Nằm vùng trong một group khoe thành tích (flex) từ cuối tháng 5, nhưng gần đây, Trần Công Pháp (23 tuổi) ở TP HCM mới quyết định chia sẻ một vài thành tựu đạt được trong ba năm trung học.
“Nếu ai hỏi mình phải chọn giữa việc muốn được tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, có giải học sinh giỏi quốc gia hoặc trúng tuyển vào trường điểm cao hàng đầu cả nước (Đại học Ngoại thương), trẻ con mới chọn, còn mình là người lớn nên lấy hết”, Pháp viết trong bài đăng hôm 11/7, kèm hình ảnh các thành tích đã đạt được.
Tuy nhiên, chàng trai 23 tuổi khẳng định không có ý khoe khoang, chỉ muốn “flex” để truyền động lực cho mọi người.
Bức hình chụp Trần Công Pháp tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2017 được anh chia sẻ lên mạng xã hội hôm 11/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Flex” mà Pháp sử dụng là một từ lóng của tiếng Anh, ban đầu chỉ sự phô diễn cơ bắp và sức mạnh của bản thân. Sau được nhiều rapper sử dụng, ám chỉ hành động khoe khoang quá đà, gây khó chịu cho người xung quanh.
Khoảng hai tháng gần đây, từ này được nhiều người Việt quan tâm. Không ít người bắt đầu khoe tài lẻ cho đến những thành tích nổi trội của bản thân lên mạng xã hội. Nhưng những sự khoe này mang tính giải trí, được nhiều người vui vẻ đón nhận thay vì khó chịu hay bài xích.
Như bài đăng của Trần Công Pháp nhanh chóng nhận được 4,4 nghìn lượt yêu thích. Hầu hết các bình luận đều thể hiện sự sự ngưỡng mộ về quyết tâm chinh phục khó khăn hoặc xin kinh nghiệm thi đạt điểm cao.
Chàng trai kể ngay từ năm lớp 10 đã tự đặt mục tiêu được góp mặt trong các cuộc thi lớn dù nhiều người nghĩ đó là điều viển vông. Nhưng Pháp đã chứng minh mình đã làm được “Tôi muốn nhắn nhủ các bạn học sinh: Hãy cứ đặt những mục tiêu to lớn, không có gì là quá khó khăn chỉ cần tin mình có thể thì sẽ làm được”, Pháp giải thích về lý do đăng bài.
Bức ảnh anh Trần Hà Dương chụp tại Đại học Harvard được anh chia sẻ trên mạng xã hội hôm 13/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Là người thận trọng mỗi khi chia sẻ bất cứ thứ gì lên mạng xã hội nhưng anh Trần Hà Dương (32 tuổi), chuyên gia tư vấn chiến lược, cũng quyết định khoe về con đường trở thành thạc sĩ Chính sách công của Đại học Harvard (Mỹ) và lý do về nước cống hiến.
Anh Dương cho rằng, nếu câu chuyện chứng minh bản thân “nói được làm được”, có thể giúp ích hoặc truyền cảm hứng tích cực cho đa số người đọc thì không ngại khoe.
“Flex nhưng vẫn có sự khiêm nhường, chừng mực thì chính những người theo dõi cũng cảm nhận năng lượng cảm hứng tích cực và hưởng ứng. Đó là điều tôi muốn hướng tới và không ngại bị đánh giá”, anh Dương cho biết.
Gần một tháng qua, “flex” trở thành trào lưu nóng nhất mạng xã hội Việt với số người hưởng ứng như Trần Pháp hay anh Hà Dương tăng mạnh. Anh Đặng Hữu Thịnh, người sáng lập ra group “Flex đến hơi thở cuối cùng” , cho biết chưa đầy hai tháng thành lập nhóm hiện có 1,2 triệu thành viên tham gia.
“Tôi thấy Việt Nam rất nhiều nhân tài nhưng lại khiêm tốn nên muốn tạo ra một cộng đồng để mọi người có thể chia sẻ những thành tích đạt được. Tuy nhiên các bài viết trong nhóm cần tạo được niềm vui, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực chứ không có ý định hạ bệ, gây phản cảm”, anh Thịnh giải thích về lý do thành lập nhóm.
