Trứng gà là một trong những mặt hàng được bình ổn giá (ảnh minh hoạ).
Chương trình bình ổn thị trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, được triển khai theo hướng tăng cường xã hội hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết cùng nhau để tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô và đảm bảo phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xử rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Chương trình sẽ kết nối doanh nghiệp với ngân hàng thương mại để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp tại các tỉnh, thành phố để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và mở rộng thị trường.
Chương trình còn kết nối các hợp tác xã với các đơn vị phân phối, các khách hàng có nhu cầu nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và cung ứng hàng hóa ngày càng dồi dào cho thị trường trong tỉnh.
Các mặt hàng tham gia chương trình là các mặt hàng thiết yếu gồm: Gạo (14.000 tấn), đường (1.400 tấn), dầu ăn (1.400 tấn), thịt gà (1.400 tấn), thịt heo (2.100 tấn), trứng gà (hơn 11 triệu trứng), rau củ quả (5.600 tấn), nước chấm (nước mắm 700.000 lít, nước tương 700.000 lít).
Bên cạnh thực phẩm còn có các mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19 như: 54 triệu khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng ngành y tế); 1,8 triệu lít nước rửa tay sát khuẩn.
Để được xét tham gia chương trình, doanh nghiệp phải có chức năng sản xuất - kinh doanh phù hợp với các mặt hàng nêu trên; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng này; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình.
Doanh nghiệp cũng phải có trụ sở chính, văn phòng, chi nhánh tại Tây Ninh; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị công nghệ sản xuất hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển phục vụ việc phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của chương trình.
Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng theo kế hoạch của chương trình, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt; có địa chỉ các điểm bán hàng bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ được kết nối với các tổ chức tín dụng tham gia chương trình để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phổi và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình. Hạn mức vay tương ứng lượng hàng được giao thực hiện bình ổn thị trường theo kế hoạch.
Doanh nghiệp cũng được giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hàng hiện hữu của chương trình và được kết nổi để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể...; được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Chương trình hợp tác thương mại giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành phố miền Đông - Tây Nam bộ và các địa phương khác trong nước.
Thời gian thực hiện chương trình từ tháng 7.2021 đến hết ngày 31.3.2022.
An Khang