Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Sau dịch, giá gas tăng kỷ lục, giá heo hơi giảm sâu 

Thứ năm - 28/10/2021 07:25
BTN - Thời gian qua, ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 làm cho thu nhập của người dân giảm mạnh. Trong khi đó, gas và một số loại thực phẩm lại đồng loạt tăng giá khiến người lao động gặp khó khăn.

Người tiêu dùng mua thịt heo tại chợ phường 3, TP. Tây Ninh.

Gas tăng giá mạnh

Chỉ trong vài tháng, giá gas liên tiếp tăng mạnh, ở mức gần 500.000 đồng/bình 12kg, khiến không ít người lo ngại, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.

Theo Sở Công Thương, tháng 6.2021 giá gas tăng 14.000 đồng/bình 12kg. Tháng 7, giá gas tiếp tục tăng 30.000 đồng/bình 12kg và đến tháng 8 tăng 12.000 đồng/bình 12kg, nâng tổng mức tăng giá gas trong ba tháng liên tiếp lên 56.000 đồng/bình 12kg. Đến ngày 1.10, gas tăng giá kỷ lục, lên đến 42.000 đồng/bình 12kg, khiến mỗi bình gas có giá từ 460.000 đồng đến trên 500.000 đồng/bình.

Chị Nguyễn Thị Hồng Anh (ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) cho biết, trước đây, khoảng 5-6 tháng gia đình mới đổi gas. Thời gian này, chị thất nghiệp, 2 con học online tại nhà, 3 tháng đã phải đổi gas.

“Tôi thất nghiệp ở nhà, thu nhập của vợ chồng giảm đi 2/3, trong khi đó, chi phí điện, nước, gas, rồi tiền ăn của gia đình lại tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn”- chị Hồng Anh chia sẻ.

Theo chủ một cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn thị xã Hoà Thành, giá gas nhập khẩu tăng cao dẫn đến gas trong nước tăng giá theo, các đơn vị kinh doanh gas phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ. Việc tăng giá gas lần này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng, bởi người dân ngày càng hạn chế sử dụng gas.

Giá gas liên tục tăng nên nhiều hàng quán kinh doanh thức ăn chế biến sẵn như bún riêu, phở, hủ tiếu… cũng tăng. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang- chủ một tiệm phở, hủ tiếu tại khu vực xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành) cho biết: “Trung bình 1 tháng quán sử dụng 3-4 bình gas.

Giờ giá gas lên cao, nguyên liệu nấu nướng cũng tăng, mỗi tháng tôi phải trả bù 30% - 40%. Do đó, nếu quán bán với giá cũ sẽ lỗ vốn, nên bắt buộc tăng giá. Việc tăng giá bán làm lượng khách đến quán ăn giảm dần, khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn”.

Bên cạnh nỗi lo giá gas sẽ còn “nhảy vọt” trong thời gian tới, người dân còn e ngại tình trạng sang chiết gas lậu, gas giả... Do đó, nhiều người mong muốn bên cạnh việc có giải pháp kiềm chế giá gas trong thời điểm khó khăn này, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng gas, xử lý nghiêm các trường hợp chiết nạp gas lậu, vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Rau củ quả cũng tăng giá

Theo khảo sát, giá các mặt hàng rau củ quả ở các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đều tăng từ 5%-10%. Bà Chế Thị Xua, tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả tại chợ phường 3 (TP. Tây Ninh) cho biết, bà trở lại công việc mua bán hơn 1 tuần sau thời gian giãn cách xã hội. Thời điểm hiên tại, các mặt hàng rau củ quả đã tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg tuỳ loại, đặc biệt là rau thơm các loại tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Các mặt hàng rau củ quả được tiểu thương đặt hàng ở Đà Lạt và trong tỉnh. Tuy nhiên, số lượng rau củ quả trong tỉnh không đủ cung cấp do nhà nông chưa mạnh dạn tái sản xuất. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều, rau củ quả dễ hư hỏng, năng suất thu hoạch thấp dẫn đến nguồn cung không đủ cho thị trường.

Cụ thể, bí đao 15.000 đồng/kg, dưa leo 25.000 đồng/kg, mướp hương 15.000 đồng/kg, bắp cải 18.000 - 20.000 đồng/kg, cải thảo 20.000 đồng/kg, cà nâu 15.000 đồng/kg, khổ qua 20.000 đồng/kg, đậu que 30.000 đồng/kg, đậu bắp 18.000 đồng/kg, cà chua 25.000 đồng/kg, cải xanh 20.000 đồng/kg, rau thơm các loại 50.000 đồng/kg…

Người tiêu dùng mua rau, củ, quả tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh.

Heo hơi liên tục giảm giá

Trong khi các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả hay gas tiêu dùng tăng vọt, thì giá heo hơi trên địa bàn tỉnh lại sụt giảm nghiêm trọng. Hiện giá heo hơi chỉ còn từ 32.000 - 34.000 đồng/kg so với đầu năm và đang ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.

Từ ngày 24.9, giá heo hơi loại 1 đạt từ 49.000 - 51.000 đồng/kg; heo hơi loại 2, loại 3 tại nhiều nơi chỉ ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg. Theo hộ chăn nuôi heo, với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi cầm chắc thua lỗ.

Ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ thị trấn huyện Dương Minh Châu) cho biết: “Tháng 9 trở lại đây, giá heo hơi liên tục giảm. Gia đình tôi đang chăn nuôi hơn 100 con heo, với giá thịt heo như hiện tại thì gia đình tôi lỗ nặng. Gần đây chi phí thức ăn chăn nuôi lại tăng cao, cho nên mỗi con heo xuất chuồng gia đình lỗ hơn 1 triệu đồng”.

Theo ông Tiến, hơn 10 ngày trở lại đây, giá heo hơi bắt đầu giảm mạnh, phần lớn là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến mất cân đối cung, cầu. Heo của địa phương chủ yếu xuất đi ngoại tỉnh và tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh; người dân ở các tỉnh, thành khác thì tìm cách đưa heo về Tây Ninh tiêu thụ nên đầu ra gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến giá cả.

Trước tình hình giá heo hơi giảm sâu, một số mặt hàng thịt heo tại các siêu thị Co.opMart, Bách Hoá Xanh và chợ truyền thống được điều chỉnh giảm ở mức tương đối. Cụ thể, tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh, từ ngày 24.10 các mặt hàng thịt heo được điều chỉnh giảm như sau: sườn cốt lết từ 136.000 đồng giảm còn 123.000 đồng/kg, thịt đùi từ 134.000 đồng giảm còn 121.500 đồng/kg, thịt ba rọi từ 163.000 đồng giảm còn 155.000 đồng/kg; nạc đùi từ 151.000 đồng giảm còn 144.500 đồng/kg, thịt vai từ 131.000 đồng giảm còn 118.700 đồng/kg… mức giá giảm được áp dụng đến ngày 31.10.2021.

Hiện nay, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các địa phương trên địa bàn tỉnh nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, nhiều chợ truyền thống, dịch vụ ăn uống… đã mở cửa hoạt động nhưng sức tiêu thụ thịt heo vẫn khá chậm.

Bên cạnh nguyên nhân nhiều địa phương còn hạn chế tổ chức đám tiệc và hoạt động tụ tập đông người, còn do người tiêu dùng tăng cường sử dụng các loại cá, thịt khác có giá rẻ hơn.

Nhi Trần

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp