BTNO - Trong thời điểm này, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Tây Ninh.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong tháng 7, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn, giảm lãi vay cho 183 khách hàng dư nợ gốc 107 tỷ đồng và 52 tỷ đồng tiền lãi, trong đó có 5 doanh nghiệp dư nợ gốc 77 tỷ đồng và 52 tỷ đồng tiền lãi.
Trong tháng 7, các tổ chức tín dụng cho 579 khách hàng vay mới, dư nợ 2.786 tỷ đồng, trong đó có 51 doanh nghiệp dư nợ 2.106 tỷ đồng; tổng số dư nợ của khách hàng không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 1.048 tỷ đồng với 144 khách hàng, trong đó có 4 doanh nghiệp với tổng số dư nợ là 1.005 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 127.026 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu là 473,5 tỷ đồng; lũy kế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 129.143 khách hàng với tổng dư nợ gốc được cơ cấu là 518,8 tỷ đồng.
Sản xuất gạch không nung tại một công ty trên địa bàn thị xã Hòa Thành.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, trong thời điểm khó khăn này, ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng hành và phát triển bền vững. Đồng thời, với mục tiêu kép vừa cung ứng vốn phát triển kinh tế, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn phải triệt để phòng, chống dịch bệnh để góp sức cùng khách hàng vượt qua khó khăn.
Nhi Trần