Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Thế giới kỳ vọng chinh phục thách thức và phục hồi mạnh mẽ trong năm Nhâm Dần 

Thứ năm - 03/02/2022 21:19
Hổ tượng trưng cho sức mạnh và lòng dũng cảm. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng sức mạnh của “Nhâm Dần” sẽ giúp thế giới vượt qua mọi thách thức, thoát khỏi đại dịch Covid-19 để trở lại cuộc sống bình thường.

Chuyển đổi trạng thái

Cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những yếu tố có phạm vi tác động toàn cầu, là nguyên nhân chính khiến các thị trường lo ngại trong nhiều năm qua. Sự đối đầu sẽ không thể tan biến trong một sớm một chiều nhưng thế giới có thể chứng kiến sự thay đổi của mối quan hệ này theo hướng “bình lặng” hơn trong những tháng tới.

Thế giới kỳ vọng chinh phục thách thức và phục hồi mạnh mẽ trong năm Nhâm Dần. Ảnh minh họa: KT

Năm 2022 là năm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và chính quyền Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ. Trước thềm Đại hội toàn quốc vào tháng 11/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn duy trì ổn định trong nước. Sau khi các cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm, căng thẳng có thể sẽ gia tăng trở lại và vấn đề Đài Loan có thể trở thành trọng tâm.

“Chuyển đổi trạng thái” còn mang ý nghĩa quan trọng: các nước trên thế giới hy vọng thoát khỏi đại dịch Covid-19 và chuyển sang cuộc sống bình thường mới, hay Covid-19 không còn là đại dịch mà chuyển thành bệnh đặc hữu.

Lạm phát

Bất ngờ lớn nhất đối với các ngân hàng trung ương trong năm 2021 là lạm phát cao hơn dự kiến. Lạm phát cũng được dự báo sẽ không thể kết thúc sớm. Các thị trường lao động bị siết chặt ở Mỹ, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, cũng như giá thực phẩm, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao dự kiến còn tiếp diễn ít nhất là trong nửa đầu năm 2022.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang cắt giảm chương trình mua tài sản quy mô lớn được thực hiện nhằm để bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động của đại dịch Covid-19. FED dự kiến bắt đầu tăng lãi suất vào đầu tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát.

Nhật Bản, quốc gia vốn giảm phát trong nhiều năm, có thể sẽ đạt mức lạm phát 2% trong năm 2022 do giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao hơn.

Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách là đảm bảo đất nước sẽ không rơi vào bẫy “lạm phát đình trệ” - tình trạng lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng.

Tình trạng ấm lên toàn cầu

Báo cáo đánh giá rủi ro của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021 coi biến đổi khí hậu là “rủi ro thảm khốc” và xếp thứ 2 sau dịch bệnh truyền nhiễm trong số các yếu tố nhiều khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Các chuyên gia khí hậu đang kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp sẽ dễ dàng cắt giảm khí thải hơn so với các ngành công nghiệp khác. Các nhà sản xuất thép chịu trách nhiệm cho phần lớn khí thải CO2 trên toàn cầu. Việc giảm khí thải cũng tốn nhiều chi phí, nhưng sức ép ngày càng gia tăng từ các nhà đầu tư, người tiêu dùng và chính phủ các nước có thể khiến cái giá phải trả cho việc không hành động còn lớn hơn nhiều.

Năng lượng

Giá năng lượng tăng cao dự kiến sẽ tiếp tục đặt gánh nặng lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong nửa đầu năm 2022. Những căng thẳng chính trị cũng khiến giá cả tại châu Âu tăng cao. Nga đã siết dòng chảy khít đốt tới lục địa già, khiến khu vực hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng trong một mùa đông giá lạnh.

Trong khi đó, sự dịch chuyển sang năng lượng sạch đang bị cản trở vì lạm phát, khiến việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió tốn nhiều chi phí hơn.

Phục hồi ngắn hạn và phục hồi tổng thể

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm và một số ‘vết sẹo” mà nó gây ra có thể tồn tại vĩnh viễn. Nợ toàn cầu trong năm 2020 tăng 28%, đạt mức 226.000 tỷ USD. Nhiều ngân hàng trung ương đang giảm dần và hướng tới chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng, điều đó có nghĩa là tiền có thể chảy khỏi các thị trường mới nổi.

Khi thế giới bước vào năm thứ 3 của Đại dịch Covid-19, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải cân bằng giữa việc phục hồi trong ngắn hạn với phục hồi tổng thể./.

Nguồn Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo NHK

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp