Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tháng Hai thương nhớ 

Thứ sáu - 04/03/2022 12:47
BTN - Bởi tháng Hai ở quê tôi không chỉ có “đình đám” mà có cả “hội hè” nữa. “Đình đám” mà tôi muốn nhắc đến là lễ hội Kỳ yên đình làng vào những ngày giữa tháng Hai. Còn “hội hè” là bà con rủ nhau tập trung xuống rạch, ra đồng ruộng đánh bắt cá như trẩy hội.

Vừa được hưởng những ngày đầu xuân ấm áp, mát mẻ, thảnh thơi, mới bước sang tháng Hai âm lịch, giữa mùa xuân, nhưng người dân quê tôi phải đối mặt với cái nắng gay gắt. Nắng thì nóng, tất nhiên rồi! Nhưng, xưa kia bà con quê tôi chẳng những không ngán ngại nắng nóng, mà còn khoái tháng Hai không kém gì tháng Giêng, với những ngày tết nguyên đán. 

Bởi tháng Hai ở quê tôi không chỉ có “đình đám” mà có cả “hội hè” nữa. “Đình đám” mà tôi muốn nhắc đến là lễ hội Kỳ yên đình làng vào những ngày giữa tháng Hai. Còn “hội hè” là bà con rủ nhau tập trung xuống rạch, ra đồng ruộng đánh bắt cá như trẩy hội.

Đây là tháng có số lượng người dân cùng nhau đi đánh bắt cá cao nhất trong năm. Và theo tỷ lệ thuận số cá đánh bắt được cũng nhiều nhất so với các tháng khác. Do đánh bắt cá dễ dàng, nên hầu như nhà nào cũng tạm gác công việc khác mà tranh thủ đi bắt cá. Cá nhiều, bán rẻ như cho, nên nhiều người mần cá phơi nắng làm khô, người khác thì ủ cá trong lu, hũ làm mắm đồng, để dành ăn lâu dài. 

Quăng chài, đánh cá trên rạch Tây Ninh. Ảnh minh hoạ: Đ.H.T

Xưa kia các phương tiện và loại hình vui chơi giải trí chưa phát triển, nhất là ở các vùng nông thôn sâu như quê tôi. Hồi đó lâu lâu cũng có gánh hát về đình làng, hay khu đất trống nào đó dựng rạp tạm thời, rồi bán vé biểu diễn. Có gánh hát về, chắc ai cũng khoái, nhưng đâu phải ai cũng có tiền mua vé. Khoái thì khoái, nhưng không có tiền mua vé, nhiều người lớn đành phải nằm nhà. Còn đám trẻ con chúng tôi thì thích thú ra mặt. Dù không có đồng bạc nào trong túi, mà có gánh hát về, đêm nào cũng tranh thủ học bài làm bài sớm, rồi lén ba má rủ nhau đến chỗ gánh hát, tìm mọi cách chui vào rạp. Đêm nào không chui vào coi “cọp” được, thì đợi gần “vãn tuồng” người ta “xả dàn”, tụi tui nắm tay nhau, ngẩng cao đầu ung dung vào rạp như khách mời hạng sang. Đã vậy mà còn tự hào: “Mình xem hát không tốn tiền mà được xem lúc gần vãn tuồng mới đã”… Chính vì vậy mà hồi đó, người lớn và trẻ nhỏ quê tôi mong cho đến tháng Hai, đình làng mở hội Kỳ yên. Nhất là những năm Ban quý tế tổ chức Kỳ yên lớn, có mời gánh hát bội từ Sài thành về hát ba ngày và hai, hoặc ba đêm, trước “trả lễ” cho thần làng, sau cho bà con xem miễn phí. Hồi đó, theo thoả thuận của ban tổ chức với gánh hát, thì ban ngày hát bội còn ban đêm hát cải lương. Vài năm (thường 3 năm một lần) được đi coi hát bộ, hát cải lương mấy ngày liên tiếp, mà không tốn tiền mua vé, thử hỏi ai mà không khoái? Vì vậy, hầu hết người dân trong làng từ già trẻ, bé lớn, trai gái, đàn ông, đàn bà... nếu đôi chân còn đi đứng được thì rủ nhau đến đình làng. Mà đâu chỉ có người trong làng, người các làng lân cận cũng không bỏ qua cơ hội. Đêm giữa tháng Hai, trời không một gợn mây, trăng sáng vằng vặc. Sân đình làng đông đặc người dán mắt lên sân khấu xem đào kép thi thố tài năng… Hồi đó thương mại dịch vụ cũng chưa phát triển. Ngày thường khuôn viên đình làng và quanh khu vực đình làng chẳng có ai buôn bán gì. Trong những ngày có “hát đình”, để phục vụ cho những người đến cúng đình và nhất là những người xem hát đình, những người buôn bán nhỏ từ các nơi đến khuôn viên đình làng buôn bán đủ thứ, từ thức ăn, thức uống, đồ nhậu… đến đồ chơi trẻ em. Bà con quê tôi, nhất là những người có được chút đỉnh tiền trong túi, vừa có món ăn tinh thần thoả thích, lại vừa có món ăn vật chất ngon miệng theo ý thích, trong mấy ngày đình làng mở hội Kỳ yên…

Tháng Hai, ở quê còn có những ngày “hội” nữa. Những ngày hội này, bà con quê tôi không được nghe “đã” lỗ tai, nhìn “sướng” cặp mắt, hay ăn, uống ngon cái miệng… mà là lấm lem bùn sình, nắng nôi nực nội.  Nhưng không ai bực bội, lại rất đông người vui vẻ tham gia. Đó là bà con rủ nhau xuống sông rạch, đồng ruộng bưng sình lầy đánh bắt cá đồng. Quê tôi có dòng rạch khá dài và rộng chảy qua. Ngoài dòng rạch chính, còn có nhiều con rạch nhánh đi sâu vào các cánh đồng. Phía bên bờ hữu dòng rạch chính là khu dân cư khá đông đúc, còn bên bờ tả là cánh đồng ruộng bưng rộng lớn, nhiều sình lầy, quanh năm đọng nước. Thuở ấy, dưới dòng rạch và trên đồng ruộng quê tôi nước còn chưa ô nhiễm. Các loại cá đồng cùng nhiều loài thuỷ sản khác sinh sống nhiều lắm. Trải qua nhiều tháng không mưa, tháng Hai đỉnh điểm của mùa nắng. Nước dòng rạch xuống rất thấp. Nhất là vào con nước mùng 10 (khoảng từ mùng 8 đến ngày 12) và hai mươi lăm (khoảng từ 23 đến 26) tháng Hai, nước dưới các rạch nhánh khô cạn, trơ bãi sình bùn lõng bõng. Còn nước dưới dòng rạch chính cũng chỉ còn lòng lạch nhỏ. Phần lớn cá lớn, cá nhỏ, từ các con rạch nhánh dồn ra dòng rạch chính, trước khi nước dưới rạch khô cạn. Nhưng cũng có nhiều con chạy không kịp, hay không muốn chạy về chỗ sâu lánh nạn, mà chúi sâu dưới bùn hoặc trốn trong các bụi cỏ. Thế là bà con quê tôi được mùa khai thác “thuỷ sản”. Hồi ấy, người dân quê tôi có rất nhiều cách đánh bắt cá khác nhau. Từ đặt lờ, giăng lưới, cắm câu, bắt mò, bắt mà, giậm dấu... cho đến xúc mé, chài lưới, siết cá, đổ chà, khai ruộng, tát đìa... Tuỳ theo con nước và tuỳ theo điều kiện gia đình, cũng như sức lực bơi lội của mỗi người, cùng với những kinh nghiệm có được, mà mỗi người, mỗi nhà chọn cho mình cách đánh bắt cá thích hợp nhất.

Riêng tháng Hai bà con quê tôi, phần lớn những nhà có điều kiện, phương tiện thì tập trung xuống rạch chài lưới, siết cá, đổ chà… Còn một bộ phận khác thì tập trung đến những đám ruộng sâu trũng, chủ ruộng khai cạn đi bắt cá “hôi”. Trước kia, cánh đồng quê tôi còn nhiều ruộng trũng ven sông, rạch. Đây là chỗ trú ngụ lý tưởng của các loại cá đồng vào những tháng mùa nắng. Đến tháng Hai, khi nước dưới rạch cạn kiệt, các chủ ruộng “rút bọng” hoặc xẻ bờ tháo nước ra rạch cho ruộng cạn để bắt cá, gọi là “khai ruộng”. Mỗi khi khai ruộng, ngoài chủ ruộng ra, có rất nhiều người đi bắt cá hôi (chờ cho chủ ruộng bắt cá xong, người bắt hôi mót lại). Có những đám ruộng rộng lớn, nhiều bùn, đoán biết nhiều cá, những người bắt hôi rủ nhau tìm đến rất đông vui. Cá nhiều, cả xóm ai cũng có, ăn không hết, đem bán thì rẻ như cho, mà rọng để dành thì lu hũ nào mà chứa cho đủ, vả lại rọng thì để được không lâu. Thế là bà con nhà thì làm cá phơi khô, nhà thì ủ cá làm mắm đồng để dành ăn lâu dài...

Tháng Hai âm lịch lại đến. Vào những buổi trưa trời chang chang nắng. Nhìn dòng rạch đầy lục bình và cánh đồng ruộng bưng trống vắng làm tôi chạnh nhớ những ngày tháng Hai của thời niên thiếu. Hồi đó trẻ em và cả người lớn quê tôi còn thiếu nhiều thứ lắm, như thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các phương tiện, điều kiện học hành, vui chơi giải trí như bây giờ. Nhưng bọn nhỏ chúng tôi rất vô tư, hồn nhiên vui tươi, thoải mái với những ngày tết nguyên đán và kế đó là tháng Hai với lễ hội hát đình. Đồng thời rủ nhau xuống rạch, xuống ruộng quần trong bùn lầy, sình nước mà bắt cá về cho ba má vừa có ăn hằng ngày, vừa có thừa ra xẻ khô hay làm mắm.

T.L

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp