời tổng vệ sinh tiêu độc sử dụng vôi bột, hóa chất đặc hiệu (Hantox, Deltox, ...) tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng) tại khu vực chuồng nuôi, toàn bộ vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bệnh.
Nhiều trường hợp bò bị nhiễm bệnh tại xã Ninh Điền và Long Vĩnh.
Đồng thời, tổ chức khoanh vùng dịch và giám sát thường xuyên, cho người dân cam kết không vận chuyển trâu, bò ra vào vùng dịch. Tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển và kiểm soát giết mổ trâu, bò trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thành Thúc – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không gây bệnh trên người.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh, thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày, với các triệu chứng bệnh như: sốt cao (có thể trên 41oC), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.
Những con bò bị nhiễm bệnh Viêm da nổi cục.
Trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh, không loại trừ có khả năng dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều địa phương khác thuộc huyện Châu Thành và các huyện, thị xã, thành phố khác, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức tiêm phòng 14.200 liều Vacxin Viêm da nổi cục. để bảo đảm công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao; Chi cục đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn chưa được tiêm phòng để đăng ký thêm vắc-xin và tổ chức tiêm phòng triệt để. Ước tính, Tây Ninh cần thêm 29.000 liều Vacxin để tiêm cho tổng đàn trâu, bò trong tỉnh.
Minh Dương