Người điều trị nhận thuốc PrEP.
Theo số liệu báo cáo của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 10 tháng năm 2021, Tây Ninh ghi nhận 501 người nhiễm HIV mới, trung bình mỗi tháng có hơn 55 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, tỷ lệ nhiễm thuộc nhóm MSM (quan hệ đồng giới) có xu hướng gia tăng.
Ông Lê Hoàng Lộc- Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, căn cứ số liệu giám sát trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2021, tình hình nhiễm HIV so với năm 2020 không giảm. Trong nhóm nhiễm mới, nhóm MSM có tỷ lệ cao nhất, chiếm từ 15%-25% trên nhóm nguy cơ cao.
Nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm này chủ yếu ở những người trẻ tuổi, tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng chất kích thích và quan hệ tình dục với nhiều người.
Tây Ninh Pride là doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Tây Ninh hoạt động về mảng dự phòng điều trị HIV. Anh Võ Thanh Toàn- Giám đốc Công ty TNHH Xã hội Tây Ninh Pride cho biết, các bạn nam quan hệ tình dục đồng giới rất ít quan tâm kiểm tra sức khoẻ, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Vì vậy, cần phải tiếp cận tư vấn, xét nghiệm và hướng dẫn các bạn tham gia dùng PrEP- thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Những năm qua, Tây Ninh mở rộng nhanh các mô hình truyền thông, vận động đối tượng tham gia dự phòng HIV bằng PrEP như là một trong những can thiệp dự phòng mũi nhọn để giảm tỷ lệ nhiễm mới HIV. Thí điểm tại Việt Nam từ năm 2017, đến nay, PrEP đã được triển khai tại 26 tỉnh, thành phố, trong đó có Tây Ninh. Hiện có 5 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS triển khai dịch vụ điều trị dự phòng PrEP, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành và huyện Gò Dầu, Bến Cầu.
Anh Võ Thanh Toàn cho biết thêm: “Các bạn trẻ đến đây xét nghiệm, hầu hết rất lo lắng, sợ sệt và hoang mang. Được tư vấn, đăng ký tham gia dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, các bạn cảm thấy yên tâm hơn, nhất là việc xét nghiệm định kỳ, theo dõi sức khoẻ cá nhân”. Việc tập trung triển khai các giải pháp tiếp cận đối với nhóm có hành vi nguy cơ cao hiện nay- nhất là nhóm MSM trẻ tuổi góp phần tăng tỷ lệ người tham gia điều trị dự phòng bằng PrEP.
Tại Phòng khám ngoại trú (OPC) thị xã Hoà Thành, từ đầu năm đến nay, các đối tượng tham gia điều trị PrEP gia tăng, đạt gần 200 người. Trong đó, đối tượng MSM chiếm số đông.
Trong bối cảnh chưa có vaccine để dự phòng HIV thì PrEP được xem là biện pháp điều trị dự phòng hiệu quả cao. Những đối tượng được khuyến cáo sử dụng PrEP là những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nam giới quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, các cặp dị nhiễm (người vợ hoặc chồng bị nhiễm HIV).
PrEP chống chỉ định với người đã nhiễm HIV, người nghi ngờ nhiễm HIV cấp tính và người có chức năng thận không bình thường. PrEP cũng là thuốc có chứa Tenofovir, do đó, chống chỉ định với những người dị ứng với thành phần này.
Phương pháp này có khả năng làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua can thiệp thực tế trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu sử dụng đúng cách, thì hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV của PrEP mang lại có thể đạt hơn 90%.
Đ.V.B (thị xã Trảng Bàng) chia sẻ: “Khi đăng ký sử dụng PrEP, em được hỗ trợ các xét nghiệm miễn phí một số bệnh lý khác để điều trị. Em thấy việc sử dụng PrEP rất đơn giản, chỉ cần xét nghiệm âm tính với HIV và lấy thuốc, mỗi ngày uống 1 viên vào khung giờ cố định. Sau 1 tháng hoặc 2 tháng đến bệnh viện, trung tâm y tế xét nghiệm lại để tiếp tục lấy thuốc”.
Việc tuân thủ uống thuốc hằng ngày rất quan trọng để tăng hiệu quả dự phòng HIV tối đa (giảm nguy cơ lây nhiễm lên tới hơn 90%). Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, trước khi cấp phát PrEP, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
Bên cạnh những biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ những người đã nhiễm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là một trong phương pháp mới, an toàn, nhiều ưu điểm. Tăng độ bao phủ PrEP làm giảm tỷ lệ nhiễm, thậm chí còn cắt đứt đường lây truyền HIV.
Hoà Khang