Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản trong trạng thái “bình thường mới” 

Thứ sáu - 29/10/2021 03:25
BTN - Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến nay, Tây Ninh cơ bản khống chế được dịch bệnh và đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi.

Đoàn viên thanh niên Thành đoàn thành phố Tây Ninh hỗ trợ nông dân tiêu thụ cam xoàn. Ảnh: Thành đoàn Tây Ninh

Thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, làm đứt gãy và thay đổi chuỗi cung ứng hàng hoá. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến nay, Tây Ninh cơ bản khống chế được dịch bệnh và đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi.

Thích ứng an toàn trong trạng thái “bình thường mới”

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND tỉnh đã công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.

Ông N.V.H, nông dân tại ấp Phước Thành, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cho biết, gia đình ông có gần 1,5 ha lúa tại ấp Gò Ngãi, cách nhà gần 1km, trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, việc đi lại chăm sóc ruộng lúa của ông cũng như nhiều hộ khác gặp khó khăn. Để thuận tiện cho việc thăm đồng, chăm sóc lúa, ông H làm đơn nhờ địa phương xác nhận có canh tác lúa mới được qua chốt kiểm soát. Đến nay, cuộc sống của người nông dân đang dần đi vào ổn định, các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra bình thường như trước khi không có dịch.

Còn theo một nông dân tại ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, vấn đề đáng lo nhất của người nông dân là giá các loại vật tư nông nghiệp tăng quá cao, một số mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng nhiều so với trước đây. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất chưa phục hồi hoàn toàn, nhu cầu tiêu thụ nông sản phục vụ chế biến và thực phẩm chưa nhiều. Chính vì vậy, việc tiêu thụ nông sản còn rất hạn chế, giá cả các mặt hàng nông sản có tăng so với thời điểm giãn cách xã hội nhưng nông dân sản xuất vẫn chưa có lợi nhuận như trước đây.

Nông dân tập trung bón phân, chăm sóc vườn bưởi. Ảnh minh hoạ

Liên kết chuỗi sản xuất, nông dân bớt nỗi lo

Thời gian gần đây, tình hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn không chỉ ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn do dịch bệnh trên vật nuôi bùng phát, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khiến người nuôi đối diện nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, với mô hình đầu tư trang trại lạnh quy mô lớn có ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định, ông Nguyễn Quang Tốt, chủ trang trại heo Nguyễn Thuý Oanh ở ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu vẫn an tâm tái đàn.

Năm 2019, ông Nguyễn Quang Tốt đầu tư xây dựng trang trại công nghệ khép kín và ký hợp đồng nuôi gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri; con giống, thức ăn, các loại thuốc thú y được công ty cung cấp và tiêu thụ heo hơi, ông chỉ lo khâu chăm sóc, lợi nhuận sẽ được chia cho người chăn nuôi theo tỷ lệ thoả thuận.

Theo ông Tốt, trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi bị chậm trễ; nhưng sau đó đã được địa phương tháo gỡ nên không ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi và tiêu thụ heo ở trang trại của ông.

Ông Nguyễn Văn Là- Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Hưng Farm (ấp 3, xã Suối Dây, huyện Tân Châu) cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua khiến cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của Tây Ninh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ngưng trệ, ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ mối liên kết trong sản xuất mà Công ty TNHH Nguyên Hưng Farm vẫn bảo đảm các hoạt động, không thua lỗ.

Theo ông Là, thông thường, gà khoảng 45 ngày tuổi là đủ trọng lượng xuất bán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, gà của Công ty TNHH Nguyên Hưng Farm phải nuôi lên đến 60 ngày tuổi mới xuất bán và thị trường tiêu thụ là các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đợt vừa qua, công ty không tồn đọng gà thịt như nhiều trang trại chăn nuôi khác.

Từng bước khôi phục sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19

Ông Trần Tấn Sung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông (huyện Tân Châu) cho biết, so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn xã đang từng bước đi vào ổn định, nhất là khi địa phương thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”. Ngoài ra, xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong các hoạt động sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản.

Theo ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với đơn vị liên quan và các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, nắm tình hình nông sản đến vụ thu hoạch mà gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ trên địa bàn. Trong thời gian từ ngày 16.7 đến 15.9, huyện hỗ trợ tiêu thụ được 611,7 tấn nông sản các loại đến kỳ thu hoạch.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 22.10.2021, đã có 661 con bò của 453 hộ trên địa bàn 11 xã, thị trấn của huyện mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, có 163 con bị chết và tiêu huỷ, 439 con được điều trị khỏi bệnh. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình dịch viêm da nổi cục có chiều hướng giảm dần.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra bình thường sau khi UBND tỉnh công bố các cấp độ dịch và triển khai Nghị quyết 128/NQ-  .

Ảnh minh hoạ: Nông dân chăm sóc rau màu

Hiện nay, UBND huyện triển khai kế hoạch khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, trong đó, chú trọng duy trì các chuỗi cung ứng nông - lâm - thuỷ sản, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, thị trường, tiêu thụ; bảo đảm cung cấp đủ thực phẩm an toàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy, cơ sở chế biến nông - lâm - thuỷ sản hoạt động, vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.

Người dân được đi lại tự do nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra thuận lợi hơn. Hệ thống chợ đầu mối và chợ địa phương hoạt động trở lại thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản dễ dàng, một số mặt hàng nông sản tăng giá trở lại, như mãng cầu, mít, chuối già Nam Mỹ (chuẩn bị xuất khẩu trở lại thị trường Trung Quốc)...

Tình tình tiêu thụ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ chăn nuôi cũng trở lại bình thường như thời điểm trước giãn cách. Riêng giá heo hơi đang ở mức thấp, hơn 50.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao, với mức giá này, người chăn nuôi không có lãi.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp- nhất là thời gian giãn cách xã hội, đã ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản của tỉnh, giá cả biến động, bất lợi cho người dân. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, việc thông thương hàng hoá đã dễ dàng hơn. Tuy nhiên, số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động sản xuất. Đồng thời, thường xuyên theo dõi và tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh trên cây trồng, vệ sinh, tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm.

Minh Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp