Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số
Báo cáo đề dẫn Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số", nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí...
Ngày 17/8/2023, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội thảo "Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số" với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; lãnh đạo Hội Nhà báo các địa phương; các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu cả nước.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam.
|
PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính và Viễn thông phát biểu tại Hội thảo. |
Thực chất của chuyển đổi số báo chí là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm cho hệ sinh thái báo chí số được bồi đắp thêm các tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông.
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng. 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, Chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.
PGS.TS Đặng Hoài Bắc khẳng định, Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” là Hội thảo có ý nghĩa trong lĩnh vực báo chí khi ứng dụng các công nghệ vượt trội, từ đó thay đổi tư duy, lối mòn quản trị cũng như thể hiện năng lực trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Hội thảo được tổ chức gắn với chủ trương và chiến lược phát triển chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
|
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo. |
Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.
Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” hôm nay, bên cạnh việc tiếp tục công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI sẽ giới thiệu về blockchain, mở rộng bàn luận nhằm tìm kiếm các sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu, mọi lớp cấu trúc của toà soạn số, thực tiễn và kinh nghiệm quản trị toà soạn số ở các cơ quan báo chí - từ vấn đề quản trị tác quyền và sở hữu trí tuệ, đến phân phối và quản lý nội dung, quản trị nhân sự, quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và kinh tế báo chí.
"Hội thảo cũng chú trọng bàn tới chủ thể số, nền tảng số và các công cụ số cho sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối và kinh doanh các loại hình báo chí số như: Báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động” – nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Phiên thứ 2: Thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam. Các diễn giả đã thuyết trình chủ đề về: Mô hình toà soạn số ở Việt Nam; Ứng dụng sản xuất thời sự trên thế mạnh của trí thông minh nhân tạo; một số mô hình toà soạn số và phân phối nội dung đa nền tảng ở Ban Thời sự - Đài Tiếng nói Việt Nam; Quản trị kinh doanh nội dung số tại VTV Digital; Chiến lược xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành báo chí Đông Nam Á...
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Đây là Hội thảo rất lớn trong mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông, những người làm báo cả nước và cả các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ cùng trao đổi về ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, chia sẻ mô hình tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay cùng những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn. Chỉ một thời gian ngắn, Hội thảo đã nhận được 12 tham luận từ chuyên gia công nghệ, nhà báo, các nhà quản lý báo chí gửi về Ban Tổ chức.
Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm “tòa soạn số”, của công nghệ chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động báo chí truyền thông hiện nay; hành lang pháp lý về báo chí số và tòa soạn số; đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để thực hiện chuyển đổi hoạt động tòa soạn của các cơ quan báo chí hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số tại các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay.
Cùng với đó, các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình như thế nào.
Đây sẽ là gợi mở về cách thức triển khai mô hình tòa soạn số, trong đó có công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo; từ đó góp phần thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số cơ quan báo chí và hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Nguồn dangcongsan.vn