Các bài đăng trong nhóm của anh Thịnh có nhiều chủ đề khác nhau, nhưng phần lớn chú trọng vào tri thức, thành tựu của người Việt ở trong và ngoài nước. Lượng thành viên tăng vọt, số bài gửi về lớn buộc đội ngũ kiểm duyệt tốn nhiều thời gian để chọn lọc nội dung chất lượng, đúng tiêu chí.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc khoe thành tích lên mạng xã hội là điều bình thường, phù hợp với nhu cầu thể hiện bản thân của con người.
Lý giải về xu hướng thích khoe trên mạng xã hội, tiến sĩ Hoàng Trung Học (Học viện Quản lý giáo dục, Hà Nội) chỉ ra ba điểm. Một là, xã hội đang bước vào thời kỳ kỷ nguyên số khiến nhu cầu giao lưu, chia sẻ tâm tư tình cảm trên không gian ảo phát triển. Hai là, đại dịch trở thành cú hích quan trọng thúc đẩy con người làm việc nhiều hơn qua mạng, khiến người dùng có thể tiếp cận với nhiều xu hướng, trào lưu mới trong không gian mạng. Và cuối cùng là một số người ngại thể hiện hoặc chưa có cơ hội được chứng minh bản thân ở thế giới thực nên tìm đến không gian ảo để thoải mãn.
Bổ sung thêm lý do khiến trào lưu “flex” được hưởng ứng mạnh mẽ, thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng truyền thông, Đại học Văn Lang (TP HCM), cho rằng một phần lý do có thể do thế hệ trẻ ngày càng giỏi hơn, họ không ngại khoe những thành tích đã đạt được vì muốn được xã hội tung hô, thừa nhận. Bên cạnh đó, việc truyền thông đại chúng luôn hướng vào việc “tự tin khoe cá tính” khiến số người mong muốn thể hiện gia tăng.
“Nhưng dù là lý do gì, việc có thể tạo dựng một cộng đồng chia sẻ về thành tích thật của bản thân, không vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức, không hạ bệ lẫn nhau và cùng hướng đến niềm vui, tạo sự tích cực nên được khuyến khích, không nên nhìn nhận định kiến, tiêu cực”, chuyên gia Hoàng Trung Học nói.
Bài viết “khoe” ông nội của anh Hoàng Cường hôm 15/7 trên một hội nhóm thu hút 140 nghìn lượt yêu thích. Ảnh chụp màn hình
Không chia sẻ thành tựu của bản thân, anh Hoàng Cường ở Hà Nội lại khoe ông nội Hoàng Văn Chung (95 tuổi) ở Nghệ An, bị mù hai mắt sau khi tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bài đăng của anh nhận 140 nghìn lượt yêu thích và hàng nghìn bình luận bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn.
“Đâu chỉ có người trẻ mới biết”flex“, thế hệ ông bà không quen công nghệ đã có con cháu hỗ trợ. Cảm ơn cụ vì những cống hiến cho hòa bình nước nhà”, người dùng tên Hoa Mai để lại bình luận.
Giải thích về lý do đăng bài, anh Cường cho biết bản thân muốn lan tỏa niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn đến các thế hệ đi trước. “Đặc biệt sau hai năm đại dịch và nhiều khó khăn như hiện tại thì việc tự hào về bản thân, chia sẻ cho nhiều người khác như phong trào flex cũng là một nguồn năng lượng tích cực, cần thiết cho đời sống tinh thần”, anh nói.
Thừa nhận khoe thành tích cá nhân có thể truyền cảm hứng, động lực phát triển đến những người xung quanh, nhưng thạc sĩ Lê Anh Tú cảnh báo người dùng cần hưởng ứng đúng chừng mực, có điểm dừng bởi nếu để xu hướng này đi quá xa có thể dẫn đến việc người tiếp nhận các thông tin có nguy cơ bị áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure) cho rằng bản thân kém cỏi, dẫn đến tự ti. Một tình huống khác có thể xảy ra là một số người nảy sinh ham muốn nổi tiếng nên bịa đặt thông tin, tạo ra tác dụng ngược.
“Cái gì quá cũng không tốt, vậy nên người tiếp cận thông tin cần phải tỉnh táo, tránh rơi vào phòng xoáy của thế giới ảo mà đánh mất chính mình”, ông Anh Tú nói.
Nguồn VNE