Tài xế khai báo y tế tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng.
Đơn vị kinh doanh vận tải: Nỗ lực vượt qua khó khăn
Thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải luôn chấp hành quy định phòng, chống dịch của tỉnh và ngành Giao thông Vận tải (GTVT). Ông Hoàng Sỹ Hoan– Giám đốc HTX dịch vụ vận tải Đồng Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô Tây Ninh cho biết, các doanh nghiệp vận tải hành khách đã ngừng hoạt động, nhiều đơn vị không có doanh thu, đây là tình hình chung.
Vận tải hàng hoá cũng gặp khó khăn do chi phí lớn, hàng hoá ít. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn đồng lòng cùng chính quyền, góp phần cùng xã hội chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.
Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở huyện Tân Biên cho biết, đơn vị chủ yếu vận tải hàng quá cảnh. Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, lượng hàng quá cảnh giảm chỉ còn khoảng 10%, hàng nội địa còn 60% sản lượng so với trước đây.
Tần suất hàng hoá đi rất ít, trước đây bình quân 150 chuyến xe/tháng, nay chỉ còn khoảng 70 chuyến/tháng. Chia sẻ những khó khăn trong thời điểm hiện tại, đại diện doanh nghiệp này cho hay: “Nếu đến cuối năm vẫn hoạt động với công suất khoảng 46% như trên thì kế hoạch đầu năm sau, đơn vị phải bán xe, cắt giảm nhân sự để phù hợp với tình hình thực tế, ổn định nguồn thu”.
Chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp tăng lên trước những khó khăn; tài xế phải test Covid-19 cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, tốn thêm thời gian cho việc di chuyển, chờ test… Tuy nhiên, phía doanh nghiệp nhận định, đây là điều cần thiết vì bảo đảm phòng, chống dịch, an toàn cho tài xế và cả doanh nghiệp
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát ở Suối Sâu, phường An Tịnh.
Doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp sản xuất
Mặc dù chi phí cho hoạt động vận tải tăng nhưng doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở huyện Tân Biên nói trên chọn giải pháp không tăng giá cước với đối tác để giữ uy tín và mối quan hệ làm ăn lâu bền. Giải pháp này cũng là sự lựa chọn của không ít đơn vị kinh doanh vận tải khác.
Ông N.T.N.Q- Giám đốc một doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn ở thị xã Hoà Thành cho biết, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải phải tuân thủ quy định phòng, chống dịch của ngành chức năng là điều tất yếu. So với trước khi dịch bệnh xảy ra, chi phí vận chuyển hàng hoá đã tăng lên đáng kể, tuy nhiên, doanh nghiệp của ông Q vẫn không tăng giá cước.
“Trong giai đoạn dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất cũng gặp không ít khó khăn nên doanh nghiệp vận tải hàng hoá nên cùng chia sẻ- nhất là các doanh nghiệp vận tải hàng hoá có quy mô lớn.
Sự chia sẻ này sẽ tạo niềm tin cho nhau để hợp tác lâu dài– đó mới là vấn đề quan trọng. Nếu doanh nghiệp vì dịch bệnh mà tăng giá cước, chèn ép doanh nghiệp sản xuất thì sẽ không làm ăn lâu bền được, cũng như tự đánh mất thương hiệu mà mình xây dựng”- ông Q chia sẻ.
Khác với doanh nghiệp vận tải hàng hoá quy mô lớn, các chủ xe vận tải hàng hoá riêng lẻ vẫn phải tăng giá cước vận tải vì nếu không tăng thì không thể vận chuyển hàng hoá do chi phí tăng.
Một chủ xe chở hàng từ Tây Ninh đi Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại (thường gọi là xe chành) cho biết, khác với doanh nghiệp vận tải, những chủ xe chành chỉ có 1–2 chiếc xe, do đó, họ bắt buộc tăng chi phí chở hàng do chi phí vận chuyển tăng.
Việc các xe chành tăng giá đều được các chủ gửi và nhận hàng cảm thông, bởi các điểm kinh doanh đều biết rõ việc vận chuyển hàng hoá trong mùa dịch không thuận lợi như trước đây. Mặt khác, hiện nay, do nhu cầu gửi hàng và nhận hàng của khách cũng giảm hẳn nên nhiều xe chành phải tạm thời ngưng hoạt động.
Các doanh nghiệp vận tải đều mong muốn, trong đợt dịch bệnh này, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn, trong đó, đáng quan tâm là vấn đề khoanh nợ, giảm lãi suất vay ngân hàng…
Kiểm tra giấy tờ của tài xế tại chốt kiểm soát.
Tạo điều kiện cho hoạt động vận tải
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thời gian qua, Sở GTVT đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn đối với hoạt động vận tải theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để các doanh nghiệp, chủ sở hữu phương tiện vận tải nắm bắt thực hiện.
Về thủ tục hành chính, Sở GTVT tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hoá trong giai đoạn này, nhưng phải bảo đảm đúng quy định công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể nhất, mới đây, Sở GTVT ban hành công văn về việc phối hợp triển khai thực hiện cấp giấy nhận diện phương tiện lưu thông trên luồng xanh quốc gia và trong nội tỉnh trực tuyến 24/24 để phục vụ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu nhằm đẩy nhanh cấp giấy nhận diện phương tiện vận tải theo yêu cầu của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Sở GTVT đã đề nghị các đơn vị phối hợp thông tin, phổ biến; các đơn vị hoạt động vận tải thuộc các đối tượng được cấp giấy nhận diện phương tiện khẩn trương đăng ký theo hướng dẫn tại Văn bản số 1040 ngày 18.8.2021 của Sở GTVT, Sở sẽ tăng cường bố trí cán bộ làm việc, xử lý nhanh và trả kết quả cho đơn vị.
Theo đó, cá nhân có nhu cầu có thể truy cập vào website: http://luongxanh.drvn.gov.vn (các bước trình tự đăng ký, trả kết quả được thực hiện trên môi trường mạng). Sở GTVT phân công cán bộ trực tiếp nhận đăng ký 24/7 (24 giờ mỗi ngày; kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ).
Thời gian giải quyết, trả kết quả như sau: đối với trường hợp đăng ký nộp hồ sơ từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, thời gian giải quyết và trả kết quả không quá 120 phút; trường hợp đăng ký nộp hồ sơ từ 17 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau, thời gian giải quyết và trả kết quả trước 9 giờ sáng.
Qua trao đổi với các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh, Sở GTVT đã giải quyết hồ sơ rất nhanh, đúng thời gian. Điều này cũng chia sẻ được một phần khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục mà không cần tốn công đi lại nhiều.
Theo số liệu của Sở GTVT, chỉ từ ngày 19.7 đến trưa ngày 26.7, Sở đã tiếp nhận và trả kết quả cấp giấy phương tiện luồng xanh được tổng cộng 2.275 xe, trong đó, luồng xanh quốc gia 1.769 xe, nội tỉnh 506 xe.
TẤN HƯNG – TRÚC LY