Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Bàn thờ gia tiên ngày Tết 

Thứ ba - 01/02/2022 11:11
BTNO - Đối với người Việt, dù nghèo hay giàu trong nhà đều có bàn thờ gia tiên. Đó không những là không gian thờ tự mà còn là nơi để tưởng nhớ, tín ngưỡng vong linh ông bà đã khuất. Qua đó thể hiện và giáo dục lòng hiếu thảo, tinh thần uống nước nhớ nguồn, truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ con cháu trong gia đình.

Nói đến bàn thờ là nói đến không gian của sự linh thiêng, xa rời hỗn độn và uế tạp. Chính vì vậy mà bàn thờ luôn được bố trí ở tầm cao, đó là trên giường thờ, tủ thờ hoặc được kê trên một nơi đặc biệt nào đó sao cho phù hợp với ý tưởng, điều kiện của gia chủ. Xưa kia, người Việt quan niệm “Lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng Nam”. 

Vì mặt tiền nhà thường ưa chuộng hướng nam nên bàn thờ cũng thường hướng nam. Hướng nam theo quan niệm của Phật giáo là hướng của trí tuệ bát nhã, làm bàn thờ hướng nam là thể hiện sự mong cầu sáng suốt, gia chủ cũng như con cháu không bị lầm đường lạc lối trên mọi nẻo đường đời. Bên cạnh hướng nam, người Việt xưa cũng chọn hướng tây là hướng chính của bàn thờ. Theo quan niệm của triết lý Phương Đông, thì hướng tây là tượng trưng cho âm, là hướng của người đã khuất. Trong Truyện Kiều có câu:

“Hàn gia ở mé tây thiên,

Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu”.

Theo Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế thì “Tây thiên: tây, hướng tây – thiên, đường trong bãi tha ma. Đường trong bãi tha ma, nằm về hướng tây.” Vậy cõi của Đạm Tiên vừa là cõi chết vừa là cõi của nữ giới…Khi Thúy Kiều tiễn Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang thúc phụ thì nàng cũng đứng tựa hiên tây.

Ngoài ra hướng tây cũng là hướng tạo ra những cặp âm dương đối đãi, là phù hợp với quy luật phát triển. Cụ thể, ông bà ngự trị trên bàn thờ, mặt hướng tây tức là âm, lưng hướng đông tức là dương. Bên tay trái sẽ là hướng nam – dương, bên tay phải sẽ là hướng bắc – âm. Bốn hướng tương ứng với âm - dương như thể được coi là hợp thế, đúng quy luật sẽ làm cho mọi thứ trôi chảy, suôn sẻ, thân tâm an lành hướng thiện.

Ngoài hướng nói trên thì việc bày trí trên bàn thờ là hết sức quan trọng. Bàn thờ không bao giờ được bừa bộn, mà phải gọn gàng, trang nghiêm, mỗi đồ thờ phải toát lên ý nghĩa tượng trưng của nó, sao cho tất cả đều làm nên cái không khí linh thiêng và triết lý.

Thông thường, phía trong cùng của bàn thờ là chiếc khám bên trong chứa bài vị của người đã khuất hoặc tộc họ, nhưng cũng có nhiều nhà không thờ bài vị mà thờ khung hình của ông bà quá vãng, xu hướng thờ hình ngày nay rất phổ biến. Trước khung hình, bài vị là cái đỉnh trầm bằng đồng, trên đỉnh có hình con lân tượng trưng cho sự thông minh sáng suốt và cũng là trí tuệ của tầng trên.

Mặt trước đỉnh có chạm mặt hổ phù tượng trưng cho sự sung túc, no đủ. Xung quanh mặt hổ phù chạm thêm những cây trúc tượng trưng cho đức tính quân tử của người xưa. Hai bên bàn thờ là hai cây đèn tượng trưng cho hai vầng nhật nguyệt soi sáng.  

Phía sau hai cây đèn là hai cái đài bằng gỗ chạm, trên để hoa quả, dưới mỗi cái đài là chén nước hoặc ly nước trong tượng trưng cho “Tụ thủy – Tụ phúc”. Phía trước theo trục với bài vị - đỉnh trầm là bát hương.

Bát hương là tượng trưng cho tinh tú hội tụ. Trên bát hương là cây hương được đốt cháy dần từ trên xuống. Cây hương tượng trưng cho gạch nối giữa cõi trời và cõi người. Lửa khói của cây hương là dòng sinh lực của vũ trụ ban phát.

Ở đây cũng cần nói thêm rằng, sự hiện diện của cây hương có từ trước thời của Đức Phật. Ban đầu nó có chức năng là đuổi muỗi cho các đạo sỹ Bà la môn ngồi thiền định, dần về sau nó được thiêng hóa như minh chứng cho lời khấn nguyện.

Đối với người Việt, cái gốc là văn minh lúa nước, cây hương có chân màu đỏ cháy từ trên xuống không khác gì sự tiếp nhận dòng sinh lực nắng mưa từ “Trời cha” xuống “Đất mẹ” để cho vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi. Cho nên chừng mực nào đó thắp cây hương là gửi gắm sự mong cầu tốt đẹp cho các đấng thần linh vô hình của cõi thiên quốc vậy.

Thường, người ta thắp hương là thắp một cây hoặc ba cây. Ba cây là con số lẻ, số lẻ là dương, dương là động, là ước vọng sinh sôi nảy nở, phát triển. Nếu thắp một cây là tượng trưng cho “ngũ hương”. Ngũ hương là năm ý nghĩa triết lý nội hàm, bao gồm: giới hương – là giữ gìn giới luật cho thân tâm trong sạch; Định hương – là giữ cho tâm không loạn, tâm ác không có điều kiện khởi phát; Tuệ hương – là sáng suốt, không sai lạc mê lầm; Giải thoát hương – là giải thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau; Giải thoát trì kiến hương – là giữ được mọi điều tốt lành trong đạo giải thoát. Nói chung ngũ hương là năm trong một, là ước nguyện hòa đồng pháp thân, tự nhiên tự tại, không còn bị lệ thuộc vào tứ khổ…

Ngoài những loại đồ thờ trên, những nhà khá giả ngày xưa còn sắm thêm cái độc bình. Độc bình theo nhà Phật là tượng trưng cho tâm không, với ý muôn loài muôn vật có cùng một gốc. Từ đó mà nảy sinh tứ đại vô lượng tâm: từ - bi - hỷ - xả.

Nếu thờ độc bình thì tương ứng hướng đông, còn đài quả thì tương ứng hướng tây, phù hợp quan niệm “Đông bình, Tây quả”. Vào ngày tết, trong độc bình người ta cắm một cành đào đỏ tượng trưng cho việc xua đuổi tà ma và tràn trề sinh lực.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ở phía đông núi Độ Sóc, có một loài cây hoa đã mọc từ rất lâu đời, gọi là hoa đào. Cây có cành lá khỏe mạnh và rậm rạp, hoa có màu đỏ rực che phủ cả một góc trời.

Dân gian truyền rằng, có hai vị thần tên là Thần Trà và Uất Lũy đang ngụ tại loài cây này. Họ lấy nhánh đào làm roi giúp dân chúng diệt trừ yêu ma, quỷ dữ, bảo vệ dân lành, giúp dân có được cuộc sống ấm no, an toàn. Tuy nhiên cứ vào dịp cuối năm là Ngọc Hoàng lại triệu tập các vị thần linh về chầu trời, trong đó có cả hai vị Thần Trà và Uất Lũy.

Do đó mà ma quỷ lại có dịp để làm loạn nhân gian và hãm hại con người, tuy nhiên chúng vẫn e sợ cây roi hoa đào đỏ rực của hai vị thần. Nhờ vào lẽ đó, người dân cứ vào dịp cuối năm lại ra bẻ cành đào để mang về nhà trồng hoặc cắm vào trong bình. Từ đó mà ma quỷ nhìn thấy mà kinh sợ, không dám lại gần con người, người dân sẽ đón được một cái tết an toàn, êm ấm.

Vấn đề cầu phúc lành của nhiều gia đình người Việt đôi khi còn được biểu hiện bằng một que tre trên đầu tạo tác khối bùi nhùi nhuộm ngũ sắc. Ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành. Người xưa quan niệm, từ thuở vũ trụ mông lung, năm hành khí đầu tiên là Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ đã tạo ra thế giới vật chất bao la. Năm hành khí đó gọi là Ngũ hành . Quy luật vận động cơ bản của Ngũ hành là luật Tương sinh - Tương khắc.

Tương sinh tức cái này nuôi dưỡng, hỗ trợ, thúc đẩy cái kia, tạo điều kiện cho cái kia sinh sôi, phát triển; ngược lại, tương khắc tức cái này hạn chế, kìm hãm, thậm chí triệt tiêu sự phát triển của cái kia. Có tương sinh thì sự vật mới có thể sinh sôi, phát triển. Nhưng chỉ dựa vào tương sinh thì sự vật sẽ phát triển một cách tràn lan, vô độ, dẫn đến hỗn độn, mất cân bằng. Vì vậy lại cần sự tác động của quy luật tương khắc, kìm hãm bớt, bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối.

Có thể nói, đối với người Việt, cách bày trí bàn thờ gia tiên là cốt cách của từng nhà, nhưng bao giờ nơi đó cũng mang bóng dáng chung của tâm hồn dân tộc tự bao đời nay. Nơi đó dung tụ vẻ đẹp của thế giới tâm linh, là miền thiên quốc, là nơi để tưởng nhớ công ơn tổ tiên đã khuất. Và trong chừng mực nào đó, người Việt đã thần linh hóa tổ tiên vào khối vũ trụ hòa đồng. Chính vì vậy mà nó vừa mang tính gần gũi lại vừa mang tính cao viễn khó xác định.

Bàn thờ gia tiên là vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Nó càng rực rỡ hơn khi giỗ chạp và nhất là khi xuân về tết đến. Vì mùa xuân là mùa khởi sự của một năm, trong cái không khí của mùa xuân nó luôn ẩn hiện dáng dấp của các đấng thần linh thông qua tâm thức của con người.

Trong cái quá khứ sâu thẳm của tổ tiên nhiều đời bao giờ cũng có cái bệ đỡ vững chắc cho tương lai tươi sáng. Nơi đó có sự kết tinh giao cảm âm dương. Bàn thờ gia tiên ngày xuân tạo nên không khí ấm cúng, tin tưởng và sức sống mới cho mỗi gia đình.

Đào Thái Sơn

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp