Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Vợ chồng cùng đam mê chế biến món ăn chay - Báo Tây Ninh Online

Thứ ba - 14/02/2023 19:00
BTNO - Hai ông bà tự học hỏi, nâng cao tay nghề và trở thành đầu bếp chính của một nhà hàng chay nổi tiếng ở Tây Ninh.

Vợ chồng ông Thẳm đều yêu thích những món ăn chay.

Từ nhiều năm nay, ở khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành có vợ chồng bà Vũ Thị Điệp và ông Nguyễn Thăm Thẳm có đam mê chế biến món ăn chay. Họ tự học hỏi, nâng cao tay nghề và trở thành đầu bếp chính của một Nhà hàng chay nổi tiếng ở Tây Ninh.

Từ đam mê trở thành đầu bếp chính

Bà Điệp kể, 17 tuổi, bà theo phụ những người nấu thức ăn chay trong Tòa Thánh Cao Đài và bà cảm thấy mình có duyên với nghề này. Từ đó, bà nung nấu trong lòng một ước mơ sau này nấu được nhiều món ăn chay.

Để thực hiện ước mơ của mình, hằng ngày bà dành hết thời gian, công sức học hỏi thật nhiều kiến thức từ những người đi trước để nâng cao tay nghề chế biến thức ăn chay. Năm 1990, bà Điệp bắt đầu nhận nấu thức ăn chay cho các đám tiệc trong tỉnh.

Từ các nguyên liệu rau, củ, quả, các loại nấm, tàu hủ ky, tàu hủ trắng, mì căn v.v… bà có thể chế biến hàng trăm món ăn chay khác nhau. Tiếng lành đồn xa, dần dần, tay nghề chế biến thức ăn chay của bà được nhiều người biết đến.

Những năm gần đây, ông Ngô Trần Ngọc Quốc- chủ nhân Khu ẩm thực sinh thái Phước Lạc Duyên (khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) đến mời bà Điệp về đảm trách vai trò bếp trưởng của nhà hàng chay Phước Lạc Duyên. Hiện nay, bà Điệp có thể chế biến được hơn 270 món ăn chay, đủ sức tiếp đãi hơn cả ngàn lượt khách mỗi ngày.

Đến thăm gia đình bà Điệp vào ngày cuối tuần, để chứng minh tay nghề của mình, bà Điệp chọn ngẫu nhiên một số nguyên liệu thông thường như tàu hủ ky, nấm, hem, hành, ngò, tiêu xanh, ớt đỏ và trong khoảng 1 giờ, bà chế biến 4 món ăn chay khác nhau.

Trong đó có những món ăn được trình bày rất cầu kỳ, đẹp mắt như món “chim bồ câu”. Từ một lá tàu hủ ky và một ít nguyên liệu, bà Điệp tạo hình chú chim bồ câu có thân hình mập mạp, với đủ các bộ phận mắt, mỏ và đôi cánh, trông rất ngộ nghĩnh.

Được dịp chứng kiến tay nghề điêu luyện của bà, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về tốc độ và trình độ chế biến thức ăn chay của người đàn bà 60 tuổi này. Không cần xem sách vở, công thức, với đôi tay thoăn thoắc, khéo léo các món ăn có màu sắc tươi rói lần lượt hoàn thành.

Thưởng thức các món ăn này, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn về độ thơm nồng và tỷ lệ cân đối giữa các nguyên liệu trong món ăn. Người dùng những món ăn này không bị ngán và sau khi ăn xong không bị triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hóa.

Bà Điệp cho biết thêm, ngoài việc học hỏi nghề nấu ăn từ những người đi trước, bà còn thường xuyên theo dõi các lớp dạy nấu ăn trên ti vi, mạng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến thức ăn, bà Điệp có cải tiến kỹ thuật nấu ăn bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng những nguyên liệu có hóa chất mà thay thế bằng những nguyên liệu có trong tự nhiên.

“Trong quá trình chế biến thức ăn, tôi không lạm dụng việc sử dụng quá nhiều đường, muối, hạt nêm mà thay thế bằng những loại rau củ quả có vị cay, ngọt tự nhiên. Cách làm này bảo đảm tốt sức khỏe cho người dùng, không tốn nhiều chi phí cho món ăn”, bà Điệp chia sẻ.

Trong các món ăn do mình chế biến, bà Điệp tâm đắc nhất là những món ăn được làm ra từ chuối trồng trên quần thể núi Bà Đen. Từ những hoa chuối, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hoa chuối lăn bột chiên xả ớt, hoa chuối xào xả nghệ, gỏi ngũ sắc.

Bà Điệp mong muốn mọi người hãy tận dụng những khoảnh đất trống xung quanh nhà để trồng những loại rau, củ, quả và dùng những nguyên liệu ấy chế biến thành các loại thức ăn chay sạch. Cách làm này vừa tốt cho sức khỏe vừa góp phần lan tỏa việc ăn chay trong xã hội.

Từ trái chuối, bà cho ra các món chuối kho tiêu, nem chuối. Theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bà Điệp nhận thấy không phải chuối trồng ở nơi nào cũng chế biến được những món ăn nêu trên, mà chỉ có chuối trồng trên vùng đất núi Bà với thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt mới cho ra những trái chuối, hoa chuối có hậu ngọt. Từ đó mới chế biến thành những loại thức ăn ngon. 

    

Món ớt nhồi tàu hủ kho tiêu.

Áp dụng kiến thức y học vào thức ăn chay

Trong khi bà Điệp chuyên về việc chế biến các món chay với phương pháp chiên xào, hấp, nấu thì chồng bà- ông Nguyễn Thăm Thẳm, 62 tuổi có sở trường với những món gỏi chay. Ông Thẳm có lợi thế hiểu biết rất nhiều về các loại cây thuốc nam.

Những năm qua, ông Thẳm đem những kiến thức về y học cổ truyền của mình áp dụng vào việc chế biến thức ăn chay. Ông biết rất rõ những loại rau, củ, quả nào có dược tính, có tính hàn, tính nhiệt và pha trộn với tỷ lệ như thế nào để cho ra món ăn vừa ngon, vừa có tác dụng tốt nhất cho sức khỏe của thực khách.

Với thế mạnh này, nhiều năm nay, ông Thẳm cũng được chủ Nhà hàng chay Phước Lạc Duyên chiêu mộ vào phụ trách việc chế biến các món gỏi chay. Ông Thẳm cho hay, hiện nay, ông có thể chế biến được khoảng 70 món gỏi trộn  với nhiều loại nguyên liệu khác nhau.

Đặc biệt nhân dịp ngày lễ tình nhân 14.2 năm nay, ông Thẳm âm thầm chế biến một món ăn mới và đặt tên là Bí Quý Mão để tặng cho vợ. Ông dùng tàu hủ, mì căn, một số loại nấm xắt nhuyễn, dồn vào những khoanh bí đau, bí đỏ và đem hấp chín.

Tác giả món ăn mới này giải thích: “Bí đỏ có tác dụng bổ óc. Bí đau có vị thanh mát. Tàu hủ và các loại nấm có nhiều chất đạm. Những thực phẩm này hòa quyện với nhau sẽ tạo thành món thức ăn có tác dụng bồi bổ sức khỏe rất tốt”.

Ông Thẳm cho biết thêm, hiện nay ông đang ấp ủ chế biến một món ăn mới, gọi là gỏi khoai môn. Trong đó, ông sẽ sử dụng nguyên liệu chính là khoai môn. Ngoài ra còn có củ cà rốt xắt nhỏ, một số loại rau sống, tàu hủ ky non, mì căng, ớt.

Tất cả những nguyên liệu nêu trên được trộn chung với nước sốt làm từ trái tắt. “Tôi mới suy nghĩ món ăn này thôi chứ chưa làm thử, chưa biết ăn ra sao nhưng hy vọng sẽ là món ăn hấp dẫn, mới lạ được nhiều người yêu thích”, ông Thẳm bộc bạch.

Gỏi rau tiêu

Ông Thẳm cho biết, trước đây ông ăn mặn nhưng gần 30 năm nay, ông chuyển sang ăn chay trường. Thời gian ăn mặn, lúc cơ thể ông có trọng lượng nặng nhất là 52 kilogram, hiện tại ông cân nặng 62 kilogram.

“Trong 4 tháng đầu tiên mới chuyển sang ăn chay trường, cơ thể chưa thích nghi, tôi bị sụt vài kilogram và xuống sức. Sau đó cơ thể quen dần với loại thức ăn này nên bắt đầu tăng cân và sức khỏe tốt lên trở lại. Từ ngày ăn chay trường đến nay, tôi không bị bệnh gì cả, không bị tiểu đường, huyết áp không tăng, không giảm. Vợ tôi cũng có gần 40 năm ăn chay nhưng sức khỏe vẫn tốt”, ông Thẳm khẳng định.

Anh Đặng Phú Thịnh, 27 tuổi, quê Tây Ninh, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Hiện nay, anh đang làm chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất nhang ở Tây Ninh.

Mặc dù thường xuyên bận việc sản xuất, kinh doanh nhưng do đam mê nghệ thuật ẩm thực chay nên hơn 3 tháng nay, Thịnh dành hết thời gian rảnh rỗi đến Nhà hàng chay Phước Lạc Duyên “thọ giáo” vợ chồng ông Thẳm về cách chế biến các món ăn chay.

Vợ chồng ông Thẳm nhận thấy cậu học trò này nhiệt huyết với ẩm thực chay nên truyền nghề miễn phí. Chàng trai này cũng thể hiện quyết tâm: “Em học nghề đến khi nào giỏi chế biến các món chay mới thôi”, Thịnh nói.

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp